Xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả ở Đồng Tháp Mười

15/05/2023 - 15:32

Thời gian qua, việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác ở vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) của tỉnh Long An đã và đang cho thấy kết quả tích cực.

A A

Là vùng trồng lúa trọng điểm của tỉnh nhưng do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên nông dân các huyện vùng ĐTM của tỉnh chủ động chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Từ năm 2012 đến nay, nông dân đã chuyển đổi trên 18.000ha đất sang trồng sầu riêng, mít, bưởi da xanh, chanh không hạt,... thu về lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, với những điều kiện thuận lợi sẵn có, ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang triển khai, thực hiện Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng ĐTM đạt chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 (gọi tắt là Đề án). Đây được xem là nhu cầu cần thiết để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Việc được cấp mã số vùng trồng giúp nông dân trồng sầu riêng an tâm về đầu ra

Huyện Tân Thạnh nằm trên vùng đất phèn của ĐTM. Những năm gần đây, nông dân trên địa bàn huyện chuyển đổi trên 1.000ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả như sầu riêng, bưởi da xanh, chanh không hạt, mít Thái;... qua đó, góp phần phát triển KT-XH ở địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh - Trần Minh Nghĩa cho biết, hiện nay, xã có trên 400ha cây ăn quả, trong đó, có khoảng 200ha sầu riêng, chủ yếu tập trung tại ấp Bằng Lăng và Trương Công Ý. Xã đã xây dựng được 2 mã số vùng trồng cho 26,5ha sầu riêng với 9 hộ tham gia, sản lượng gần 160 tấn/năm. Đây là tín hiệu tích cực giúp nông dân an tâm sản xuất, không còn lo về vấn đề đầu ra của sầu riêng.

Bà Đỗ Thị Bay (xã Tân Lập) mạnh dạn chuyển sang trồng sầu riêng đã gần 6 năm nay. Bà Bay cho biết, với trên 2ha sầu riêng, vụ vừa rồi bà bán được gần 3 tỉ đồng. Diện tích sầu riêng của bà đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Do đó, giá bán và việc tiêu thụ sầu riêng cũng dễ dàng hơn.

Huyện Vĩnh Hưng hiện có trên 440ha cây ăn quả, chủ yếu là bưởi, mít, xoài và sầu riêng. Ông Mai Văn Trung (xã Vĩnh Trị) khá “mát tay” khi chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh. Với gần 1.600 gốc bưởi da xanh đang phát triển rất tốt, mỗi tháng, ông Trung thu hoạch khoảng 2 tấn quả.

Ông Trung chia sẻ: “Vườn bưởi da xanh của tôi đã hơn 5 năm tuổi. Tôi bắt đầu thu hoạch bưởi khoảng 1 năm nay. Bưởi phát triển khá tốt với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương. Tôi đang phối hợp địa phương để xây dựng nhãn hiệu cho bưởi của mình. Tôi hy vọng, đầu ra và giá cả bưởi sẽ được cải thiện trong thời gian tới”.

Mỗi tháng, ông Mai Văn Trung (xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) thu hoạch khoảng 2 tấn bưởi da xanh

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Lê Quốc Bổn, huyện được tỉnh giao chỉ tiêu đến năm 2025 xây dựng vùng cây ăn quả với diện tích 2.250ha. Huyện đã phối hợp các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi những diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng những loại cây hiệu quả kinh tế cao hơn theo đúng chủ trương, định hướng của tỉnh. “Thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,... để nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng” - ông Lê Quốc Bổn cho biết.

Mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2025 là hình thành vùng nguyên liệu cây ăn quả trên 10.500ha, trong đó, diện tích vùng nguyên liệu mít trên 3.500ha, xoài trên 700ha, sầu riêng 340ha, còn lại trên 6.000ha trồng các loại cây ăn quả khác (bưởi, chuối, mãng cầu,...).

Với sự vào cuộc của ngành Nông nghiệp từ tỉnh đến địa phương và sự đồng lòng của người dân, tin rằng, Đề án sẽ sớm đạt mục tiêu đề ra, góp phần giải “bài toán” đầu ra cho nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân./.

Theo BÙI TÙNG - HOÀNG TUÂN (Báo Long An)