Đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh (bên phải) tham quan mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, cơ giới hóa tại HTX nông nghiệp Phước Hảo.
Qua ghi nhận thực tế trên đồng ruộng tại 02 HTX, hiện lúa đang xuống giống được hơn 50 ngày và phát triển rất tốt. Các quy trình được các đơn vị tham gia triển khai cho các thành viên HTX: Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Viện Môi trường Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở NN-PTNT Trà Vinh).
Ông Trương Hòa Thuận, Giám đốc HTX nông nghiệp Phước Hảo cho biết: HTX đã tham gia sản xuất lúa vụ hè - thu trong Đề án với giống lúa ST25. Khi triển khai mô hình sản xuất lúa theo Đề án, thành viên HTX lúc đầu cũng khá bỡ ngỡ. Qua tập huấn và triển khai của các đơn vị phối hợp từ Bộ NN-PTNT và tỉnh, quá trình sản xuất từng bước được anh em nắm bắt khá tốt. Đặc biệt là các thành viên HTX và nông dân khi tham gia Đề án đã phát huy vai trò chủ thể của mình cùng đồng hành trong thực hiện; ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lúa.
Qua đánh giá từ các thành viên tham gia mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ gắn với phát thải thấp tại 02 HTX, với các chi phí đầu vào hiện nay, đã giúp cho người sản xuất tiết kiệm khoảng 30% chi phí (lượng giống; phân; thuốc bảo vệ thực vật…). Hiện lượng giống được sử dụng trong mô hình khoảng 70 - 80kg/ha; lượng phân bón áp dụng theo hướng hữu cơ vi sinh thông qua Công ty Cổ phần Tổng công ty Nước - Môi trường Bình Dương cung ứng hỗ trợ phân bón hữu cơ Con voi Bình Dương.
Theo đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh: trong triển khai thực hiện sản xuất theo Đề án, các thành viên HTX, cán bộ HTX sẽ được tập huấn về quy trình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp thông qua việc áp dụng quy trình xử lý rơm rạ, giảm lượng CO2 phát thải khi đốt đồng và vai trò của HTX trong tổ chức, sản xuất và liên kết tiêu thụ…
Thông tin từ lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở NN-PTNT Trà Vinh), đến nay, các đơn vị chuyên môn đã phối hợp với Công ty Sài Gòn Kim Hồng tổ chức tập huấn đầu vụ biện pháp sạ cụm và sạ cụm kết hợp với vùi phân; Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức tập huấn quy trình sản xuất; Viện Môi trường Nông nghiệp rà soát và hoàn chỉnh khoanh vẽ định vị lại sơ đồ chi tiết diện tích sản xuất từng thửa ruộng của hộ tham gia mô hình trong Đề án (mỗi mô hình bố trí chọn 10 điểm để tiến hành giám sát và đánh giá theo MRV); cung ứng hỗ trợ 49 tấn phân bón hữu cơ con voi Bình Dương (HTX nông nghiệp Phước Hảo 25 tấn; HTX nông nghiệp Phát Tài 24 tấn)...
Ông Trần Văn Chung, Giám đốc HTX nông nghiệp Phát Tài cho biết: vụ lúa hè - thu, HTX tham gia sản xuất theo Đề án với giống OM 5415; đến nay lúa đã được gần 60 ngày tuổi. Nếu so với trà lúa cùng kỳ năm 2023, thì vụ lúa hè - thu năm 2024 sản xuất theo quy trình của Đề án giúp thành viên HTX giảm chi phí đầu vào và quản lý dịch bệnh khoảng 05 triệu đồng/ha; khả năng trà lúa sẽ có năng suất đạt cao hơn so với trước đây.
Cũng theo ông Trần Văn Chung, mô hình sản xuất lúa trong Đề án giúp cho nông dân chuyển biến rất lớn về nâng cao nhận thức tính cộng đồng trong liên kết cùng mục tiêu. Trước mắt, nông dân thụ hưởng về giảm chi phí sản xuất, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và gắn bảo vệ môi trường, giảm phát thải. Thời gian tới, góc độ HTX cũng mong muốn các đơn vị liên kết trong phối hợp cần triển khai đồng bộ và kịp thời với thời gian sinh trưởng của cây lúa; để nông dân không phải lo lắng và chờ đợi.
Theo HỮU HUỆ (Báo Trà Vinh)