Trà Vinh: Giữ gìn giống dừa sáp đặc sản Cầu Kè

22/01/2024 - 10:07

Gần 100 năm cây dừa sáp đầu tiên của Việt Nam “bén duyên” ở vùng đất Cầu Kè, đến nay, địa phương này đã có trên 171.000 cây dừa sáp, được trồng trên diện tích gần 780ha, với sản lượng trung bình mỗi năm trên 3,3 triệu trái. Hiện giá dừa sáp bán tại vườn với giá từ 30.000 - 100.000 đồng/trái, nên mang lại hiệu quả kinh tế rất cao so với các giống dừa thường, cải thiện đáng kể thu nhập của gần 2.600 hộ trồng dừa sáp huyện Cầu Kè; trong đó, hộ Khmer chiếm trên 70%.

Vườn dừa sáp 1,5ha của ông Thạch Chanh, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. 

Nguồn thu nhập chính

Năm 1924, sau khi hoàn thành khóa tu học tại Campuchia, Hòa thượng Thạch Sô trở về chùa Botumsakor (Khóm 5, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè) và mang theo 02 cây dừa sáp giống để trồng tại chùa. Đây chính là 02 cây dừa sáp được trồng đầu  tiên tại Việt Nam.

Trái dừa sáp có ngoại hình khá giống với dừa thường nhưng điểm đặc biệt là bên trong cơm rất dày, mềm, béo, dẻo và gần như đặc ruột, cùng với một ít nước sệt quánh nhẹ. Loại trái này được xay sinh tố hoặc dằm với đường, sữa, ăn rất ngon và lạ miệng.

Ban đầu, cây dừa sáp chủ yếu được phật tử và vài hộ dân ở địa phương trồng ăn trong gia đình hoặc làm quà biếu. Nhờ hương vị độc đáo nên người dân truyền tai nhau; đến nay, loại trái này đã trở thành đặc sản của tỉnh Trà Vinh. Giống dừa sáp truyền thống rất đặc biệt, chỉ có thể ra trái sáp ở vùng đất Cầu Kè. Cùng nguồn giống nhưng khi trồng ở những vùng đất khác không ra trái sáp, chỉ cho ra những trái dừa bình thường. Chính vì vậy, dừa sáp Cầu Kè rất hút hàng; trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ Khmer ở địa phương.

Gia đình ông Thạch Dách, ấp Chông Nô 2, xã Hoà Tân, huyện Cầu Kè bắt đầu chuyển đổi 0,45ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dừa sáp từ năm 2008 và đến nay, vườn dừa sáp của gia đình ông lên đến 1,5ha. Hiện tại, vườn dừa này cho thu hoạch từ 100 - 120 trái sáp/tháng, giá bán dao động từ 30.000-100.000/trái tùy loại sáp đặc, sáp lỏng hoặc sáp sệt. Cùng với nguồn dừa khô, mỗi tháng gia đình ông luôn đạt lợi nhuận ổn định hơn 10 triệu đồng, cao hơn rất nhiều lần so với trồng lúa trên cùng diện tích.

Tương tự, gia đình ông Thạch Chanh, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè cũng chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dừa sáp từ năm 2009. Ban đầu, gia đình ông chỉ trồng 20 cây thử nghiệm trên 0,1 ha đất. Sau khoảng 05 năm cây cho thu hoạch, bình quân mỗi buồng dừa cho 02 trái sáp.  Với giá bán từ 150.000 - 200.000 đồng/trái dừa sáp thời điểm đó, nông dân có mức thu nhập khá “khủng”, so với trồng lúa trên cùng diện tích.

Thấy rõ hiệu quả nên gia đình ông Chanh mạnh dạn mở rộng diện tích trồng dừa sáp lên 1,5ha; trong đó, 150 cây dừa sáp giống truyền thống, và 80 cây dừa sáp giống cấy phôi. Bình quân mỗi tháng ông thu hoạch từ 300 - 400 trái dừa sáp; với giá bán dao động từ 30.000 -100.000 đồng/trái tùy loại, gia đình ông có thu nhập ổn định từ vườn dừa sáp này trên 20 triệu đồng/tháng.

Những năm gần đây, các nhà khoa học của Trường Đại học Trà Vinh đã nghiên cứu thành công nhân giống dừa sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi, nuôi cấy mô, cho tỷ lệ trái sáp đạt 70 - 90%/buồng, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ đạt sáp của giống cây dừa sáp truyền thống (chỉ 10-20%/buồng). Không chỉ vậy, giống dừa sáp cấy phôi còn có thể trồng ở nhiều vùng đất khác nhau, không như giống dừa truyền thống rất “kén” thổ nhưỡng, chỉ có thể thích nghi ở vùng đất Cầu Kè.

