Cổng khu du lịch
Từ TP.Tân An, tỉnh Long An theo Quốc lộ 62, chỉ hơn 1 giờ di chuyển bằng xe ôtô, chúng tôi đã đến Khu du lịch (KDL) sinh thái Làng nổi Tân Lập thuộc xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa. Được nhân viên phòng lễ tân nhiệt tình hướng dẫn, chúng tôi chọn mua vé trọn gói, giá 350.000 đồng (còn vé tham quan 180.000 đồng/người). Chiếc xe điện đưa chúng tôi đến một chiếc cầu làm bằng gỗ tràm, bắc qua dòng kênh xanh. Đi bộ qua cầu đến bến đi xuồng. Nhân viên phát cho mỗi người một chiếc áo phao, nón lá, hướng dẫn du khách xuống xuồng ba lá bằng composite. Ngồi trên xuồng, nhìn những cánh rừng tràm mênh mông, chúng tôi cảm thấy thật thoải mái.
Những cô gái chèo xuồng đưa du khách tham quan rừng tràm rất dễ thương, nhiệt tình. Các cô đều là người dân địa phương, được Công ty TNHH Du lịch Tháp Mười nhận làm hợp đồng, trả thù lao theo số du khách mà các cô đưa đi tham quan. Xuồng cập bến, chúng tôi men theo con đường đal nhỏ để khám phá cung đường xuyên rừng tràm. Trong lúc trở ra, một cơn mưa rào chợt đến làm KDL trở nên mát mẻ và nên thơ. Đến bến “thuyền cáp kéo” - một dịch vụ mới mà Công ty TNHH Du lịch Tháp Mười đầu tư và đưa vào hoạt động với 19 chiếc thuyền, chúng tôi trải nghiệm cảm giác lênh đênh trên dòng kênh Rạch Rừng. Rời thuyền cáp kéo, đoàn đến khu ẩm thực tự chọn, nhà hàng là căn nhà khá dài, mái lợp bằng lá dừa nước, bên trong là các dãy bàn ghế bố trí hài hòa, thực phẩm được nấu trong các nồi đất trên bếp than. Khu ẩm thực này hoạt động từ 10 giờ 30 phút đến 14 giờ. Vì là khu ẩm thực Nam bộ nên thức ăn mang đậm sắc màu vùng sông nước như cá lóc nướng, ốc nướng, canh chua lươn, bánh xèo, bún mắm, các loại rau rừng,... Nhìn chung, thức ăn khá vừa miệng du khách.
Sau một buổi “lang thang” tại Làng nổi Tân Lập, có thể thấy, nơi đây có lợi thế là vùng đất ngập nước với sinh cảnh rừng tràm, sen - súng, lục bình, lúa ma điển hình của khu vực và là nơi cư trú của nhiều loại động vật (chim, cò, cá,...), có con rạch Rừng len lỏi nên thích hợp cho những ai yêu thích vẻ bình yên sông nước.
Bơi xuồng ba lá tham quan khu du lịch
Hiện nay, Làng nổi Tân Lập được đầu tư xây dựng thành KDL sinh thái với diện tích hơn 135ha vùng lõi và 500ha vùng đệm, bao gồm tuyến đường xuyên rừng tràm dài 5km, tháp quan sát (cao 38m, gồm 10 tầng) và nhiều khu chức năng: Trung tâm giáo dục môi trường, khu bảo tồn tự nhiên, khu di trú động vật hoang dã, khu lâm viên, khu nhà nổi trên cọc, khu công viên, khu bến thuyền,... Trong đó, hạng mục tuyến đường xuyên rừng tràm và tháp quan sát đã đưa vào phục vụ du khách và được xem là các công trình tạo điểm nhấn cho KDL.
Theo quy hoạch, Tân Lập sẽ là KDL đặc trưng của Long An và cả vùng Đồng Tháp Mười nhằm khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, các giá trị văn hóa của vùng đất ngập nước phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch, tìm hiểu, nghiên cứu của du khách. Hy vọng ngày ấy không xa để Long An có một điểm đến hoàn chỉnh, thật sự hấp dẫn du khách, từ đó góp phần đưa du lịch tỉnh nhà cất cánh.
Theo Báo Long An