Tín hiệu vui đầu năm

31/01/2023 - 08:48

Nhiều nhà nông và những hộ nuôi thủy sản ở ĐBSCL năm nay ăn Tết lớn nhờ bán được giá cao ngay những ngày đầu năm

Ông Nguyễn Hữu Nam (ngụ phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) có 7 công trồng dưa hấu bán trong dịp Tết, được thương lái đến tận ruộng hái vào ngày 26 Tết với giá bán 8.000 đồng/kg. "Năm nay dưa hấu cho năng suất cao với khoảng 3,5 tấn/công, sau khi trừ chi phí, tôi lãi khoảng 20 triệu đồng/công" - ông Nam nói.

Người nuôi, trồng đều phấn khởi

Các hộ dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau không giấu được niềm vui những ngày đầu xuân khi lúa trúng mùa được giá. Thương lái đến tận ruộng thu mua lúa với giá từ 6.300 - 7.000 đồng/kg (tùy loại). Theo thống kê của các ngành chức năng, toàn tỉnh Cà Mau có khoảng 30.000 ha lúa đông xuân. Lão nông Huỳnh Văn Nam (ngụ huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) nói: "Lúa năm nay trúng mùa với năng suất khoảng 6,5 tấn/ha. Sau khi trừ hết chi phí, tôi thu về lợi nhuận hơn 25 triệu đồng".

Từ sau năm 2000, hàng ngàn hộ dân ở Cà Mau đồng loạt chuyển dịch từ làm lúa sang nuôi tôm, cua kết hợp trên cùng diện tích. Quyết định mang tầm chiến lược trên đã giúp đời sống người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao và đưa tỉnh ở vùng cực Nam của Tổ quốc trở thành thủ phủ tôm, cua của cả nước. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Cà Mau cho biết toàn tỉnh hiện có hơn 302.000 ha nuôi trồng thủy sản, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh trong năm 2022 ước đạt 1,3 tỉ USD, tăng 16% so với cùng kỳ.

Sầu riêng được dự đoán là loại quả mang về tỉ đô trong năm 2023. Ảnh: CA LINH

Những kết quả ấn tượng về xuất khẩu nông thủy sản trong năm 2022 đã tạo sự phấn khởi cho doanh nghiệp và người dân. Tất cả cùng kỳ vọng xuất khẩu trong năm mới sẽ tạo cú hích để giá các mặt hàng nông thủy sản tiếp tục tăng mạnh, giúp người dân có thể tự tin làm giàu trên quê hương.

Ông Nguyễn Văn Bá (ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) cho hay xuất khẩu thủy sản đạt kỳ tích không chỉ có doanh nghiệp mà hộ nuôi cũng rất phất khởi. "Hy vọng năm 2023, giá tôm sẽ ổn định và tăng cao để người dân có thể yên tâm phát triển kinh tế trên quê hương" - ông Bá nói.

Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, khoai lang xuất khẩu tại ĐBSCL sốt giá. Ông Lê Văn Tám (ngụ xã Tân Hưng, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) cho hay: "Nếu như thời điểm này năm trước, giá khoai lang tím Nhật được thương lái thu mua rất thấp, chỉ còn 90.000 - 100.000 đồng/tạ (1 tạ được người dân quy đổi là 60 kg) thì từ khoảng tháng 11-2022 đến nay, giá tăng lên từ 1,2 - 1,3 triệu đồng/tạ. Sự tăng giá này nhờ vào việc khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và hiện nay nguồn cung khan hiếm. Trước kia tôi có 10 công trồng khoai lang tím Nhật nhưng sau thời gian giá khoai lang giảm, thua lỗ nên tôi đã chuyển 7 công sang trồng cây mít Thái, chỉ còn 3 công để trồng khoai song thời điểm này khoai lang chưa thu hoạch".

Để phát triển bền vững và đầu ra ổn định cho nông dân trồng khoai lang, UBND tỉnh Vĩnh Long vừa phê duyệt dự án "Liên kết xây dựng mô hình chuỗi cung ứng khoai lang phục vụ nội tiêu và xuất khẩu tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2024" với tổng kinh phí khoảng 16 tỉ đồng. Mục tiêu của dự án là kiểm soát được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng và dư lượng thuốc trên nông sản xuất khẩu. Điều quan trọng nhất là giúp nông dân làm chủ được công nghệ và xây dựng mô hình sơ chế, xử lý, bao gói, bảo quản khoai lang, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính có yêu cầu chất lượng cao. Mặt khác, cải thiện chất lượng và gia tăng giá trị đối với các thị trường phổ thông. Dự án sẽ hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho 20 ha khoai lang nhằm nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản xuất khoai lang.

