Mô hình đem lại hiệu quả kinh tế, đảm bảo an toàn sức khỏe, môi trường cho nông dân.
Hiệu quả về kinh tế, môi trường
Mô hình trồng KL sạch theo hướng hữu cơ tại huyện Bình Tân có quy mô 1ha, thực hiện trong thời gian 5 tháng (từ tháng 2-7/2023), tại ấp Thành Hưng, xã Thành Trung.
Mô hình áp dụng biện pháp luân canh lúa- KL và nằm trong vùng có xả lũ hàng năm nhằm cải tạo đất, cắt đứt nguồn sâu bệnh hại còn lưu tồn. Bên cạnh đó, mô hình áp dụng kỹ thuật giảm lượng giống gieo trồng, bổ sung phân bón hữu cơ và treo tinh dầu sả để xua đuổi côn trùng gây hại.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV, do ruộng mô hình áp dụng tốt biện pháp canh tác, biện pháp quản lý dịch hại theo IPM và tăng cường các chế phẩm vi sinh nên đã bảo tồn được thiên địch trên đồng ruộng. Nhóm thiên địch xuất hiện phổ biến gồm bọ rùa, nhện, kiến ba khoang, bọ đuôi kìm…
Với ruộng KL sản xuất sạch theo hướng hữu cơ, tỷ lệ củ thương phẩm đạt tiêu chuẩn là 79,8%, cao hơn so với đối chứng của nông dân (76,5%) là 3,3%.
Đồng thời, bề mặt vỏ củ KL của ruộng mô hình trơn bóng màu sắc đẹp hơn. Đáng chú ý hơn là qua phân tích củ KL bằng các biện pháp kỹ thuật, chất lượng KL khá cao, không có tồn dư lượng thuốc BVTV.
Một số nông dân tham gia mô hình cho hay, nếu trước đây sản xuất KL theo phương thức sản xuất cũ dùng toàn phân hóa học, thì tại mô hình, nông dân sử dụng hơn 70% phân hữu cơ trong tổng khối lượng phân bón nên làm cho đất tơi xốp, thoáng khí, ổn định pH, tăng độ phì của đất, giữ độ ẩm cho đất... Cách làm này đã góp phần làm tăng độ đồng đều và chất lượng củ KL.
Mặt khác, với việc trồng thưa (1,2 muôn hom giống/1.000m2) để hạn chế sâu, bệnh; bổ sung thêm chế phẩm sinh học, nấm vi sinh để quản lý bệnh hại… đã giúp nông dân giảm đến hơn 3 triệu đồng/công chi phí đầu tư.
Thông qua việc liên kết tiêu thụ với giá cao, sử dụng mã số vùng trồng để xuất khẩu, ước tính lợi nhuận mỗi công KL đạt khoảng 28,4 triệu đồng, cao hơn ruộng ngoài mô hình gần 9 triệu đồng/công.
Tham gia mô hình, ông Lê Văn Sáng (ấp Thành Hưng, xã Thành Trung) cho biết: “Trước đây phải tưới định kỳ 7-10 ngày/lần, rất tốn công lao động, giờ giảm rất nhiều.
Không chỉ vậy, trước kia tôi sử dụng thuốc BVTV nhiều, ảnh hưởng sức khỏe, giờ tôi thực hiện theo mô hình, hạn chế sâu bệnh bằng cách đặt bẫy xua đuổi dịch hại, không có tốn nhiều công sức, 10 ngày thay tinh dầu 1 lần, vừa tiện lợi lại hiệu quả, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và môi trường”.
Ông Nguyễn Vĩnh Phúc- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, cho biết: Mô hình được thực hiện nhằm tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn cho môi trường sinh thái và đáp ứng tốt nhu cầu của các thị trường khó tính hiện nay.
Bên cạnh, góp phần nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng KL, phát triển thương hiệu và sức cạnh tranh của cây KL huyện Bình Tân trên thị trường trong và ngoài nước.
Theo ông Phúc, bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của ngành chức năng, sự phối hợp của địa phương, cán bộ nông nghiệp từng bước giúp nông dân khắc phục khó khăn trong canh tác để đạt năng suất cao, thì các hộ nông dân cũng rất nhiệt tình, tích cực tham gia mô hình.
Đặc biệt là tinh thần tiên phong, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào trong sản xuất của các hộ nông dân, góp phần tạo nên sự thành công, hiệu quả của mô hình.
Hướng đi tất yếu
Mô hình được triển khai tại huyện Bình Tân trong 5 tháng.
Nhiều nông dân bày tỏ, trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường về mẫu mã và chất lượng KL, nông dân cần phải nhân rộng những cách trồng KL sạch theo hướng hữu cơ, vừa tạo ra sản phẩm đáp ứng thị trường vừa nâng cao lợi nhuận kinh tế mà còn bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Đây được xem là hướng đi tất yếu, hướng sản xuất phù hợp cho nông dân trồng KL tại huyện Bình Tân- địa phương có diện tích trồng KL lớn nhất đồng bằng.
Tham quan mô hình, chú Nguyễn Văn Nhu (xã Tân Thành, huyện Bình Tân) cho hay: “Tôi thấy mô hình này rất hiệu quả, không chỉ cho củ KL màu đẹp, chất lượng mà với năng suất này khoảng 3,5 tấn/công cũng đạt tiêu chuẩn.
Tôi cũng sẽ áp dụng cho ruộng KL của mình và vận động bà con tham gia mã số vùng trồng và trồng KL theo kỹ thuật an toàn, đảm bảo chất lượng để đầu ra ổn định hơn”.
Ông Nguyễn Vĩnh Phúc đánh giá: “Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Đây được xem là yêu cầu tất yếu mà thị trường sắp tới yêu cầu.
Do đó, thời gian tới, kiến nghị các đơn vị có liên quan tiếp tục giám sát, vận động các hộ tham gia mô hình tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình trong những năm tiếp theo.
Đồng thời, ngành chuyên môn cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kêu gọi nhà đầu tư nhằm quảng bá, giới thiệu về sản phẩm KL sạch góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của cây KL trên thị trường trong và ngoài nước.
Song song đó, các hộ tham gia liên kết sản xuất trong vùng trồng thực hiện tốt mối liên kết tiêu thụ, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng hiệu quả. Về phía chi cục, thời gian tới, sẽ tiếp tục thực hiện nhân rộng cho những vùng trồng KL đã được cấp mã số để bà con nông dân sản xuất KL đạt tiêu chuẩn”.
Hiện tại, diện tích xuống giống KL tại huyện Bình Tân trên 600ha, trong đó, KL tím 365ha và 242ha khoai màu khác. Các cánh đồng KL đang sinh trưởng phát triển tốt, quản lý dịch hại theo IPM và được theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại theo Nghị định thư. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ tháng 4-7/2023, sản lượng thu hoạch dự kiến trên 10.000 tấn, đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Nhằm đẩy mạnh khôi phục sản xuất mặt hàng KL của tỉnh Vĩnh Long, ngành nông nghiệp Vĩnh Long cũng đang khẩn trương phối hợp với các nhà đóng gói đã được cấp mã số để chuẩn bị những điều kiện tốt nhất phục vụ xuất khẩu.
Theo TRÀ MY (Báo Vĩnh Long)