Ông Phó Thành Hoàng, ở xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, hiện có 5 chiếc máy nông nghiệp (gồm 3 máy cày, 2 máy gặt đập liên hợp). Ngoài chiếc máy gặt đập liên hợp đầu tiên mua bằng tiền dành dụm của gia đình, 4 chiếc còn lại, ông lần lượt vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Châu Thành, tỉnh An Giang. Giải thích vì sao gia đình mạnh dạn vay vốn mua máy móc nông nghiệp, ông Hoàng cho biết: Những năm gần đây nhiều thanh niên trai tráng trong vùng bỏ quê đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, do vậy mỗi khi vào vụ xuống giống, hoặc thu hoạch rộ, sẽ thiếu lao động trầm trọng. Để khắc phục khó khăn này, việc làm đất, thu hoạch lúa bằng máy là giải pháp được nhiều người chọn để thay thế sức người. Nắm bắt được nhu cầu này, gia đình ông quyết định đầu tư máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Để khai thác tối đa công năng của máy, ông Hoàng và đội nhân công của mình nhận cày đất hay cắt lúa ở các địa bàn ngoài tỉnh. Nhờ làm ăn uy tín, nên đội máy của ông được nhiều bà con nông dân "ưng bụng". Ngoài việc tạo việc làm ổn định cho 13 lao động (đi theo máy), mỗi năm gia đình ông Hoàng còn tích lũy mua thêm vài chục công ruộng.
Anh Nguyễn Văn Mạnh, ở xã An Tức, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang - hộ đầu tư lớn về nghề máy cày, máy cắt tại địa phương. Tham gia Chương trình vay ưu đãi theo Quyết định 68, anh Mạnh và những người thân trong gia đình làm đơn xin vay vốn. Nhờ đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn, nên được ngân hàng xem xét và giải ngân đúng theo nhu cầu. Cũng như nhiều chủ máy ở địa phương, sau khi làm hết đồng gần, anh Mạnh tranh thủ nhận làm đồng xa. Trung bình dàn máy của gia đình anh hoạt động liên tục khoảng 8-9 tháng/năm. Bình quân 6 chiếc máy sau khi trừ hết chi phí nhân công, xăng dầu thu về mỗi tháng khoảng 100-150 triệu đồng.Việc thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất lúa vừa là nhu cầu, vừa là giải pháp trong canh tác lúa nói chung và canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, cũng là nền tảng để thúc đẩy các hoạt động kỹ thuật khác trong quy trình canh tác lúa hiện nay.
Ông Bùi Thanh Quang, Giám đốc Agribank chi nhánh An Giang, cho biết: Từ khi Quyết định 68 ra đời đã hỗ trợ góp phần giảm tổn thất trong thu hoạch, rút ngắn thời gian lao động cho nhà nông… đáp ứng đúng nguyện vọng của người nông dân cũng như các đơn vị sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Cơ giới hóa đồng bộ sẽ tạo ra vùng nguyên liệu đồng nhất về chất lượng, thời gian và kịp thời trong một nền sản xuất lúa hàng hóa ngày càng chuyên nghiệp hơn. Theo ông Quang, tham gia Chương trình này, các tập thể, cá nhân sẽ được hỗ trợ (miễn) 100% lãi suất vay vốn trong 2 năm đầu, giảm tiếp 50% lãi suất trong năm thứ ba. Mức vay tối đa để mua các loại máy, thiết bị bằng 100% giá trị (theo hóa đơn).
Nhiều nông dân ở An Giang khá lên nhờ vay vốn của Quyết định 68 mua sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Thống kê của Agribank chi nhánh An Giang, trong năm 2018 đã có 1.457 khách hàng được vay vốn Quyết định 68, tổng dư nợ gần 473 tỉ đồng. Riêng 9 tháng năm 2019, có 1.275 khách hàng được giải ngân với tổng dư nợ gần 365 tỉ đồng. Nhờ nhận được nguồn vốn kịp thời và được hưởng lãi suất ưu đãi, nên 100% hộ dân đều phát huy được hiệu quả làm ăn. Đặc biệt, rất nhiều hộ đã vươn lên khá giàu.
Nhờ có chương trình cho vay ưu đãi theo Quyết định 68, nhiều khâu sản xuất nông nghiệp của cả vùng ĐBSCL đã được cơ giới hóa. Theo thống kê, hiện nay vùng ĐBSCL có tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt gần 100%, khâu gieo cấy 65%, chăm sóc bảo vệ thực vật 85%, thu hoạch 95% và thu rơm rạ đạt 90%.
Hiện nay, Agribank chi nhánh An Giang đang có kế hoạch tiếp tục ưu tiên nguồn vốn giải ngân đối với Chương trình cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm bố trí vốn đầu tư cho 61 xã nông thôn mới của tỉnh An Giang. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác với các đại lý máy nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang: Yanmar Việt Nam, Tata Việt Nam, Kubota... và tăng cường tư vấn triển khai, ưu đãi cho vay theo Quyết định 68.
Theo Báo Cần Thơ