Sản xuất cá kiểng tại một cơ sở sản xuất giống thủy sản ở quận Cái Răng.
Người dân tận dụng các ao mương, khoảng đất trống, các diện tích mặt đất, mặt nước sẵn có để phát triển nuôi ngày càng đa dạng các loại thủy sản. Thủy sản được nuôi theo nhiều hình thức và mô hình khác nhau, như nuôi ao thâm canh, nuôi ao không thâm canh, nuôi trong mương vườn, nuôi trên ruộng, nuôi vèo đặt trong ao mương, sông rạch, nuôi trong lồng bè đặt trên sông, nuôi trong bể xây nhân tạo, bể lót bạt, bồn nhựa... Cùng với đối tượng nuôi chủ lực là cá tra, nông dân đã nuôi ngày càng đa dạng nhiều đối tượng khác. Đơn cử như nuôi cá điêu hồng, cá rô, rô phi, cá lóc, cá chim trắng, cá mè, trắm cỏ, cá chép, cá trê, cá chạch, thát lát, tai tượng, sặc rằn, cá hô, tôm càng xanh, lươn, ếch, rắn, ốc bươu… Anh Tạ Hoàng Việt ở xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, cho biết: “Nhờ phát triển các kỹ thuật nuôi mới, nhất là nuôi trong các bồn và hồ nhân tạo, hiện nông dân có thể dễ dàng tận dụng các khoảng đất trống ở quanh nhà để nuôi thủy sản, thậm chí nuôi trong nhà. Đặc biệt, với nuôi lươn, nhờ áp dụng mô hình nuôi không bùn và thức ăn viên, nông dân có thể xây các bồn nhân tạo để nuôi trong nhà”.
Song song với việc nuôi thương phẩm các loại thủy sản có thế mạnh, nông dân và doanh nghiệp phát triển nuôi các loại cá cảnh và sản xuất các loại giống thủy sản để đáp ứng nhu cầu của thành phố và cung ứng cho các tỉnh vùng ĐBSCL. Hiện thành phố có 91 cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống thủy sản. Các cơ sở này không chỉ giúp chủ động nhiều loại giống thủy sản phục vụ nhu cầu tại chỗ mà còn cung ứng cho nhiều tỉnh ở vùng ĐBSCL và một số loại giống xuất khẩu.
Để nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản, ngành Nông nghiệp thành phố đã hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn người dân xây dựng, nhân rộng các mô hình nuôi hiệu quả. Tích cực chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật và quy trình tiên tiến để người dân ứng dụng vào quá trình nuôi thủy sản nhằm giảm chi phí sản xuất, tạo sản phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Thường xuyên, liên tục cập nhật các thông tin về thời tiết, quan trắc môi trường nước, cảnh báo các dịch bệnh trong nuôi thủy sản... để người dân chủ động phòng tránh thiệt hại. Đến nay, Cần Thơ đã có hơn 268ha diện tích nuôi thủy sản theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt và an toàn thực phẩm như: VietGAP, ASC…
Tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn thành phố trong năm 2022 đã đạt 9.111ha, vượt 7% kế hoạch, tăng 3% so với năm trước. Năm qua, diện tích nuôi cá ao đạt 2.282ha, cá đồng nuôi chuyên 265ha, cá tra 706ha, cá ruộng 5.140ha, cá giống 715ha, cá nuôi lồng bè đạt 316 lồng bè… Nhìn chung, tình hình nuôi thủy sản phát triển ổn định, không phát sinh dịch bệnh. Theo Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), diện tích thu hoạch các loại thủy sản trong năm qua là 8.756ha, với sản lượng thủy sản đạt 228.483 tấn, vượt 6% kế hoạch, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác là 7.254 tấn, vượt 315% so với kế hoạch, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, tổng sản lượng thủy sản nuôi và khai thác trong năm 2022 của TP Cần Thơ đạt 235.737 tấn, vượt 9% kế hoạch, tăng 8% so với năm trước. Năm 2023, ngành phấn đấu diện tích nuôi thủy sản đạt từ 8.300ha trở lên và sản lượng nuôi đạt từ 214.000 tấn trở lên.
Những tháng đầu năm mới 2023, nhìn chung phát triển nuôi thủy sản của người dân TP Cần Thơ tiếp tục thuận lợi nhờ sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, nhất là từ Sở NN&PTNT và UBND thành phố. Bên cạnh đó, các loại dịch bệnh trên thủy sản và môi trường nước nuôi thủy sản được quản lý, kiểm soát tốt, tạo thuận lợi cho sản xuất. Giá cả và đầu ra xuất khẩu nhiều loại thủy sản cũng khởi sắc, tạo động lực để người dân phát triển nuôi. Tuy nhiên, việc phát triển nuôi thủy sản tại thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giá thức ăn cùng các chi phí sản xuất đầu vào tăng và chất lượng nguồn con giống chưa thật sự được đảm bảo tốt, dẫn đến tỷ lệ hao hụt trong nuôi trồng cao, làm tăng chi phí. Bên cạnh đó, giá đầu ra nhiều loại thủy sản chưa tăng tương xứng với giá thành nuôi. Nhiều người nuôi thủy sản còn thiếu vốn, hạn chế về khả năng tiếp cận công nghệ mới, cũng như chưa có sự liên kết chặt với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm… Trước thực tế đó, ngành Nông nghiệp thành phố tiếp tục các hoạt động tập huấn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp đa dạng hóa đối tượng nuôi và phát triển các mô hình nuôi thủy sản hiệu quả. Hỗ trợ người dân xây dựng vùng nuôi các đối tượng thủy sản đặc sản tập trung.
Theo ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, ngành Nông nghiệp thành phố còn triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng nguồn con giống. Hỗ trợ người nuôi áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, sản xuất theo VietGAP và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt để sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn và hạ được giá thành sản xuất. Quan tâm phát triển nuôi các loại thủy sản mới tiềm năng và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sản xuất giống thủy sản mới, kỹ thuật nuôi thủy sản hiện đại, nuôi theo mô hình tuần hoàn... nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm nguồn tài nguyên nước, giảm các chất thải, giúp bảo vệ môi trường. Chú ý ứng dụng các công nghệ số trong quản lý nuôi trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tăng cường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử. Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thủy sản đặc sản ở địa phương. Thúc đẩy liên kết, gắn kết giữa các bên liên quan ổn định đầu ra sản phẩm, nâng cao chuỗi giá trị và phát triền bền vững.
Theo TRÙNG KHÁNH (Báo Cần Thơ)