Chỉ số xuất khẩu sẽ còn tăng

Từ tháng 9-2022, sầu riêng của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã tạo đà cho giá sầu riêng trong nước tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Hiện nay, giá sầu riêng như Ri6, khổ qua xanh, sầu riêng Mongthon… được thương lái và chủ vựa mua với giá từ 70.000 - 80.000 đồng/kg (loại 1), còn loại 2 và loại 3 cũng ở mức từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dù chỉ mới xuất khẩu chính thức từ tháng 9-2022, giá trị sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2022 đạt khoảng 350 triệu USD và dự đoán sầu riêng sẽ là loại quả tỉ đô vào năm 2023. Những vùng trồng có mã số xuất khẩu sang Trung Quốc giá tốt, cao hơn giá nhà vườn trồng bình thường.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, cho rằng hiện xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng mạnh làm giá sầu riêng nội địa cũng tăng theo, nhiều người lo ngại cây sầu riêng sẽ phát triển "nóng" như những loại nông sản khác ở ĐBSCL rồi rơi vào cảnh cung nhiều hơn cầu, rớt giá. Trước tình hình này, Bộ NN-PTNT đã có văn bản yêu cầu ngành nông nghiệp các địa phương khuyến cáo nông dân thận trọng khi phát triển diện tích, chỉ trồng ở những vùng chuyên canh, tập trung để bảo đảm vấn đề liên kết, có kết nối được doanh nghiệp tiêu thụ và phải sản xuất đạt chất lượng cao, bảo đảm an toàn, truy xuất tốt nguồn.

Dù tháng 1-2023 trùng vào thời gian nghỉ Tết Quý Mão 2023 nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của An Giang vẫn tăng so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 96,36 triệu USD, tăng 2,27% so cùng kỳ.

Theo Cục Thống kê tỉnh An Giang, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh sang các thị trường thành viên Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland theo Hiệp định UKVFTA; các thị trường thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… đều tăng so với cùng kỳ. Trong đó, mặt hàng gạo của An Giang đã xuất khẩu với sản lượng hơn 45.220 tấn, tương đương 24,76 triệu USD; so với cùng kỳ tăng 2,3% về sản lượng và tăng 2,32% về kim ngạch. Các thị trường xuất khẩu quen thuộc của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở An Giang như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Đài Loan - Trung Quốc, Ghana, Úc… và một số thị trường như Nga, Bangladesh và châu Âu vẫn ổn định.

Riêng mặt hàng thủy sản đông lạnh, chủ yếu là cá tra, có tăng về giá nguyên liệu nên người nuôi có lãi; đồng thời nhu cầu xuất khẩu tăng cao ở thị trường Trung Quốc, các nước thuộc CPTPP, các nước châu Âu… nên các doanh nghiệp thủy sản của An Giang đã xuất khẩu trong tháng 1-2023 ước đạt 9.770 tấn, tương đương 23,78 triệu USD; so với cùng kỳ tăng 2,41% về sản lượng và tăng 2,42% về kim ngạch.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn tại An Giang, chỉ số xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh này sẽ còn tăng khi các hoạt động nghỉ Tết Nguyên đán 2023 kết thúc.

Hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu

Kiên Giang có bờ biển dài trên 200 km, ngư trường hơn 63.000 km², sản lượng khai thác thủy sản trên 500.000 tấn/năm, diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 125.000 ha, sản lượng thu hoạch hơn 85.000 tấn tôm/năm. Đây là nguồn nguyên liệu ổn định và đa dạng cung cấp cho chế biến, xuất khẩu thủy sản. Toàn tỉnh hiện có 88 cơ sở, nhà máy chế biến thủy sản, tổng công suất khoảng 250.000 tấn/năm; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 700 triệu USD, tăng bình quân qua từng năm là 11,88%/năm. Năm 2023, Kiên Giang phấn đấu kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 860 triệu USD, tăng 7,23%.

Theo Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, năm 2023 ngành xuất khẩu thủy sản của tỉnh tập trung nâng cao năng lực sản xuất, công nghệ, ưu tiên sản xuất những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh, giảm dần tỉ trọng hàng xuất khẩu sơ chế.

Ngoài nỗ lực nghiên cứu thị trường giúp doanh nghiệp thâm nhập thị trường quốc tế sâu rộng, tạo thị phần ổn định trên thị trường khu vực và thế giới, UBND tỉnh Kiên Giang còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận khai thác tốt các nguồn vốn, bảo đảm cho hoạt động xuất khẩu thủy sản phát triển bền vững, hiệu quả. Theo đó, tỉnh tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu đầu tư nâng cấp công suất nhà máy, dây chuyền sản xuất kết hợp với mời gọi, thu hút những dự án quy mô lớn, công nghệ tiên tiến hiện đại vào chế biến thủy sản xuất khẩu.

Theo CA LINH - VĨNH KỲ - VÂN DU - DUY NHÂN (Người lao động)