Chợ Lách thiệt hại cây giống, cây ăn trái do hạn mặn

06/04/2020 - 09:37

Thời gian gần đây, nhiều nhà vườn trồng cây giống, cây ăn trái tại huyện Chợ Lách (Bến Tre) bất lực nhìn cây chết, một số hộ buộc phải đốn bỏ cây hàng chục năm tuổi vì hạn mặn. Thiệt hại dự báo sẽ rất lớn khi hạn mặn còn tiếp tục gay gắt, kéo dài khiến nhiều vườn cây bị suy kiệt, chết dần vì thiếu nước ngọt.

Ông Nguyễn Văn Nghi (ngụ xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách) bên vườn cây giống chết do thiếu nước tưới.

Khan hiếm nguồn nước ngọt

Hiện tại, nước mặn xâm nhập đã đe dọa trực tiếp đến 8.575 héc-ta cây ăn trái và 1.300 héc-ta cây giống, hoa kiểng của huyện Chợ Lách. Trong đó, có khoảng 20 triệu sản phẩm cây giống như: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi... đã bắt đầu ghi nhận thiệt hại do mẫn cảm với nước mặn. Gần 2 tháng qua, người dân dùng mọi cách để cứu vườn cây giống, cây ăn quả như: chở nước ngọt từ nơi khác về, trữ nước trong hồ chứa tạm, khoan giếng tầng nông lấy nước ngọt... Ông Nguyễn Văn Hóa, kinh doanh cây giống tại xã Hòa Nghĩa cho biết: “Gia đình tôi đã khoan giếng sâu khoảng 10m để lấy nước ngọt từ tầng nông. Nước ngọt lấy từ lòng đất sẽ chuyển qua bể chứa có xử lý bằng đá, vôi cho hết phèn mới bơm ra ao trữ để sử dụng”.

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết: Năm nay nước mặn xâm nhập sâu, độ mặn 10%o chưa bao giờ xuất hiện ở Chợ Lách thì nay đã xuất hiện. Nơi sâu nhất là xã Phú Phụng cũng bị nhiễm mặn 3%o, nhìn chung toàn huyện đã bị nhiễm mặn.

Mấy tháng qua, gia đình ông Nguyễn Văn Nghi, ngụ ấp Phú Thới, xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách không tìm được nguồn nước ngọt tưới cho 10 ngàn cây sầu riêng giống đang ươm trong vườn nên đành nhìn cây chết dần dần. Ngoài ra, 2.000m2 trồng sầu riêng đã 7 năm tuổi, đang cho trái cũng chết gần chục cây. Ông Nghi cho biết: “Nước ngoài sông đã mặn trên 2%o nên nông dân không thể bơm lên để tưới cho cây giống, cây ăn trái được. Một số hộ mua nước ngọt từ nơi khác chở về nhưng giá rất cao, khoảng 100 ngàn đồng/m3, nhiều nông dân ít vốn đành bỏ mặc cây chết”.

Hiện tại, rất nhiều vườn cây giống của nông dân đã ghép, vô bầu chuẩn bị xuất bán đã bị chết do cây còn nhỏ, rất mẫn cảm với nước mặn. Trong khi đó, nguồn nước ngọt rất đắt nên chỉ những nông dân làm với số lượng lớn, có vốn mới ráng bỏ ra chi phí cao để cứu vườn cây. Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Phú Thới, xã Tân Thiềng Trần Thanh Hùng cho biết: “Gia đình tôi bị thiệt hại 1.000 cây sầu riêng giống đã ghép xong chuẩn bị bán do không có nước ngọt tưới. Hầu hết gia đình nào trồng cây giống đều có cây bị chết vì thiếu nước ngọt. Trong đó, số lượng nhiều nhất là cây sầu riêng, chôm chôm, mít...”.

Ông Nguyễn Văn Hiếu (ngụ xã Long Thới) buộc phải đốn bỏ vườn chôm chôm bị hạn mặn ảnh hưởng.

Thiệt hại nặng nề

Tình trạng cây đang cho quả chết, khiến nông dân thiệt hại nặng nề vì hầu hết đã hơn chục năm tuổi, nếu trồng lại phải mất thêm 3 - 4 năm mới có thu hoạch. Do nước mặn nên cây đã bị suy kiệt, nếu giữ lại rất khó để phục hồi nên nhiều nông dân chấp nhận đốn bỏ. Mấy ngày nay, ông Nguyễn Văn Hiếu, ngụ ấp An Qui, xã Long Thới phải đốn hạ 4.000m2 vườn cây chôm chôm hơn 30 năm tuổi đã bị cháy lá, héo khô của gia đình. Nhìn những gốc cây khá to, mỗi năm cho thu hoạch hàng chục triệu đồng khiến nhiều người xót xa. Ông Hiếu cho biết: “Bây giờ cây đã cháy lá, một số cây gần chết không còn cách nào cứu nên đành chấp nhận đốn bỏ”.

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm cho biết: Trong thời gian qua, người dân sử dụng nhiều biện pháp như: đóng cống, tự làm đập tạm, lót bạt, túi trữ nước để phục vụ sản xuất. Đồng thời, sử dụng các phương tiện như: ghe bơm cát, sà lan, xe... để vận chuyển nước ngọt từ nơi khác về tưới cho cây trồng. Cho đến nay, mặc dù chính quyền và người dân rất nỗ lực phòng chống hạn mặn nhưng do hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn rất gay gắt khiến cây bị suy kiệt, chết là khó tránh khỏi. Thiệt hại sẽ nhiều hơn khi thời gian hạn mặn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.

“Hiện nay, nhiều người dân khoan cây nước tầng nông để tạm thời lấy nước lên xử lý tưới cho cây giống. Ngoài ra, có trên 1.000 hộ dân sử dụng túi trữ nước để phục vụ tưới cây trong mùa hạn mặn. Tuy nhiên, trung bình mỗi ngày vùng cây ăn quả, cây giống, hoa kiểng tại huyện Chợ Lách cần đến 800.000m3 nước ngọt để tưới nên mặc dù dùng nhiều giải pháp nhưng nhiều nơi vẫn thiếu nước dẫn đến tình trạng cây suy kiệt, chết dần dần”.

(Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách)

 

Theo THÀNH CHÂU (Báo Đồng khởi)