Cánh đồng điện gió
Cánh đồng điện gió. (Ảnh: Thanh Toàn)
Nơi đây là thiên đường cho các bạn trẻ thích chụp ảnh, với những khung hình lung linh và không gian xanh ngát biển trời. Trước đây, vùng nước lợ này là nơi để người dân trồng trọt chăn nuôi. Năm 2010, dự án xây dựng điện gió hoàn thành khiến nơi này trở nên rất nổi tiếng.
Vườn chim Bạc Liêu
Mùa hè sắp đến, đây có lẽ là thiên đường cho tất cả mọi người nhờ không khí mát dịu trong lành từ những khu rừng nguyên sinh, tiếng chim hót ngân nga cùng không gian yên tĩnh. Đây quả thật là không gian tuyệt vời để khách du lịch nghỉ dưỡng.
Khu nhà công tử Bạc Liêu
Sau nhiều năm trùng tu, khu dinh thự ăn chơi khét tiếng một thời Nam Kỳ đã mở cửa đón khách du lịch. Bên trong tòa nhà vẫn còn giữ nguyên nét kiến trúc tinh tế, nhiều hiện vật có giá trị lịch sử như bàn ghế, giường, tủ, gốm sứ... Hơn nữa, một số chiếc xe cổ của công tử Bạc Liêu một thời cũng vẫn còn được lưu giữ.
Chùa Xiêm Cán
Đây là một trong những công trình kiến trúc tuyệt đẹp của người Khmer. Những đường nét chạm trổ tinh xảo cùng nhiều họa tiết hoa văn ấn tượng, chùa Xiêm Cán được đánh giá là đại diện cho văn hóa tín ngưỡng của đồng bào Khmer Nam Bộ.
Cánh đồng muối Bạc Liêu
Đây là điểm đến được các bạn trẻ "check in" nhiều nhất ngoài cánh đồng điện gió. Từ tháng 12 đến tháng 4 là thời điểm bắt đầu thu hoạch muối, những thửa ruộng sẽ được chia thành nhiều ô vuông thẳng hàng, du khách không được tùy tiện đặt chân xuống ruộng nếu chưa được sự cho phép của người dân.
Vườn nhãn cổ
Vườn nhãn này có tuổi đời trên 100 năm, có thể gọi là khu vườn đặc biệt nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tháng 9 là thời điểm lý tưởng nhất để ghé thăm. Mọi người có thể mua vé vào thăm quan và thưởng thức ngay tại vườn.
Phật bà Nam Hải
Phật bà Nam Hải là địa điểm dâng hương, cúng viếng được rất nhiều người từ khắp mọi nơi tìm đến. Vào những dịp như rằm hay năm mới, nơi đây luôn trong tình trạng chật kín người. Ngoài đời sống tâm linh thì phong cảnh tuyệt đẹp ở đây là lý do khiến nhiều du khách nhất định phải tìm đến khi tới Bạc Liêu.
Theo NGỌC PHẠM (Dân Việt)