Bình quân mỗi năm, 01 cây dừa sáp truyền thống cho từ 20 - 40 trái sáp; trong khi với dừa sáp cấy phôi, sản lượng đạt gấp 5 lần trở lên. Vì vậy, nhiều hộ trồng dừa sáp ở huyện Cầu Kè đang thay dần giống dừa sáp cấy phôi vì lợi nhuận cao. Đến nay, trong số trên 171.000 cây dừa sáp của huyện, có trên 2.200 cây dừa sáp cấy phôi. Điều này khiến vùng dừa sáp truyền thống đặc sản của tỉnh Trà Vinh đang đứng trước nguy cơ bị thu hẹp, “xoá sổ”.

Giữ gìn đặc sản truyền thống

Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè Diêu Hùng Thắng cho biết, trước đây, huyện Cầu Kè là địa phương duy nhất của cả nước trồng được cây dừa sáp nhờ đặc tính thổ nhưỡng thích hợp. Vì vậy, trái dừa sáp từng mang lại cuộc sống rất sung túc cho nhiều hộ Khmer trên địa bàn nhờ luôn hút hàng, giá bán cao. Dừa sáp truyền thống là giống gen quý, nên địa phương đang tích cực tuyên truyền người dân không chặt bỏ cây dừa sáp truyền thống để trồng dừa sáp cấy phôi.

Công ty TNHH Chế biến Dừa sáp Cầu Kè (Vicosap) thành lập tháng 7/2020. Đây là đơn vị tiên phong và duy nhất tại Việt Nam chế biến đa dạng, chuyên sâu các sản phẩm từ dừa sáp. Tháng 5/2023, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục “Đơn vị chế biến sâu trái dừa sáp thành hệ thống nhiều dòng sản phẩm nhất, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu” cho Vicosap. Đây cũng là đơn vị có sản phẩm “dừa sáp sợi” đạt chuẩn Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp quốc gia (5 sao).

Ngoài ra, công ty có 07 dòng sản phẩm chính gồm: dừa sáp trái hút chân không; kẹo dừa sáp 03 vị (nguyên chất, ca cao và lá dứa); dừa sáp sợi; dừa sáp sấy khô giòn tan; sữa chua dừa sáp sấy khô giòn tan; bánh dinh dường dừa sáp 03 vị (chuối, khoai lang, bí đỏ) và sữa chua uống dừa sáp; với khoảng 200 loại sản phẩm chế biến sâu từ trái dừa sáp đã được đưa ra thị trường. Hiện tại, sản phẩm của Vicosap đã được nhiều người biết và tin dùng, làm quà biếu…

Không chỉ có mặt tại hệ thống siêu thị trong nước, các sản phẩm của Vicosap cũng bày bán ở các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Đã Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc. Đồng thời, sản phẩm cũng được ngành chức năng tỉnh Trà Vinh hỗ trợ kết nối, đưa lên các sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, sản phẩm của Vicosap đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Anh Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Ông Trần Duy Linh, Giám đốc Vicosap cho biết, hiện nay công ty chỉ thu mua dừa sáp truyền thống để làm nguyên liệu chế biến, với giá cao hơn giá thị trường khoảng 10.000 đồng/trái. Theo ông Linh, sản phẩm chế biến từ dừa sáp truyền thống đậm vị, béo dẻo và ngon hơn hẳn so với dừa cấy phôi.

Để bảo tồn giống dừa sáp truyền thống và đảm bảo được nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất của công ty, ông Trần Duy Linh đang phối hợp với chính quyền địa phương, ngành chức năng và các hộ trồng dừa sáp truyền thống thực hiện dự án “Làng bảo tồn dừa sáp nguyên bản gắn phát triển dịch vụ - du lịch cộng đồng, cải thiện sinh kế đồng bào Khmer”.

Theo đó, vùng nguyên liệu này được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với chỉ dẫn địa lý, dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Dự án thành công sẽ giúp các hộ Khmer trồng dừa sáp truyền thống trên địa bàn huyện Cầu Kè gắn kết, tăng thu nhập, có thị trường tiêu thụ bền vững. Trái dừa sáp truyền thống- đặc sản của tỉnh Trà Vinh sẽ được bảo tồn và tiếp tục mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ Khmer địa phương.

Theo THANH HÒA (Báo Trà Vinh)