Bảo tồn động vật hoang dã ở Vườn quốc gia U Minh Thượng

04/01/2024 - 14:36

Sau khi tiếp nhận động vật hoang dã (ÐVHD), nhân viên của Trung tâm Du lịch sinh thái, Giáo dục môi trường và Cứu hộ phát triển sinh vật, thuộc Vườn quốc gia (VQG) U Minh Thượng chia nhau chăm từng “miếng ăn, giấc ngủ” đến khi chúng khỏe mạnh và được thả về tự nhiên.

A A

Chị Néang Mala kể về những con vật được chăm sóc và nuôi nhốt tại Trung tâm.

Bảo tồn cho con cháu mai sau

Vệ sinh chuồng trại cho vài con cua đinh xong, anh Danh Ngọt, nhân viên Trung tâm, tiếp tục cùng 2 nhân viên kéo chiếc xe ba gác vào rừng tìm chuối xiêm, bắt cá. Khoảng 2 giờ sau, hơn chục buồng chuối, một thùng cá được mang về chất vào kho. “Chuối để chín dành cho khỉ và heo rừng ăn; cá rọng lại cho rái cá, cá sấu ăn. Công việc ở đây thường xuyên như vậy” - anh Ngọt nói.

Sau nhiều năm công tác, anh Ngọt xem Trung tâm như ngôi nhà thứ hai của mình. Thậm chí, anh ăn, ngủ luôn tại đơn vị, dù nhà anh cách đó không xa. Chỉ tay vào những con cua đinh đang phơi nắng, anh Ngọt cho biết chúng là nạn nhân của các vụ săn bắt trộm: “Chúng hoàn toàn vô hại, rất cần được chăm sóc. Qua sách vở, tôi biết để chúng phát triển tự nhiên thì thiên nhiên mới đa dạng, bền vững. Tôi thích công việc này vì bảo vệ động vật quý cho con cháu mai sau biết trên trái đất có những loài như vậy”.

Chúng tôi được chị Néang Mala, nhân viên Trung tâm, đưa đi tham quan một vòng chuồng nuôi nhốt, chăm sóc ÐVHD như vượn má vàng, rái cá vuốt bé, cầy vòi hương, dơi ngựa lớn, cá sấu xiêm, kỳ đà vân, gà đãy Java, dơi ngựa Thái Lan... và có cả những loài rất quý hiếm như mèo Bengal, rái cá lông mũi, tê tê Java. Hàng chục chuồng được xây dựng san sát nhau, đều có gắn bảng ghi rõ tên, đặc điểm của từng loài. Mỗi chuồng được bố trí thêm cây, cỏ, nước, bèo phù hợp môi trường sống của từng loài vật.

Cuối dãy chuồng trại, chị Néang Mala được một con rái cá lông mũi “chào đón” nhiệt tình. Nhặt cành cây khô khều nhẹ, con rái cá nhép miệng, ngước cổ lên như một đứa trẻ mừng mẹ đi chợ mới về. Chị Néang Mala đưa vài con cá rô, rái cá lông mũi liền biểu hiện vui mừng. “Con này ngủ suốt ngày, có người đến mới thức dậy chờ được cho ăn” - chị Néang Mala kể. Theo chị Néang Mala, đây cũng là con vật khiến nhân viên Trung tâm lo lắng nhiều nhất lúc mới được bàn giao cho đơn vị chăm sóc. Cuối năm 2019, con rái cá này được một khách du lịch VQG U Minh Thượng đưa đến Trung tâm khi mới được sinh ra và “đi lạc” lên bờ. Sau khi tiếp nhận, nhân viên thay phiên nhau cho rái cá uống sữa, theo dõi sức khỏe giúp rái cá lớn lên từng ngày. “Loài này quý hiếm lắm. Hiện nó đã nặng khoảng 5kg, vài chục năm nữa không biết chúng ta có còn biết đến loài này nữa không!” - chị Néang Mala chia sẻ.

