Tát mương bắt cá tại các khu du lịch ở Trà Ôn.
Thêm vào đó là hầu hết các tuyến giao thông từ huyện đến các xã đều rất hoàn chỉnh, thuận tiện cho các hoạt động tham quan du lịch kết hợp quảng bá di tích lịch sử quốc gia như Lăng Ông Điều bát tướng quân Nguyễn Văn Tồn và các di tích lịch sử cấp tỉnh khác.
Chúng tôi đến cồn Công thuộc địa phận ấp Phú Xuân (xã Phú Thành), nơi đang được huyện tập trung khai thác thế mạnh du lịch sinh thái của huyện với diện tích 20ha.
Tại đây, thiên nhiên vốn hào phóng ban tặng nguồn đất đai tươi tốt, cây trái xanh cành trĩu quả, lòng người nhân hậu, mến khách lại nằm giữa 2 nhánh sông lớn là sông Hậu và sông Trà Ôn nên khí hậu mát mẻ quanh năm.
Từ đó, đã có nhiều nông dân hình thành những khu du lịch sinh thái miệt vườn rất hấp dẫn.
Ông Nguyễn Văn Trong- chủ Cơ sở du lịch Tám Trong kể thêm: “Cơ sở tôi hình thành trên 16 tháng qua, thu hút khá nhiều khách từ các nơi đến tham quan, nhiều nhất là vào thứ bảy, chủ nhật.
Đến đây, du khách được thưởng thức nhiều món ăn ngon dân dã chế biến từ cá lóc, cá trê, cá tra, ốc bươu, gà, vịt với giá rất “mềm”.
Cạnh đó, du khách còn được tham quan hái trái rất thoải mái với các loại nhãn, cam, chôm chôm và có thể mua khô cá lóc, khô cá lòng tong “đặc sản” để làm quà cho người thân…”
Khi chúng tôi đến tham quan cũng là lúc ông đã hoàn thành việc thiết kế một số trò chơi dân gian thú vị như: chạy xe đạp qua ao mương, cầu thăng bằng và một số trò chơi khác chuẩn bị đón Tết Nguyên đán 2018.
Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình về cơ sở du lịch miệt vườn của ông Lê Văn Dô (Tư Dô) vốn rất nổi tiếng với 5 công vườn chôm chôm chất lượng cao sẵn sàng “bao ăn no bụng” cho du khách.
Chưa dừng lại ở đó, nhiều công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vĩnh Long đã thường xuyên đưa du khách đến đây thưởng lãm bầu không khí trong lành kết hợp với những món ăn “độc đáo” do chính những “đầu bếp” miệt vườn đảm nhận.
Du khách càng yên tâm hơn khi biết được các món ăn, cây trái đều được đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (không sử dụng các hóa chất, phụ gia gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng).
Bà Võ Thị Nga- hướng dẫn viên du lịch tại một công ty lữ hành Cần Thơ- cho biết thêm: “Tôi thường xuyên đưa khách đến đây tham quan.
Đi đường thủy rất thuận tiện, chỉ mất khoảng 30 phút là du khách từ Cần Thơ đã đến được với khu du lịch trên cồn Công này.
Ở đây, giá cả các món ăn rất bình dân, cách nấu nướng rất ngon, lại có thể tham quan các khu vườn cây trái, rất lý thú.
Khách nước ngoài rất chuộng mô hình này- nhất là vừa ngồi ăn uống vừa nghe đờn ca tài tử miệt vườn.
Nếu cần du khách sẽ được hướng dẫn tham quan làng nghề làm bánh tráng cù lao Mây, nghe kể chuyện bi hùng về anh hùng lực lượng vũ trang Lục Sĩ Thành đã làm nên huyền thoại”.
Có rất nhiều du khách không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp quá nhiều ngôi nhà cổ tại thị trấn Trà Ôn vẫn được lưu giữ và bảo tồn hầu như nguyên vẹn hàng trăm năm qua, tạo điểm nhấn hoài cổ cho một vùng đất xưa bên dòng sông Hậu.
Rời cù lao Mây, du khách sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành từ các cánh đồng cam sành, cam xoàn với trái nặng trĩu cành trên các tuyến đường về xã Tân Mỹ, Trà Côn, Hựu Thành,…
Nhiều du khách càng thích thú hơn khi tận mắt chứng kiến những cánh đồng rau nhút mênh mông ở xã Hòa Bình, Xuân Hiệp như những bức tranh thiên nhiên tuyệt tác hay những cánh đồng lúa xanh mượt chạy dài theo các tuyến đường về xã Vĩnh Xuân, Tích Thiện, Thuận Thới,…
Đã có khá nhiều đoàn làm phim chọn những nơi này quay bởi khung cảnh rất nên thơ, lòng người nhân hậu.
Thưởng thức những món ăn dân dã tại các khu du lịch ở Trà Ôn.
Anh Phan Văn Chung (xã Trà Côn) cho biết: “Du khách thường đến đây thưởng thức các loại trái cây đặc sản của Trà Ôn và tận hưởng không khí trong lành. Với lợi thế này, tôi hoàn toàn tin tưởng vào tiềm năng phát triển du lịch trong tương lai”.
Có thể thấy, Trà Ôn đang tập trung phát triển du lịch để phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Trong đó lồng ghép du lịch sinh thái gắn với làng nghề; gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và phát triển cộng đồng; kết hợp hài hòa các loại hình du lịch phục vụ đa dạng nhu cầu du khách.
Tuy nhiên, khó khăn đang đặt ra là cần lắm sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước về tính pháp lý, quy chế hoạt động, kinh doanh,…
Cạnh đó cần có giải pháp hỗ trợ, quảng bá, biểu diễn các loại hình văn hóa, nghệ thuật- nhất là loại hình đờn ca tài tử; duy trì các làng nghề truyền thống.
Cạnh đó là sự gắn kết với các công ty du lịch từ các địa phương, sự hỗ trợ về an ninh trật tự tại địa phương; sự thông thoáng, mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông hiện có trên cù lao Mây.
Có như vậy thì Trà Ôn sẽ là điểm đến lý tưởng đầy hấp dẫn với du khách gần xa.
Theo TRƯƠNG THANH LIÊM (Báo Vĩnh Long)