Đến với "vương quốc" thu nhỏ của các loài rắn

17/01/2024 - 14:43

Trại rắn Đồng Tâm (hay còn gọi là Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu, Cục Hậu cần Quân khu 9) tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, được xem là “vương quốc” thu nhỏ của các loài rắn, bởi nơi đây hiện đang nuôi bảo tồn hàng ngàn con rắn thuộc hơn 50 loài khác nhau, trong đó có nhiều loài rắn cực độc, cực hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng. Không chỉ nổi tiếng nuôi, bảo tồn các loài rắn, Trại rắn Đồng Tâm còn có khu điều trị cho người bị rắn cắn và là một trong những điểm đến du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước của tỉnh Tiền Giang.

A A

“THUẦN HÓA” RẮN

Theo thông tin từ Trại rắn Đồng Tâm, tháng 8-2005, Bảo tàng rắn trực thuộc trại rắn được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là Bảo tàng rắn đầu tiên lưu giữ nhiều loài rắn nhất Việt Nam (hiện đang lưu giữ hơn 40 tiêu bản của các loài rắn quý hiếm).

Rắn được nuôi tại Trại rắn Đồng Tâm.

Nơi đây hiện đang nuôi và bảo tồn nhiều chủng loại như: Rắn hổ mang chúa, rắn hổ mang đất, rắn lục, cạp nong (mai gầm), cạp nia (mai bạc)… Trong đó, rắn hổ mang đất và hổ mang chúa là những loại cực độc, được xếp trong sách đỏ Việt Nam. Nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối, những người “thợ chuyên trách” đều phải tìm hiểu kỹ tập tính của từng loại, từng con rắn để đưa ra chế độ chăm sóc riêng.

Để những con rắn cực độc ở Trại rắn Đồng Tâm trở nên “đáng yêu”, các nhân viên nuôi, chăm sóc rắn ở đây được ví như những “bảo mẫu”, hằng ngày tỉ mỉ, cẩn thận chăm sóc nhằm giúp rắn thích nghi và phát triển tốt nhất.

Không chỉ thế mà theo Thượng úy Nguyễn Văn Hiếu, nhân viên phụ trách chăm sóc rắn ở Trại rắn Đồng Tâm, hiểu đặc tính từng loại rắn thôi là chưa đủ, mà phải nắm rõ tình trạng, “tính cách” của từng con rắn mới có thể chăm sóc tốt.

Chẳng hạn đối với rắn hổ mang đất, rắn hổ mang chúa, mỗi chuồng sẽ nhốt 1 con để tiện chăm sóc, theo dõi. Riêng rắn hổ mang chúa chỉ ghép đôi vào mùa sinh sản và phải lập tức tách ra sau giao phối. Thậm chí sau khi con cái sinh, thì những rắn con cũng sẽ được tách ra riêng, vì đặc tính loài này khi đói sẽ ăn lẫn nhau, kể cả con của nó…

Còn rắn mới đưa từ tự nhiên về phải mất một thời gian chăm sóc, thuần dưỡng giúp chúng quen với môi trường mới. Săn sóc rắn không chỉ là cho ăn, tắm rửa mà đôi khi nhân viên nuôi rắn còn trở thành “bác sĩ thú y” chuyên chích thuốc nếu phát hiện rắn viêm phổi, viêm phế quản, bị ký sinh trùng, rối loạn tiêu hóa...

Với kinh nghiệm của mình, anh Hiếu cho rằng, tiếp xúc với những loài rắn cực độc thì cần phải có kiến thức, kinh nghiệm, thao tác cẩn thận, chuẩn xác từng ly, từng tí. Rắn nguy hiểm nhưng vẫn có ích, đặc biệt trong công tác nghiên cứu khoa học nên anh Hiếu luôn động viên anh em cố gắng chăm sóc tốt để tăng trưởng bầy đàn...

Không chỉ bảo tồn được nguyên vẹn các tố chất của rắn độc với khoảng 1.000 con rắn nuôi ở môi trường tự nhiên hoặc bán tự nhiên, Trại rắn Đồng Tâm đã nghiên cứu sinh lý, sinh thái, làm chủ được quy trình nuôi rắn độc phối giống, đẻ trứng, ấp nở rắn con và nuôi chúng lớn lên. Thành công của Trại rắn Đồng Tâm còn ở chỗ thuần hóa độc, làm cho chúng bớt hung dữ mà vẫn giữ được các tính chất lý hóa của chúng.

LẤY ĐỘC TRỊ ĐỘC

Xây dựng trên mảnh đất đầy bom đạn thời chiến tranh, Trại rắn Đồng Tâm sau ngày giải phóng được ra đời từ mong muốn tìm cách cứu chữa cho quân và dân bị rắn cắn ở “lục tỉnh” miền Nam. Tại miền sông nước này, đến mùa mưa, rắn len lỏi vào rừng, vào nơi sinh sống của người dân, trở thành hiểm họa khó lường.

Nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan trọng tại Trại rắn Đồng Tâm.

Ngày đó, điều trị rắn độc cắn chỉ dựa vào phương pháp dân gian, nếu giữ được tính mạng cũng để lại nhiều di chứng. Xuất phát từ thực tiễn đó, năm 1977, cố Bác sĩ, Trung tá Trần Văn Dược (thầy Tư Dược) đã đưa ra ý tưởng thành lập đội cứu thương, chữa trị cho những người bị rắn độc cắn và đến năm 1979, Khoa cấp cứu được ra đời và hình thành Trại rắn Đồng Tâm.

