Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (thành phố Cần Thơ). (Ảnh Trần Tuấn)
Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giá bán cá tra giống hiện nay khoảng 35.000 đồng-40.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với cuối năm 2021. Giá bán cá tra thương phẩm hiện 29.500-30.000 đồng/kg, tăng 5.000-5.500 đồng/kg so với cuối năm 2021.
Tránh tăng trưởng “nóng”
Giá cá tra tăng cao cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy như tình trạng ồ ạt nuôi trồng “ăn theo” khiến chất lượng sản phẩm có thể bị giảm sút, gây mất ổn định ngành hàng cá tra vốn đã bị ảnh hưởng khá lớn từ dịch Covid-19 trong năm qua... Ví dụ như Ðồng Tháp, địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, năm 2021 toàn tỉnh sản xuất được 18.700 triệu con cá tra bột và 1.123 triệu con cá tra giống.
Diện tích thả nuôi cá tra thương phẩm là 2.100 ha, sản lượng trên 486 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 763,8 triệu USD, xuất khẩu cá tra sang 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, thị trường lớn, khó tính. Nhưng bản thân “cái nôi” cá tra của đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đối mặt với không ít thách thức: chất lượng con giống suy giảm, nguồn cung chưa đáp ứng thiếu ổn định; tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi còn lỏng lẻo; giá cá biến động liên tục, chính sách đầu tư hạ tầng, hỗ trợ vốn sản xuất còn gặp nhiều khó khăn; ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng chưa được quan tâm
đúng mức…
Thị trường và rào cản thương mại cũng là thách thức đối với ngành hàng cá tra. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động thanh kiểm tra trực tiếp của Cục Thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đối với toàn chuỗi cá tra có thể sẽ nối lại. Trong khi đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành lệnh số 248, 249 áp dụng đối với hoạt động xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Ðiều này sẽ có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản đông lạnh, trong đó có cá tra.
Bên cạnh đó, tuy dịch Covid-19 đã giảm căng thẳng nhưng chưa chấm dứt vẫn là thách thức cho cung ứng; chi phí tăng, tình hình vận tải biển vẫn chưa có giải pháp tích cực; lạm phát tăng tại Mỹ có thể khiến sức mua giảm. Ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá (Ðồng Tháp) cho rằng: Nếu cước tàu biển, logistics, lao động tiếp tục đứng ở mức cao như hiện tại và tăng thêm thì giá cá tra nguyên liệu không thể tăng thêm nữa…
Vì thế, ngay từ đầu năm, ngành thủy sản cần có đánh giá và định hướng đối với nuôi trồng cá tra và trước mắt là hướng cho người nuôi, doanh nghiệp cân đối cung cầu để tăng độ an toàn giá trị và lợi nhuận, tránh phát triển nóng như năm 2018. Về lâu dài cần những bước đi căn cơ để tiếp tục xây dựng chuỗi giá trị cá tra phát triển bền vững hơn trong tình hình mới.
Kiểm tra chất lượng cá tra bố mẹ trước khi cho sinh sản tại khu sản xuất cá tra giống công nghệ cao của Tập đoàn Việt-Úc. (Ảnh MINH HIỂN)
Ba giải pháp phát triển nghề nuôi bền vững
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành cá tra năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Cần Thơ cuối tháng 2/2022 vừa qua, các địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn ở đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Ðồng Tháp, Bến Tre, Long An, Cần Thơ... và các chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ nhiều ý tưởng để nâng cao hiệu quả, phát triển chuỗi ngành hàng cá tra, tập trung vào vận hành chuỗi khép kín từ nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ; áp dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến, giảm giá thành và nâng giá trị gia tăng.
Các giải pháp cụ thể là quan trắc môi trường nước ở các điểm có nguy cơ ô nhiễm môi trường; xây dựng quy chế vùng nuôi tập trung theo hướng áp dụng quy trình nuôi tiên tiến, thực hành nuôi tốt (VietGAP...) để giảm các loại thuốc và hóa chất dùng trong quá trình sản xuất; tăng cường công tác kiểm dịch con giống trước khi nuôi; kiểm tra, giám sát các loại thức ăn, thuốc, hóa chất ở cơ sở kinh doanh thức ăn và vật tư thủy sản, bảo đảm truy xuất nguồn gốc vùng nuôi... Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ đề xuất tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát môi trường; phát hiện và xử lý các nguồn xả thải, đặc biệt tại các vùng nuôi, vùng sản xuất giống thủy sản tập trung để kịp thời cập nhật thông tin và thông báo kịp thời đến người nuôi và các đối tượng có liên quan.
Ðồng thời, tiếp tục thực hiện việc cấp mã số ao nuôi nhằm bảo đảm sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch và thích ứng nhanh với cơ chế thị trường, góp phần ổn định sản xuất thông qua việc cân đối cung cầu; nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc từ cá giống và vật tư đầu vào đến cá tra nguyên liệu. Người nuôi nên sử dụng thức ăn công nghiệp thay nguồn thức ăn tự chế để giảm hệ số tiêu tốn thức ăn, hạn chế ô nhiễm môi trường, dịch bệnh; sử dụng chế phẩm sinh học làm ổn định chất lượng nước và nền đáy trong ao nuôi, nâng cao sức khỏe và sức đề kháng, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn.
Giải pháp thứ hai là quy hoạch tập trung một vùng nuôi lớn đặc biệt sản xuất con cá tra giống. Doanh nghiệp sản xuất ra con cá bột, rồi đưa cá bột đến các trại nuôi dưỡng, sau đó bán cá giống cho hộ nuôi cá thương phẩm hoặc các công ty nuôi, mới có sản lượng bền vững hằng năm cho xuất khẩu.
Cuối cùng, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục triển khai Ðề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ; gắn kết với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong giám sát, theo dõi quá trình sản xuất; theo dõi sát diễn biến thị trường để ứng phó nhanh, đáp ứng các yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu để sẵn sàng xuất khẩu ngay khi có thời cơ, bảo đảm nguồn hàng xuất khẩu bền vững.
Theo TÂM THỜI (Nhân Dân)