TP Vĩnh Long có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn.
Tiềm năng phát triển du lịch lớn
Theo Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Vĩnh Long đến năm 2035, tầm nhìn năm 2050, phạm vi quy hoạch gồm TP Vĩnh Long, một phần huyện Long Hồ (các xã An Bình, Hòa Ninh, Thanh Đức, Tân Hạnh, Phước Hậu) với diện tích khoảng 111,54km2, ranh giới lập quy hoạch là phía Bắc giáp sông Tiền, sông Cổ Chiên và huyện Long Hồ; phía Nam, phía Đông giáp huyện Long Hồ và huyện Mang Thít;
phía Tây giáp Đồng Tháp. Hiện TP Vĩnh Long đang mở rộng một cách tuyến tính dọc theo sông Cổ Chiên, QL1, QL53, dọc đường Phạm Thái Bường (Phường 4) và trục đường Mậu Thân (Phường 3).
Theo đó, phát triển lõi đô thị được đặc biệt quan tâm. Cụ thể lõi đô thị bao gồm trung tâm hành chính mới của tỉnh (Phường 9), và khu vực đô thị lịch sử là trung tâm hành chính TP Vĩnh Long (Phường 1) có nhiều cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ.
Đây là khu vực có chức năng trung tâm thành phố. Tích cực phát triển đô thị quy hoạch tập trung các chức năng đô thị hướng đến một khu vực đô thị xứng tầm bộ mặt của TP Vĩnh Long, hình thành sự sầm uất của khu vực trung tâm.
Tại vùng lõi đô thị và đô thị chuyển tiếp, khi phát triển đô thị sẽ giữ lại tối đa các con sông, kinh rạch và đất cây xanh đất nông nghiệp ven sông tạo mạng lưới cây xanh và mặt nước liên tục trong đô thị.
Mạng lưới cây xanh và mặt nước đem thiên nhiên vào trong đô thị tạo không gian bố trí sân chơi thể thao, đường đi dạo, đi xe đạp, là nơi nghỉ ngơi giải trí cho người dân.
Song song đó, với hệ thống sông chằng chịt, TP Vĩnh Long có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn.
Ông Nguyễn Thanh Hà- Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long- cho hay: Những công trình kết nối vùng ven đô thị với khu vực nội ô đã mang lại lợi ích cho dân cư ở đô thị và còn tạo sức hấp dẫn cho du lịch đô thị.
Do đó, sẽ biến khu vực ven sông Cổ Chiên thành trục du lịch, xây dựng trọng điểm du lịch khác biệt so với các thành phố khác trong ĐBSCL, tạo nét đặc trưng mới của TP Vĩnh Long.
Hướng đến đô thị du lịch sinh thái
Khách du lịch thích thú với cảnh sông nước ở Vĩnh Long.
Theo đồ án quy hoạch, sẽ có nhiều trọng điểm du lịch mới được khai thác như: công viên ven sông Cổ Chiên được bố trí ở địa điểm phù hợp tính chất của một công viên liên vùng- đây là công viên có quy mô lớn và sẽ trở thành biểu tượng của TP Vĩnh Long.
Hay, khu vực “hòn đảo” cồn Chim, được bao bọc bởi sông ngòi chằng chịt, thiên nhiên phong phú, rất dễ tiếp cận với khu vực trung tâm và cù lao An Bình, rất thích hợp để phát triển thành khu du lịch sinh thái lưu trú dài ngày.
Bên cạnh đó, còn có cồn Giông, cũng là khu vực có vị trí đẹp ven sông, đất nông nghiệp trù phú, có thể phát triển du lịch thể nghiệm du lịch.
Chưa kể, theo quy hoạch sử dụng đất hạ tầng xã hội, sau khi tái phát triển các công trình bảo tàng, quảng trường ven sông, thư viện, hội văn học nghệ thuật… khu vực này sẽ trở thành không gian bảo tồn, sáng tạo và giao lưu văn hóa, của cư dân đô thị, và du khách, trở thành một trọng điểm văn hóa quan trọng nhất của đô thị cũng như của tỉnh.
Song song bảo tồn các công trình di tích văn hóa lịch sử và phát huy vào phát triển du lịch, thực hiện các dự án trùng tu tôn tạo như dự án đầu tư tôn tạo mở rộng điểm du lịch quốc gia Văn Thánh miếu.
Có thể thấy, việc khai thác thế mạnh sông nước và đầu tư mạnh vào các khu du lịch sinh thái, kết hợp tham quan di tích văn hóa lịch sử đang là hướng đi cho du lịch đô thị TP Vĩnh Long.
Thời gian qua, thành phố đã và đang từng bước hoàn thành việc xây dựng kết cấu hạ tầng, các dự án tạo điểm nhấn cho diện mạo và vẻ mỹ quan đô thị, hướng tới xây dựng và phát triển thành đô thị sinh thái xanh- sạch- đẹp phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn.
Song, để ngành du lịch thực sự bứt phá, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương cần tạo nét riêng biệt và hấp dẫn sản phẩm đặc trưng vùng miền, khai thác thế mạnh sông nước với đặc trưng miệt vườn để tạo sự phong phú, độc đáo của du lịch Vĩnh Long.
Bên cạnh hoàn thiện các công trình hạ tầng kỹ thuật, cần đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, tiếp tục bảo tồn di sản văn hóa để thu hút khách du lịch.
Đồng thời, để đạt mục tiêu trở thành đô thị loại II vào năm 2020, cần đẩy mạnh phát triển khu vực lõi đô thị từ giai đoạn đầu đạt các chỉ tiêu về mật độ dân cư và xây dựng hạ tầng theo các chỉ tiêu của Chính phủ đã đề ra.
Ông Nguyễn Quốc Duy- Phó Giám đốc Sở Xây dựng- cho biết: Định hướng phân bố các vùng chức năng, trên cơ sở đặc điểm tự nhiên địa hình, địa thế, tài nguyên thiên nhiên, các cơ sở về hạ tầng kỹ thuật, không gian hệ thống đô thị theo các trục hành lang kinh tế đô thị QL1, QL53, QL54, trục hành lang sông Măng Thít…, tạo thành khung phát triển vùng cho toàn tỉnh Vĩnh Long được phân thành 3 vùng phát triển kinh tế.
Trong đó, vùng trung tâm là vùng đô thị động lực phát triển kinh tế của toàn vùng, không gian đô thị vùng trung tâm bao gồm: không gian vùng đô thị thị trấn Long Hồ, đô thị Phú Quới và TP Vĩnh Long- được xác định là đô thị tiểu vùng trung tâm.
Theo THẢO NGUYÊN (Báo Vĩnh Long)