Tỉnh Kiên Giang có 12.224 doanh nghiệp đang hoạt động

22/03/2024 - 16:35

Đến ngày 15-3-2024, tỉnh Kiên Giang có 12.224 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, tổng vốn đăng ký hơn 209.280 tỷ đồng.

A A

102802KGO_20240322_HOPMATDOANHNGHIEP3

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn phát biểu tại hội nghị. 

Sáng 22-3, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị họp mặt doanh nghiệp năm 2024 và khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023. Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Kiên Giang Lê Hồng Thắm và Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn tham dự hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, năm 2023, tỉnh Kiên Giang có 1.500 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 15.900 tỷ đồng, đứng thứ 3 về số lượng doanh nghiệp, đứng thứ 2 về số vốn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Đến ngày 15-3-2024, toàn tỉnh có 12.224 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, tổng vốn đăng ký hơn 209.280 tỷ đồng.

103925103228KGO_20240322_HOPMATDOANHNGHIEP1

Các đồng chí thường trực HĐND và UBND tỉnh Kiên Giang trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chuyên đề “Doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang hội nhập và phát triển” năm 2023.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những thành tích của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong năm 2023, nhất là tinh thần, trách nhiệm xã hội, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế và chấp hành tốt chính sách của Nhà nước... Với phương châm “Ðồng hành và kết nối”, Kiên Giang luôn nỗ lực hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang dự báo tình hình trong nước và quốc tế thời gian tới còn nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đối với sự phục hồi của các doanh nghiệp. Cùng với đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, sự thay đổi các loại hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng… Do đó, các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố thường xuyên nắm tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp để kịp thời tham mưu UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Tăng cường đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá; đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác phát triển thương mại - du lịch; đưa ra nhiều giải pháp thu hút, mời gọi các nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm đầu tư vào tỉnh…

Theo TRUNG HIẾU (Báo Kiên Giang)