Chiếc chuồng sắt có mắt lưới chi chít, bên trong được nhân viên bố trí cành cây ngang dọc làm nơi ở cho rái cá lông mũi. Ðến chuồng khác, thấy bóng dáng chị Néang Mala, vài con vượn má vàng mừng rỡ chạy đến nhận thức ăn. Chị Néang Mala cho chúng ăn, bẻ nhánh cây, vớt ít bèo, chăm cái tổ để chúng có giấc ngủ ngon...

Cứu hộ động vật như cứu hỏa

Trung tâm Du lịch sinh thái, Giáo dục môi trường và Cứu hộ phát triển sinh vật được thành lập từ tháng 6-2013 với tên gọi ban đầu là Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật. Ông Sử Hữu Song, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm, cho biết sau sáp nhập, đơn vị còn 15 người, riêng đội cứu hộ động vật có 6 nhân viên, trong đó có 3 nhân viên thú y trực tiếp làm nhiệm vụ chăm sóc thú rừng.

Hằng ngày, Trung tâm tiếp nhận các cá thể sinh vật bị tịch thu từ các vụ vi phạm pháp luật, hoặc được cá nhân, tổ chức tự nguyện giao nộp để điều trị, phục hồi chức năng cho chúng. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, con vật sẽ được thả về môi trường tự nhiên sau thời gian cứu hộ, chăm sóc. Do có ít người, vì thế cường độ làm việc của nhân viên khá cao. Ngoài việc thay nhau trực, kiểm tra sức khỏe của động vật, làm vệ sinh, các nhân viên phải sẵn sàng tiếp ứng khi tổ chức, cá nhân đến bàn giao động vật.

“Việc cứu hỏa cấp bách như thế nào thì việc cứu hộ động vật ở đây cũng khẩn cấp như vậy. Ðộng vật lúc được bàn giao thường rất yếu do bị săn bắn, vận chuyển, thay đổi môi trường tự nhiên nên nhân viên phải chuẩn bị mọi biện pháp khẩn cấp. Nếu chậm chút thôi là thiên nhiên mất luôn một loài vật quý hiếm” - ông Song nói.

Với diện tích hơn 4ha, nằm trong VQG U Minh Thượng rộng hơn 8.000ha, Trung tâm hiện chăm sóc, nuôi dưỡng 36 loài với 202 cá thể ÐVHD phục vụ bảo tồn, nghiên cứu khoa học và giáo dục môi trường. Riêng năm 2023, Trung tâm tiếp nhận cứu hộ và chuyển giao bảo tồn 21 loài gồm 127 cá thể; tổ chức và phối hợp tái thả 12 loài gồm 179 cá thể về tự nhiên (tỷ lệ cứu hộ đạt 93,4%); thực hiện sinh sản thành công 3 loài (mèo rừng, cầy vòi hương, dơi ngựa Thái Lan); cho sinh sản và tái thả hơn 54.000 con cá lóc, sặc rằn về tự nhiên.

“Trung tâm thường xuyên lồng ghép vào nội dung thuyết minh cho các đoàn du khách đến tham quan, tuyên truyền để người dân không săn, bắt các loài ÐVHD. Nhờ đó, nhiều tổ chức, cá nhân trực tiếp liên hệ bàn giao động vật quý hiếm. Ðiển hình, ngày 14-8-2023, Chi cục Phát triển nông thôn và Kiểm lâm TP Cần Thơ bàn giao 1 cá thể tê tê Java nặng 8kg. Ðây là động vật quý hiếm thuộc nhóm IB, nằm trong danh mục loài cực kỳ nguy cấp theo chuẩn của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Trước đó, Chi cục Kiểm lâm TP Hồ Chí Minh đến bàn giao 81 cá thể ÐVHD về môi trường tự nhiên” - ông Song cho hay.

Theo LÊ VINH (Báo Cần Thơ)