Bài toán cho trái cây "đặc sản" thanh trà

06/04/2019 - 13:43

Trái thanh trà từ lâu đã được xem là cây trồng đặc trưng của TX Bình Minh (Vĩnh Long). Tuy nhiên thời gian qua, vẫn còn bỏ ngỏ việc sử dụng trái thanh trà làm nguyên liệu sản xuất những sản phẩm đa dạng. Vì thế, việc đa dạng hóa sản phẩm cho trái thanh trà là một trong những vấn đề được quan tâm.

Các đại biểu tham dự hội thảo tham quan khu trưng bày các sản phẩm từ trái thanh trà.

Đặc sản cây thanh trà Bình Minh

Thanh trà tuy không phải là cây ăn trái có giá trị cao như một số loại trái cây khác nhưng đây là cây ăn trái đặc sản của vùng nhiệt đới và Bình Minh là vùng trồng thanh trà tập trung duy nhất ở vùng ĐBSCL.

Theo báo cáo của Phòng Kinh tế TX Bình Minh, diện tích trồng thanh trà hiện nay ở địa phương khoảng hơn 150ha, tập trung chủ yếu ở xã Đông Thành.

Rất khó để xác định nguồn gốc của loại cây này nhưng hiện tại, có những cây thanh trà cổ thụ với độ tuổi cả trăm năm, điều đó chứng tỏ cây thanh trà đã xuất hiện từ rất lâu trên vùng đất này.

Hiện tại ở Bình Minh có 2 loại thanh trà là thanh trà ngọt và chua. Mùa vụ cho trái của thanh trà tập trung từ sau Tết Nguyên đán đến nửa đầu tháng 3 âm lịch. Cũng theo Phòng Kinh tế TX Bình Minh, về giá cả, đầu và cuối mùa vụ giá thanh trà khá cao, dao động từ 18.000- 70.000 đ/kg.

Theo ông Lê Thanh Thuận- Phó trưởng Phòng Kinh tế TX Bình Minh thì hiện tại, thanh trà được thương lái thu mua tại vườn, đóng thùng xuất đi các tỉnh- thành- trong cả nước, thậm chí có thời điểm đưa hàng ra đến Hà Nội.

Hiện nay, để góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân trồng thanh trà trên địa bàn, thị xã đã phối hợp với ĐH Cần Thơ thực hiện 2 đề tài có liên quan đến cây thanh trà, trong đó có mục tiêu xây dựng quy trình xử lý ra hoa nghịch vụ.

Song song với việc hoàn thiện quy trình kỹ thuật, vấn đề nâng cao giá trị gia tăng cho trái thanh trà thông qua chế biến các sản phẩm cũng được thị xã quan tâm thực hiện.

Theo ông Lê Thanh Thuận, hiện tại, nông dân trồng thanh trà cũng đã tận dụng trái không đạt yêu cầu của thị trường để chế biến thành mứt và đã được người tiêu dùng chấp nhận. Tuy nhiên, sản phẩm chưa được đa dạng, chế biến dạng thủ công nên số lượng còn ít.

“Hướng tới, thị xã xây dựng đề án phát triển du lịch sinh thái sẽ lồng ghép nội dung du lịch vào vườn hái thanh trà, dùng những sản phẩm chế biến từ loại thanh trà để góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân…”- ông cho biết.

Đa dạng hóa sản phẩm bằng công nghệ

Sở Khoa học- Công nghệ cũng vừa tổ chức hội thảo về “Chế biến đa dạng các sản phẩm từ trái thanh trà tỉnh Vĩnh Long” lần thứ 2.

Đề tài nghiên cứu do PGS. TS Nguyễn Minh Thủy (ĐH Cần Thơ) làm chủ nhiệm. Nếu đề tài được triển khai áp dụng, chuyển giao công nghệ thì sẽ giúp nâng cao giá trị trái thanh trà, sẽ có nhiều sản phẩm từ trái thanh trà đặc sản của TX Bình Minh nói riêng, tỉnh Vĩnh Long nói chung.

Theo PGS. TS Nguyễn Minh Thủy, trái thanh trà là loại trái cây tương đối hiếm vì chỉ cho trái trong một khoảng thời gian nhất định.

Do đó, để có được sản phẩm từ trái thanh trà trong suốt 1 năm sẽ cần có những sản phẩm thanh trà làm bằng công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện địa phương khi chuyển giao công nghệ cho nông dân, hộ sản xuất nhỏ và vừa.

Hiện nay, đề tài nghiên cứu của PGS. TS Nguyễn Minh Thủy đã hoàn thiện với các sản phẩm làm từ trái thanh trà là rượu vang thanh trà, mứt đông thanh trà, nước ép thanh trà, yaourt phối chế mứt đông thanh trà, sinh tố thanh trà.

Và sau hội thảo lần 2 được công bố, các sản phẩm này đều đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, các tiêu chuẩn quốc gia- TCVN 7946-2006, TCVN 10393-2014, TCVN 7030:2009,…

Anh Trần Châu Thanh Phong (xã Đông Thành) cho biết, anh rất quan tâm đến việc sản xuất các sản phẩm từ trái thanh trà bởi gia đình cũng có diện tích đất trồng loại cây này.

“Nếu việc chuyển giao công nghệ tốt, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật công nghệ, an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng dẫn quy trình, thủ tục, giá thành sản phẩm hợp lý,… thì tôi nghĩ mình sẽ đầu tư.

Thứ nhất là sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm từ trái thanh trà, vừa để sản phẩm này là một loại đặc sản của địa phương đến với người tiêu dùng”- anh Phong cho biết.

PGS. TS Nguyễn Minh Thủy chia sẻ, các kết quả nghiên cứu cho thấy, trái thanh trà có thể chế biến thành các sản phẩm có giá trị gia tăng với chất lượng cao.

Hiện công nghệ chế biến các sản phẩm từ trái thanh trà cũng đã hoàn chỉnh từ sản xuất thủ công đến sản xuất nhỏ.

“Các sản phẩm từ trái thanh trà bước đầu được yêu thích bởi chất lượng và tính tiện dụng, bước đầu khẳng định tính khả thi trong triển khai sản xuất các sản phẩm từ loại trái cây này…”- PGS. TS Nguyễn Minh Thủy kết luận.

Tại hội thảo về đề tài “Chế biến đa dạng các sản phẩm từ trái thanh trà tỉnh Vĩnh Long”, nhiều ý kiến cho rằng có thể áp dụng, chuyển giao công nghệ chế biến sản phẩm. Tuy nhiên, cũng cần có những đánh giá cụ thể về thị trường tiêu thụ, thương hiệu, chi phí đầu tư so với mức thu lợi nhuận,… để nông dân hoặc doanh nghiệp nắm cơ bản. Qua đó để có thể đẩy nhanh tiến độ triển khai để đưa sản phẩm từ trái thanh trà đến gần hơn với người tiêu dùng, thay vì chỉ tiêu thụ trái tươi như hiện nay…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY