Đến ấp Năm Chiến, xã Bàn Tân Định những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận không khí tất bật của những người làm nghề bó chổi cọng dừa nơi đây. Dọc hai bên đường, phụ nữ tay thoăn thoắt bên những bó cọng dừa, tiếng dao chặt cây, tiếng cười, nói... vang cả xóm.
Tận mắt nhìn quá trình hoàn thành cây chổi mới thấy được sự kỳ công, tỉ mỉ của công việc này. Bà Nguyễn Thị Hồng Nga (48 tuổi), ngụ ấp Năm Chiến, xã Bàn Tân Định gắn bó hơn 10 năm với nghề bó chổi chia sẻ: “Nghề bó chổi nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ để sản phẩm làm ra mới sắc sảo và đẹp. Chổi cọng dừa mùa nắng làm đẹp hơn mùa mưa vì nguyên liệu phơi được nắng, không bị mốc nên chiếc chổi chắc và sử dụng bền hơn. Những chiếc chổi sau khi hoàn thành được bán ở chợ xã và chợ huyện. Vì chổi đẹp, chất lượng tốt nên được nhiều người lựa chọn. Việc bó chổi của tôi vì thế ngày càng ăn nên làm ra, giúp gia đình có thu nhập khá”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nga thu nhập 250.000 đồng từ nghề bó chổi cọng dừa.
Trước đây, nghề bó chổi cọng dừa ở xã Bàn Tân Định còn hoạt động manh mún, nhỏ lẻ với vài hộ theo nghề vì đầu ra chưa ổn định, chủ yếu tại địa phương. Nhờ Chi hội Nông dân và Chi hội Phụ nữ ấp kết hợp, duy trì nghề bó chổi, đến nay có hơn 20 hộ theo nghề.
Bà Phạm Thị Thanh Nhàn (59 tuổi), ngụ ấp Nguyễn Văn Rỗ, xã Bàn Tân Định cho biết, thời điểm tháng 10 âm lịch, nghề bó chổi bắt đầu nhộn nhịp, việc nhiều hơn ngày thường, giúp nông dân thêm thu nhập, cải thiện đời sống. “Dịp cuối năm, thu nhập khá, gia đình ăn tết sung túc hơn nhờ nghề bó chổi”, bà Nhàn nói.
Những người bó chổi cọng dừa ở xã Bàn Tân Định phục vụ đa dạng theo yêu cầu của khách như bó nông mốt, bó nguyên cây, bó chổi nhỏ, chổi lớn. Nếu nhanh nhẹn, người làm nghề bó được 13-15 cây/ngày, có sẵn nguyên liệu sẽ bó tầm 40 phút/cây. Giá bán chổi khoảng 35.000 đồng/cây; chổi nhỏ quét bếp 20.000 đồng/cây.
Việc bó chổi cọng dừa cho thu nhập từ 300.000-350.000 đồng/ngày. Nếu khách đem cọng dừa chuốt và phơi sẵn đến bó sẽ tính tiền công bó 17.000 đồng/cây. Nghề này thuận lợi ở chỗ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, đầu ra ổn định. Ngoài phục vụ nhu cầu ở địa phương, có thể bỏ mối tại các chợ nơi khác.
Nghề làm chổi cọng dừa thân thiện với môi trường. Khởi phát, xã Bàn Tân Định chỉ có vài hộ biết làm nghề bó chổi cọng dừa, sau mỗi vụ lúa, mọi người tận dụng thời gian nông nhàn làm chổi kiếm thêm thu nhập. Dần dà, tiểu thương đến đặt hàng nên nghề chổi được duy trì đến nay tại một số ấp Năm Chiến, Nguyễn Văn Rỗ… Người dân truyền nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ trẻ em đến người già đều có thể bó chổi cọng dừa, tùy công đoạn khác nhau.
Theo bà Trần Diễm Kiều - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàn Tân Định, thời gian gần đây, do thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp vùng đất, nhiều hộ dân trong ấp đã chuyển sang trồng cây ăn trái, rau màu hoặc lao động làm thuê. Một phần do người dân làm tự phát, nhỏ lẻ, đầu ra không ổn định, sản xuất theo hình thức “mua đứt, bán đoạn” nên việc bó chổi chỉ làm trong thời gian nhàn rỗi khi hết việc làm thuê ngoài đồng.
Để duy trì nghề bó chổi truyền thống và tạo điều kiện cho phụ nữ trong xã yên tâm gắn bó với nghề truyền thống, Hội Nông dân xã Bàn Tân Định xây dựng kế hoạch thành lập chi hội, tổ hội nghề nghiệp bó chổi tại ấp Năm Chiến. Đồng thời tích cực hỗ trợ hội viên thông qua các chương trình như cho hội viên vay vốn với lãi suất thấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đào tạo nghề, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ tìm đầu ra góp phần tăng thu nhập, nâng cao tay nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Theo BÍCH THÙY (Báo Kiên Giang)