Xử lý nghiêm tội phạm liên quan tiền giả

30/06/2021 - 15:39

Tòa án Nhân dân TP Cần Thơ vừa xét xử vụ án làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả với 8 bị cáo, trong đó 3 bị cáo còn là học sinh. Chỉ vì tham lợi bất chính, các bị cáo biết việc sai trái vẫn bất chấp hậu quả để thực hiện, gây mất an ninh trật tự địa phương. Hình phạt nghiêm khắc tòa tuyên là lời cảnh tỉnh cho những ai xem thường kỷ cương, pháp luật, tiếp tay cho tội phạm nguy hiểm này.

A A

Vừa tốt nghiệp đại học, chưa xin được việc làm, Nguyễn Văn Khiêm (sinh năm 1993, ngụ tỉnh Hậu Giang) nảy sinh ý định làm tiền giả, bán kiếm lời. Sau khi xem cách thức làm tiền giả trên mạng xã hội, giữa năm 2020, Khiêm mua máy móc và thực hiện các công đoạn để làm 150 triệu đồng tiền giả, mệnh giá 500.000 đồng. Khi có tiền thành phẩm, Khiêm lên mạng xã hội nhắn tin, trao đổi và rao bán tiền giả cho nhiều đối tượng, trong đó có Lê Minh Nhựt (sinh năm 1999, ngụ tỉnh Sóc Trăng) và Thái Dương Hoàng Bửu (sinh năm 1996, ngụ quận Ninh Kiều) với khoảng 88 triệu đồng tiền giả, thu lợi trên 26 triệu đồng tiền thật.

Các bị cáo nghe tòa tuyên án (Nguyễn Văn Khiêm đứng giữa).

Khiêm nhận tiền qua tài khoản và hẹn địa điểm trực tiếp giao tiền giả cho các bị cáo hoặc gởi bưu điện nếu ở xa. Bị cáo Nhựt mua 15,5 triệu đồng tiền giả, tiêu thụ 8 triệu đồng vào việc đổ xăng, mua thuốc hút, mua card điện thoại… và lấy lại tiền thối là tiền thật, đốt bỏ 2 triệu, công an tịch thu 5,5 triệu đồng. Bị cáo T (học sinh, ngụ tỉnh Hòa Bình, xin xử vắng mặt do điều kiện dịch bệnh) mua 4,5 triệu đồng tiền giả, sau đó đi mua card điện thoại nhưng bị phát hiện nên đem bỏ tiền. S (sinh năm 1985, ngụ tỉnh Cà Mau) mua 12 triệu đồng tiền giả, do sợ không dám tiêu thụ đem bỏ 9,5 triệu đồng; số còn lại bị tịch thu. N (sinh năm 1995, ngụ tỉnh Ðồng Nai) mua 6 triệu đồng tiền giả thấy xấu nên đem đốt. L và K (cùng là học sinh ở quận Ninh Kiều) mua 36 triệu đồng tiền giả mang đến các tiệm tạp hóa ở nhiều quận trên địa bàn thành phố để mua thức ăn, nước uống, nhận lại tiền thối thật. Khi tiêu thụ gần hết thì bị người dân phát hiện báo công an, các đối tượng trong đường dây lần lượt bị bắt.

Trong phiên tòa ngày 23-6, Khiêm trình bày: “Hoàn cảnh bị cáo khó khăn quá, mới cưới vợ, không có việc làm. Bị cáo rất hối hận vì đã làm chuyện sai trái, phụ công lao cha mẹ cho ăn học”. Ngoài việc làm, mua bán tiền giả, Khiêm còn đưa ra thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt 5 triệu đồng của 2 bị cáo chung đường dây. Bửu làm nghề tài xế, thu nhập ổn định, có vợ con đề huề nhưng không biết kiềm chế bản thân, tiếp tay lưu hành tiền giả. Các bị cáo khác thì do lòng tham mờ mắt, thấy mua tiền giả rẻ mà lại tiêu xài giá trị như tiền thật nên bất chấp, đến khi bị bắt thì việc đã rồi. Ngoài 3 bị cáo còn là học sinh bị đưa ra xét xử, một số đối tượng liên quan chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về tội danh này nên không bị truy tố. Các bị cáo thành khẩn khai báo và xin mức án nhẹ để có cơ hội sửa sai. Hội đồng xét xử nhận định, hành vi các bị cáo thực hiện đã trực tiếp xâm phạm quyền quản lý tài chính, chính sách tiền tệ của Nhà nước, trật tự quản lý hành chính, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự an toàn xã hội. Sau khi cân nhắc, Hội đồng xét xử tuyên phạt Khiêm 12 năm tù tội làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả; 1 năm tù tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt là 13 năm tù; Nhựt và Bửu mỗi bị cáo 5 năm tù tội tàng trữ, lưu hành tiền giả; 5 bị cáo còn lại bị phạt 2-3 năm tù cho hưởng án treo tội tàng trữ, lưu hành tiền giả, giao địa phương quản lý, giáo dục.

Thời gian gần đây, tình hình tội phạm liên quan tiền giả diễn biến khá phức tạp, thủ đoạn tinh vi. Công an thành phố vừa triệt phá một đường dây tàng trữ, lưu hành tiền giả, bắt 4 đối tượng ở huyện Cờ Ðỏ và quận Bình Thủy, thu giữ trên 160 tờ tiền nghi giả, mệnh giá 500.000 đồng, máy in và nhiều tang vật có liên quan. Trước đó, Tòa án nhân dân các cấp cũng đã đưa ra xét xử nhiều vụ với hình phạt thích đáng để răn đe, phòng ngừa, nhưng vẫn còn tình trạng vi phạm.

Tội phạm liên quan tiền giả là loại tội phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, kinh tế và đời sống người dân. Ðể góp phần kiềm chế, bên cạnh xử lý nghiêm minh, công khai các vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền người dân nắm các đặc điểm của tiền thật và thủ đoạn của các đối tượng để nâng cao ý thức cảnh giác. Khi phát hiện việc sản xuất, rao bán và sử dụng tiền giả, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng, góp phần giữ gìn an ninh trật tự.

Theo KIỀU CHINH (Báo Cần Thơ)