Rừng tràm ở ĐBSCL phân bổ đều ở 3 khu vực là Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau. Đây là những lá phổi xanh cho cả vùng, được thế giới biết đến như những khu rừng đặc biệt: ngập nước quanh năm, tạo một hệ sinh thái đa dạng và phong phú. Hầu hết các khu rừng này đã được khai thác du lịch một phần, vừa tạo nguồn lợi kinh tế, vừa giáo dục bảo vệ môi trường đối với người dân, du khách.
Rừng tràm Trà Sư.
Do nằm ở vùng sông nước và đặc điểm rừng ngập nước nên phần lớn các rừng tràm du lịch ở miền Tây đều gắn với chiếc áo bà ba và xuồng ba lá đưa du khách du ngoạn, khám phá. Lắc lư trên chiếc xuồng nhỏ chèo dọc những mương nước, kinh rạch dưới tán rừng tràm, một cảm giác hoàn toàn thư thái. Tán rừng đan xen nhau mát rượi. Nhiều đoạn, ánh nắng khó có thể xuyên qua được. Trên những cành cây, chim, cò… làm nhà, ong xây tổ trông rất bắt mắt. Ở các đô thị, những cảnh này là thứ xa xỉ. Chỉ có những công viên với mảng xanh được trồng trọt, cắt tỉa tạo cảnh quan với diện tích nhỏ bé. Về rừng, mảng xanh mênh mang, đi miết vẫn không hết. Không chỉ trẻ con mà người lớn cũng thích thú khi tận mắt thấy chim, cò bay lượn, làm tổ hay tìm thức ăn dưới tán rừng. Nhiều người chèo xuồng tâm lý ngân một câu hò bản xứ hay lên câu vọng cổ ngọt lịm, làm khách phương xa phải lưu luyến.
Nếu rừng tràm Xẻo Quýt (Đồng Tháp), U Minh Thượng (Kiên Giang), U Minh Hạ (Cà Mau) gắn với lịch sử cách mạng; thì Trà Sư (An Giang), Tân Lập (Long An) là những điểm “sống ảo”. Các căn cứ cách mạng hiện là rừng tràm thuộc các vườn quốc gia được khai thác du lịch từ rất sớm và là điểm đến của nhiều người, nhất là cựu chiến binh, thanh niên, học sinh. Đồng thời là các điểm du lịch trọng điểm của địa phương, được đầu tư khai thác, thu hút du khách. Người ta khai thác thế mạnh bản địa để tạo sự khác biệt, tạo sức hấp dẫn. Tới Xẻo Quýt, đi xuồng ba lá loanh quanh dưới sự hướng dẫn của những người trong vai giao liên, du khách sẽ bất ngờ với “Bãi Ngù tử địa” nằm đệm bên ngoài vùng căn cứ, nơi mà đối phương bị thiệt hại nặng nề mà không thể tiếp cận được mục tiêu. Hay về U Minh bên cạnh những câu chuyện thời chiến là những câu chuyện đầy lạc quan của người dân miền Tây xoay quanh chuyện cười mang thương hiệu “Bác Ba Phi”.
Riêng Trà Sư không có những câu chuyện để kể nhưng bù lại mặt nước đầy bèo cám và bèo tai tượng, luôn tạo cho du khách cảm giác như đi trên thảm nhung xanh. Những mảng xanh mơn mởn mát mắt dưới tán rừng luôn tạo cho những bức ảnh thêm lung linh và cảm giác dễ chịu. Thế nên, Trà Sư ngoài sự đa dạng sinh học, du khách đến đây chỉ bởi mê mệt cái màu xanh ấy. Nhiệt độ trong rừng tràm dao động chừng dưới ba mươi độ, lại đầy ô-xy, vô cùng trong lành, dễ chịu, khách lại còn có những bức ảnh đẹp dịu dàng ít nơi nào sở hữu. Vì vậy Trà Sư luôn được ca tụng nhưng một nơi để khám phá và sống ảo lý tưởng.
Rừng tràm làng nổi Tân Lập ở vùng biên giới Long An được khai thác khác biệt. Không có xuồng ba lá chèo dưới tán rừng, bù vào đó là con đường luôn phủ lá vàng quanh co trong rừng. Bên dưới là làn nước đỏ au màu của lá tràm; bên trên là màu xanh mướt rượt của cây và quấn quýt những dây leo chùm gởi, dương xỉ. Giới trẻ xem đây là khu rừng “vạn góc sống ảo” đầy thu hút, sau những video ca nhạc, bộ ảnh khác lạ về khu rừng này, tạo thêm sức hút du khách, nhất là người trẻ.
Từ Cần Thơ, đi trốn nắng trong rừng tiện nhất là rừng tràm Trà Sư và Xẻo Quýt bởi cự ly di chuyển không xa, có thể đi và về trong ngày, nếu có thời gian thì ngủ lại qua đêm kết hợp khám phá nhiều địa điểm lân cận. Đây là hai điểm na ná nhau về tổ chức, cảnh quan. Nếu đã từng tới một trong hai điểm này, du khách nên dành thời gian khám phá rừng tràm ở làng nổi Tân Lập chỉ cách khoảng ba giờ đi xe máy, ô tô tự lái. Hoặc xa hơn là vùng bán đảo Cà Mau kết hợp khám phá rừng tràm U Minh Hạ và rừng đước ở Đất Mũi.
Theo THỤY DU (Báo Cần Thơ)