An Giang: Tăng thu nhập từ nghề đan giỏ ny-lon

21/03/2019 - 08:29

 - Dễ học, dễ thực hiện, không cần vốn đầu tư; người làm có thể chủ động thời gian và phù hợp với công việc gia đình; hàng bán rất “chạy” nên có việc làm quanh năm… đó là nhận định của các chị em ở xã Tấn Mỹ (Chợ Mới) về nghề đan giỏ ny-lon. Mô hình này đã và đang giúp nhiều hộ gia đình nơi đây có thêm thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.

Công việc đơn giản

Chị Phạm Thị Tuyết Oanh (đại diện làng nghề đan giỏ ny-lon xã Tấn Mỹ) cho biết, nghề làm giỏ ny-lon đã xuất hiện trên địa bàn xã cách đây trên 30 năm. Lúc đầu chỉ tập trung ở một vài hộ dân, dần dần mô hình lan rộng ra toàn xã và vùng đất cù lao Giêng. Nghề đan giỏ có đặc điểm là gọn, nhẹ, đòi hỏi sự cần cù và độ khéo tay của người làm. Một đặc điểm khác là nghề đan giỏ rất dễ học, dễ làm, lại tiện lợi, nên các chị em vừa có thể làm công việc nhà, vừa tranh thủ thời gian để đan giỏ, hay những lúc hoàn thành công việc đồng áng, lúc rảnh rỗi có thể tham gia đan giỏ để cải thiện thu nhập cho gia đình.

“Một người bình thường trong 1-2 tuần là có thể thành thạo công việc đan giỏ. Mỗi người thợ lành nghề đan được trung bình 5-10 cái/ngày. Ngồi thong thả đan giỏ, có người thu nhập gần 100.000 đồng/ngày. Làng nghề đan giỏ ny-lon làm quanh năm nên đã tạo thêm thu nhập ổn định cho nhiều người ở cù lao Giêng” - chị Oanh cho hay.

Nghề đan giỏ ny-lon góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Gần 30 năm trong nghề đan giỏ, chị Trương Thị Bích Phượng cho biết, nghề đan giỏ ny-lon có đặc điểm đơn giản và linh động về mặt thời gian. Nguyên liệu được các cơ sở giao đến tận nhà người dân nên rất tiện lợi. Nghề này lại ít vốn, sản phẩm có nhiều kích cỡ, kiểu dáng khác nhau nên tiêu thụ dễ dàng. Vì thế, nghề đan giỏ ny-lon tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho nông dân địa phương, nhất là chị em phụ nữ. Theo chị Phượng, để làm thành phẩm 1 chiếc giỏ ny-lon người thợ phải thực hiện qua các công đoạn như: xếp dây, gầy đáy giỏ, đan vòng, bẻ miệng giỏ và làm quai. Tất cả các công đoạn trên được thực hiện trong khoảng 30-45 phút/sản phẩm. “Nhờ đan giỏ mà thu nhập gia đình tôi được cải thiện đáng kể. Mỗi ngày, tôi có thể đan được từ 8-10 giỏ loại lớn, tôi kiếm được khoảng 100.000 đồng. Chồng tôi tranh thủ thời gian nông nhàn cũng tham gia công việc đan giỏ để kiếm thêm thu nhập” - chị Phượng chia sẻ.

Giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi

Hiện nay, sản phẩm của làng nghề tập trung vào 3 loại giỏ chính là nhỏ, vừa và lớn, giá các loại giỏ từ 25.000-80.000 đồng/cái. Bên cạnh các mặt hàng truyền thống, các cơ sở còn nhận làm những mẫu hàng khác như: túi xách thời trang, hộp mỹ phẩm… tùy theo nhu cầu của khách hàng. Sản phẩm được đánh giá sắc sảo, bền, đẹp và giá cả phải chăng nên được nhiều khách hàng đặt mua. Chị Nguyễn Xuân Mai (chủ cơ sở Thanh Mai) cho biết, trước đây, mỗi đợt cơ sở xuất 500-600 cái nhưng hiện nay số lượng tăng 2-3 lần. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh miền Tây như: Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang Campuchia. “Sản phẩm chủ yếu phục vụ cho người kinh doanh, mua bán hàng hóa và nông dân miệt vườn để chứa, vận chuyển trái cây. Ngoài ra, giỏ còn chịu được nắng, mưa nên được nhiều bạn hàng và người tiêu dùng lựa chọn. Giỏ ny-lon có tuổi thọ trung bình từ 2-4 năm”.

Để duy trì và phát triển làng nghề, chính quyền địa phương đã tăng cường vận động, phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề cho bà con trong và ngoài địa phương. Hiện nay, một vài cơ sở đã mạnh dạn đầu tư máy móc, dây chuyền cắt dây đai 6 sợi tự động, góp phần tăng năng suất lao động ở khâu cắt dây lên gấp 3 lần. Bà Phạm Thị Tuyết Oanh (chủ cơ sở Tuyết Oanh) cho biết, nếu sử dụng phương pháp thủ công thì người thợ chỉ có thể cắt 20 cuộn dây mỗi ngày. Với dây chuyền cắt dây, bình quân mỗi ngày có thể cắt 60 cuộn. Số dây được cắt nhiều, người lao động có thể làm được nhiều sản phẩm hơn. Từ đó, thu nhập người lao động tăng, đời sống được cải thiện.

Nghề đan giỏ ny-lon xã Tấn Mỹ được công nhận làng nghề truyền thống từ năm 2014. Hiện làng nghề có khoảng 10 cơ sở sản xuất, 350 hộ tham gia, với gần 1.000 lao động. Bình quân hàng tháng, mỗi cơ sở cung cấp cho thị trường khoảng 2.000 sản phẩm các loại.

 

ĐÌNH ĐỨC