Bến Tre: Thúc đẩy liên kết vùng, kết nối giao thương

27/05/2024 - 09:11

Liên kết vùng trong tiêu thụ sản phẩm là hướng đi hiệu quả, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đẩy mạnh quảng bá, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Để phát huy tối đa lợi ích liên kết vùng, thời gian qua, tỉnh đã và đang đẩy mạnh nhiều hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại. Nhiều hoạt động hợp tác liên kết vùng đã được tỉnh thực hiện, trong đó chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi cho các hoạt động giao thương, buôn bán, tạo xung lực cho phát triển kinh tế, tăng cường liên kết vùng.

Trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh tại tọa đàm “Đoàn trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2024 - 2027” diễn ra đầu năm 2024.

Kết nối, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư

Để tạo sự liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững, nhiều hoạt động hợp tác liên kết vùng đã được tập trung thực hiện. Trong đó, tỉnh đã tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư và công bố quy hoạch tỉnh tại Cà Mau, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang; triển khai các hoạt động chuẩn bị tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh năm 2024; tổ chức tọa đàm “đoàn Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2024 - 2027” gặp gỡ các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại tỉnh, góp phần tạo cơ hội để tăng cường quảng bá tiềm năng, xúc tiến mời gọi đầu tư của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Mekong Connect năm 2023 với chủ đề “Kết nối chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa vùng kinh tế TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững” do TP. Hồ Chí Minh đăng cai tổ chức.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, có 65 đoàn nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tỉnh tìm hiểu các cơ hội hợp tác đầu tư. Tỉnh cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án trong nước với vốn đăng ký 232,75 tỷ đồng; cấp điều chỉnh 16 dự án (9 dự án FDI và 7 dự án trong nước), trong đó có 3 dự án FDI điều chỉnh tăng/giảm vốn đầu tư với vốn tăng 10,11 triệu USD. Đến nay, toàn tỉnh có 332 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 67 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1.657,47 triệu USD và 265 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 59.740,67 tỷ đồng. Hoạt động của các dự án FDI ổn định, tổng số lao động làm việc tại các doanh nghiệp FDI trong và ngoài khu công nghiệp khoảng 32.890 người.

Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội. Tỉnh cũng đã phối hợp với các tỉnh lân cận trong triển khai thực hiện và chuẩn bị thủ tục đầu tư các dự án giao thông liên tỉnh như: cầu Rạch Miễu 2, cầu Đình Khao, dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh. Thực hiện liên kết các hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với các mặt hàng nông nghiệp; tập trung xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực, các doanh nghiệp nông nghiệp đã kết nối cung cấp các sản phẩm nông, thủy sản cho siêu thị, chợ đầu mối, các điểm thu mua phân phối của các tỉnh trong vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh. Các mặt hàng liên kết tiêu thụ như: trái cây, dừa tươi, thủy sản tươi sống/đông lạnh, giống thủy sản, hoa kiểng, cá cảnh...

Các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm được đẩy mạnh. Trong năm, tỉnh đã tổ chức Hội chợ công nghiệp - thương mại và ẩm thực Xuân Giáp Thìn 2024; Chương trình nghệ thuật kết hợp quảng bá các hoạt động doanh nghiệp, trưng bày sản phẩm trong và ngoài tỉnh tại TP. Hồ Chí Minh, chủ đề “Ân nghĩa quê Dừa, khát vọng vươn xa”; trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh tại Lễ hội Tết Việt, chương trình họp mặt kiều bào mừng Xuân Giáp Thìn 2024 và tọa đàm “Đoàn trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2024 - 2027”…

Tăng cường hợp tác

Liên kết vùng ĐBSCL là chủ trương lớn, các nội dung liên kết vùng rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực nhưng do cơ chế, chính sách, nguồn lực chưa đồng bộ, phù hợp nên hiệu quả liên kết chưa cao.

Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường công tác xúc tiến thương mại, chia sẻ các thông tin thị trường xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa; thiết lập thị trường hàng hóa đa dạng với các sản phẩm chủ lực của địa phương để kết nối với các thị trường trong nước và tiến tới thị trường xuất khẩu. Quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường hợp tác kêu gọi, thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; các dự án đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị và hệ thống phân phối, chuỗi cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh. Xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, phát triển vùng sản xuất nông sản chủ lực. Trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới, mô hình hợp tác xã nông nghiệp điển hình về liên kết sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Ngoài ra, tập trung triển khai các hoạt động liên kết trong xúc tiến, quảng bá du lịch; liên kết phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch; liên kết xây dựng các sự kiện du lịch chung (Cụm phía Đông ĐBSCL năm 2024 gồm các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp). Nâng cao trách nhiệm thành viên của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL và tổ điều phối cấp tỉnh trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên kết vùng, phát triển bền vững của vùng…

“Thời gian tới, tỉnh tiếp tục phối hợp phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông liên tỉnh: Dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2; Dự án xây dựng cầu Đình Khao nối tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Bến Tre; dự án tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và tỉnh Trà Vinh; đầu tư nâng cấp bến phà Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) và Sơn Định (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc liên kết vùng, kết nối giao thương” -  Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn

Theo PHƯƠNG THẢO (Báo Đồng Khởi)