Trà Vinh: Tăng giá trị kinh tế từ dừa sáp

21/08/2024 - 09:10

Cây dừa sáp được trồng đầu tiên ở Trà Vinh, cho giá trị kinh tế cao đã giúp nhiều gia đình cải thiện thu nhập. Không những thế, dừa sáp còn được chế biến sâu thành các sản phẩm được thị trường ưa chuộng.

Ông Trần Phong Ba - Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh - cho biết cây dừa sáp đã có lịch sử phát triển 100 năm. Vào năm 1924, sau khi hoàn thành khóa tu học tại nước ngoài, Hòa thượng Thạch Sô nhận được lời mời từ Ban Quản trị và phật tử chùa Chợ (khóm 5, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè) về làm chức vụ hòa thượng.

Phát triển qua 100 năm

Trong chuyến về, Hòa thượng Thạch Sô có mang theo 2 cây dừa sáp về trồng tại chùa Chợ. Đây là lần đầu tiên mầm cây dừa sáp được trồng tại Việt Nam.

Sau một thời gian, cây dừa cho trái và may mắn là 2 cây đều cho ra trái dừa sáp. Do đột biến gien và có thể vì điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết vùng đất Cầu Kè phù hợp đã khiến cây dừa cho trái sáp đặc biệt, trở thành một đặc sản nổi tiếng chỉ có ở Trà Vinh. Khi các phật tử biết điều này đã truyền tai nhau và xin giống về trồng, đầu tiên là gia đình ông Vanh - ngụ ấp Chông Nô 1, xã Hòa Tân; gia đình thứ 2 là hộ ông Đuôn - ngụ ấp Chông Nô 2, xã Hòa Tân. Trong 2 gia đình chỉ có một gia đình trồng ra trái dừa sáp.

Dừa sáp có mặt trên đất Trà Vinh từ 100 năm nay nhưng mãi đến năm 2000 mới chính thức được công chúng biết đến rộng rãi, trở thành loại trái đặc sản của vùng Cầu Kè. Huyện Cầu Kè vốn nổi tiếng gần xa với lễ Vu lan Thắng hội được tổ chức hằng năm vào nửa cuối tháng 7 âm lịch. Lễ hội thu hút khách phương xa đổ về dự ngày càng đông. Dịp này là cơ hội tốt để nhà vườn đua nhau giới thiệu các loại trái cây đặc sản Cầu Kè như: măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, chuối táo quạ, cam sành... Những nhà dân trong vùng có trồng dừa sáp cũng tranh thủ mang ra bán cho khách tham quan.

Tiếng lành đồn xa, mỗi khi đến dịp hành hương về Cầu Kè dự lễ Vu lan, du khách rủ nhau mua trái dừa đặc ruột độc đáo của Cầu Kè. Cứ thế, dừa sáp từng bước chinh phục khách hàng, trở thành sản phẩm mang lại thu nhập đáng kể cho nhà vườn.

Tăng thu nhập cho người dân

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, diện tích trồng dừa sáp toàn tỉnh tăng qua từng năm. Nếu như năm 2005 diện tích trồng dừa sáp là 43 ha thì năm 2024 tăng lên 1.277,6 ha (tương đương 250.000 cây dừa). Dừa sáp được trồng nhiều nhất ở huyện Cầu Kè (1.145,7 ha) và rải rác tại huyện Tiểu Cần, Càng Long, Trà Cú… Song song với diện tích, sản lượng dừa sáp cũng tăng lên rất nhiều - từ 118.788 trái năm 2005 lên hơn 3,1 triệu trái trong năm 2024.

Dừa sáp là một đặc sản nổi tiếng ở Trà Vinh, cho giá trị kinh tế cao

Dừa sáp là một đặc sản nổi tiếng ở Trà Vinh, cho giá trị kinh tế cao

Dừa sáp có cơm đặc dẻo, nước sền sệt và hương vị thơm, béo. Mỗi buồng dừa chỉ có 2 - 3 trái sáp nên không đủ cung ứng trên thị trường, trong khi loại dừa này không thể nhân giống ở nhiều nơi cũng là một trong những lý do khiến giá thành dừa sáp khá đắt. Bà Bùi Thị Lý, một hộ trồng dừa sáp tại huyện Cầu Kè, thông tin: "Dừa sáp có giá cao gấp 10 lần dừa thường, dao động 70.000 - 120.000 đồng/trái, tùy chất lượng và trọng lượng trái. Dừa sáp đang rất được thị trường ưa chuộng do hương vị thơm ngon và có giá trị kinh tế rất cao. Thu nhập bình quân 1 ha khi dừa cho trái ổn định khoảng 320 triệu đồng đối với dừa sáp thường và 770 triệu đồng đối với dừa sáp nuôi cấy phôi. Lợi nhuận bình quân đạt lần lượt là 270 triệu và 700 triệu đồng/ha".

Theo lãnh đạo một công ty chuyên kinh doanh các sản phẩm từ dừa sáp tại Trà Vinh, dừa sáp được dùng nhiều vào chế biến thực phẩm (kem, bánh, mứt, kẹo, chè, sữa chua...), dược phẩm và mỹ phẩm (kem dưỡng da, xà bông). Ngoài ra, dừa sáp còn được dùng để chế biến nhiều loại nước giải khát. Cơm dừa được thêm sữa, đường, cà phê hoặc ca cao và nước đá sẽ làm ra thức uống giải khát bùi, béo, ngọt, thơm ngon và lạ miệng. Hiện toàn tỉnh đã có 36 sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) từ dừa đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên. Ngoài ra, Hợp tác xã Dừa sáp Hòa Tân liên kết với các doanh nghiệp, nhà vườn để hằng năm cung ứng khoảng 2 triệu trái dừa sáp cho thị trường trong nước và quốc tế, nhờ đó số lượng dừa sáp được tiêu thụ tăng lên đáng kể.

Ông Lê Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - cho rằng những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh từng bước ổn định và phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện có một phần từ giá trị kinh tế của dừa sáp mang lại. Dừa sáp gắn bó lâu năm với nhà vườn Khmer, góp phần tăng cường sự gắn kết cộng đồng, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc cùng sinh sống trên đất Trà Vinh cũng như cả nước thông qua trao đổi, mua bán, chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá du lịch. 

Bến Tre thu 500 triệu USD/năm từ dừa

UBND tỉnh Bến Tre cho biết hiện tỉnh có diện tích dừa lớn nhất cả nước, với hơn 79.000 ha. Dừa mang về cho địa phương mỗi năm hơn 500 triệu USD, trở thành một trong những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh. Bến Tre hiện có hơn 200 sản phẩm được sản xuất, chế biến từ dừa phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, với 79.000 ha dừa của tỉnh có tiềm năng lưu trữ từ 1,9 - 5,8 triệu tấn CO2. Điều này mở ra cơ hội tham gia thị trường tín chỉ carbon rất lớn, cũng như hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu về ước lượng khả năng hấp thụ CO2 của cây dừa tại huyện Giồng Trôm do Trường Đại học Cần Thơ thực hiện cho thấy mỗi hecta dừa có thể lưu giữ 25 - 75 tấn CO2.

Theo Người lao động