Mùa nào thức ăn ấy
Có một nét thú vị là ở An Giang, du khách có thể đến bất kỳ mùa nào trong năm cũng được thưởng thức những món ẩm thực rất riêng, độc đáo của vùng Bảy Núi. Nếu qua những làng Chăm sẽ có dịp thưởng thức món cơm bò, hay món Tung - lò - mò “trứ danh”, còn qua miệt Thất Sơn sẽ được nếm thử món bánh canh Vĩnh Trung, đến với Tri Tôn được ăn cháo bò, về Châu Đốc sẽ được ăn tô bún cá đậm đà hương vị… Nhưng thi vị và hấp dẫn nhất có lẽ vào mùa nước nổi với nhiều món ăn dân dã nhưng khó quên.
Không chỉ có rừng tràm Trà Sư mà An Giang còn có nhiều địa danh để du khách thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên mùa nước nổi, như: cánh đồng Tà Pạ đẹp ngút ngàn với hàng cây thốt nốt vươn cao giữa trời xanh; búng Bình Thiên êm đềm soi bóng những xóm Chăm cổ kính… Thú vị nhất là du khách được hòa mình với thiên nhiên, được tự tay bơi xuồng, thả lưới, giăng câu, gỡ cá… trên đồng và cùng người dân chế biến những món ăn dân dã, như: cá lóc nướng trui, cá linh kho lạt, cá chạch chiên giòn… Hay đơn giản là cùng bơi xuồng ra đồng hái bông điên điển, bông súng… về chấm mắm kho đủ làm cho tinh thần thư thái.
Cá linh là đặc trưng cho mùa nước nổi ở miền Tây. Vì thế, du khách đến An Giang mùa nước nổi không chỉ để cảm nhận được cảnh vật mùa lũ mà còn để thưởng thức ẩm thực. Cá linh có thể chế biến nhiều món, như: nấu canh chua, kho tiêu, chiên bột, nướng chấm mắm me… nhưng có lẽ nhớ nhất vẫn là món cá linh kho lạt. Đây chính là món ăn đã “níu kéo” du khách phương xa tìm về. Cá linh non chỉ cần rửa sạch, để một bên cho ráo nước. Nước dừa bắc lên bếp cho sôi, nêm nước mắm, bột ngọt, cho chút nước màu và mấy trái me non. Khi nêm nếm vừa ăn rồi thả cá vào. Nấu cho nồi cá sôi lên chừng vài phút thì tắt bếp, cho thêm hành, ngò rồi múc ra tô… Món cá linh kho lạt sẽ kém ngon nếu không có dĩa rau sống gồm các loại rau, như: bông súng, điên điển, rau dừa, dưa leo, đậu rồng… Món ăn này thích hợp cho những tour du lịch (DL) homestay để du khách cùng ăn, cùng ở, cùng tự tay nấu nướng với người dân bản xứ. Trong bữa cơm chiều với bốn bề gió lộng bên hiên nhà, bữa ăn trở nên bình dị nhưng thấm đậm tình quê!
Kết nối bốn phương
Không phải ngẫu nhiên mà Đài Truyền hình EBS (Hàn Quốc) đến tận Thiền Viện Đông Lai (Tịnh Biên) để ghi hình về một ngôi chùa có nét văn hóa và phong cách ẩm thực độc đáo, đó là chùa Bánh Xèo. Gần 20 năm qua, chùa đã phục vụ hàng triệu chiếc bánh xèo chay để chiêu đãi khách thập phương đến thăm viếng… Trước đó, nhiều món ẩm thực ở An Giang được giới thiệu trên sóng truyền hình, báo chí trong và ngoài nước, như: mắm Châu Đốc, thốt nốt Bảy Núi hay những món ăn đặc sắc mùa nước nổi.
Ở đất nước mình, hầu như nơi nào cũng có những của ngon, món lạ để tự hào với bè bạn phương xa. Nói bún nước lèo thì nghĩ ngay đến Sóc Trăng, nói phở thì nhớ Hà Nội, đến Huế lại nhớ bún bò… Còn ở vùng sông nước phương Nam, trong đó có An Giang, có nhiều món dân dã nhưng đậm vị, như: cá lóc nướng trui, bánh xèo, mắm kho… Ngoài ra, An Giang còn sở hữu nhiều món ẩm thực đặc sắc, như: gà hấp lá trúc, gỏi sầu đâu, xôi phồng Chợ Mới, bún cá Châu Đốc, mắm thái Châu Đốc, cơm nị - cà púa (của đồng bào Chăm An Giang)…
Đặc biệt vào mùa nước nổi khi đến các làng Chăm, du khách còn được thưởng thức món ăn khá lạ nhưng rất ngon, đó là bánh xèo cá linh. Không chỉ là nét đẹp văn hóa ẩm thực mà còn thể hiện nghĩa tình, gắn bó và san sẻ cho nhau trong lối sống của người dân miền sông nước. Chẳng cầu kỳ, cao sang, đơn giản chỉ là những hương vị mộc mạc “cây nhà, lá vườn” bình dị nhưng làm khách phương xa vương vấn mãi.
An Giang xác định DL là 1 trong 3 lĩnh vực đột phá trong phát triển kinh tế. Cùng với tập trung đầu tư hạ tầng DL, nâng cấp hệ thống giao thông, cần chú trọng quảng bá văn hóa ẩm thực ở địa phương. Bởi đối với du khách, những chuyến DL không chỉ mang ý nghĩa tham quan, tìm hiểu hay khám phá mà còn là khoảng thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn và thưởng thức những món ăn ngon của mỗi nơi đến. Thế nên, ẩm thực chính là “phần chất” của những tour, tuyến, góp phần kết nối vùng miền và giữ chân du khách.
HỮU HUYNH