Gần 45 năm qua, các quân y sĩ ở Trại rắn Đồng Tâm đã dùng huyết thanh nọc rắn cứu sống hàng vạn người bị rắn cắn, với trung bình khoảng 1.000 ca/năm. Theo các quân y sĩ Khoa điều trị rắn cắn, Trại rắn Đồng Tâm, hy hữu có cả trường hợp khi đến khoa điều trị đã ngừng thở vì nọc độc xâm nhập vào máu làm tim ngừng đập mà vẫn được cứu sống. Điều mà các bác sĩ điều trị ở đây phải chú ý là cần phân biệt được vết thương của bệnh nhân do loại rắn nào cắn mới đưa ra phác đồ điều trị, bởi mỗi loại rắn độc lại có huyết thanh khử độc riêng.

Không ít người bị rắn cắn hôn mê thoi thóp, nhưng ai cũng được các bác sĩ nơi đây cứu sống trở về quê hương. Điều đặc biệt tại Khoa điều trị rắn cắn, Trại rắn Đồng Tâm là trừ huyết thanh thì mọi chi phí điều trị đều miễn phí.

Bên cạnh rắn, Trại rắn Đồng Tâm còn có trăn và nhiều loại động vật hoang dã khác làm nên một bộ sưu tập “con thuốc” phong phú... Từ những “con thuốc” này, xưởng sản xuất thuốc đặt tại Trại rắn Đồng Tâm đã nghiên cứu, điều chế được nhiều loại thuốc quý như: Kem mỡ trăn, kem Cobratoxan từ nọc rắn, rượu rắn, cao trăn, bột rắn lục... Hiện trại rắn đã nghiên cứu, phát triển được 6 sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao, gồm: Kem nghệ - mỡ trăn, kem mỡ trăn, mỡ trăn, mật ong, rượu rắn 29o, rượu chuối 29o.

Trại rắn Đồng Tâm là “vương quốc” thu nhỏ của các loài rắn, với hàng ngàn con rắn đang được nuôi và lấy nọc để chế biến thành huyết thanh kháng độc trị bệnh cứu người. Mỗi lần lấy nọc rắn chỉ từ 1 - 2 giọt nọc/con. 10g (gram) nọc rắn có thể điều chiết một lượng huyết thanh đủ phục vụ nhu cầu cả nước mỗi năm.

Với phương châm “Nuôi rắn trị rắn cắn” hay “Lấy độc trị độc”, trong gần 45 năm qua, trại rắn đã chữa trị và cứu sống hàng chục ngàn người. Hiện nay, Trại rắn Đồng Tâm đã mở thêm cơ sở 2 tại đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (với diện tích 27,4 ha) với nhiệm vụ điều trị rắn cắn cho bộ đội và nhân dân ở toàn vùng biển đảo Tây Nam.

HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN KHU DU LỊCH ĐỘC ĐÁO

Trung tá Nguyễn Hồng Phúc, Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu, Cục Hậu cần Quân khu 9, cho biết, trung tâm được giao năm nhiệm vụ chính trị: Nghiên cứu khoa học thực hiện các đề tài cấp Bộ và cấp Nhà nước; cấp cứu, điều trị rắn cắn cho quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long; nuôi trồng cây, con thuốc; sản xuất thuốc y học dân tộc từ nguồn dược liệu; xây dựng mô hình sinh thái kết hợp với du lịch.

Đặc biệt, Điểm du lịch sinh thái Trại rắn Đồng Tâm được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận là điểm du lịch đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao năm 2022 và là điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long duy nhất của tỉnh Tiền Giang.

Những năm gần đây, Trại rắn Đồng Tâm còn được đông đảo người dân cả nước biết đến là Khu bảo tồn động vật hoang dã, với nhiều loài chim thú như: Trăn, đà điểu, sóc, kỳ nhông, gấu, hổ, vượn, thiên nga, trĩ đỏ, chim công, cò nhạn, le le…

Khách tham quan Trại rắn Đồng Tâm xem biễu diễn lấy nọc rắn hổ.

Đồng thời, trại rắn cũng xây dựng các khu nuôi thú quy mô và đạt chuẩn theo quy định; khu nuôi thú sinh sản và thương phẩm; nhà bảo tàng rắn; biểu diễn rắn và lấy nọc rắn; khu vui chơi, dã ngoại, mua sắm các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, nhà hàng ăn uống; đảo trồng hoa, tiểu cảnh, khu vui chơi thiếu nhi…

Hiện nay, 100% lối đi dành cho khách du lịch được lát gạch và có nhà nghỉ chân; nâng cấp các khuôn viên, vườn hoa, cây cảnh tạo không gian thoáng mát… thu hút khách du lịch. Năm 2023, Trại rắn Đồng Tâm đón gần 200 ngàn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu.

Theo Trung tá Nguyễn Hồng Phúc, tiếp tục phát huy vai trò điểm đến trong phát triển du lịch Tiền Giang, thời gian tới, Trại rắn Đồng Tâm duy trì chỉnh trang khuôn viên toàn đơn vị, tạo quang cảnh khu tham quan luôn xanh - sạch - đẹp; đồng thời, đưa vào khai thác một số sản phẩm mới phục vụ khách tham quan, du lịch.

Bên cạnh đó, Trại rắn Đồng Tâm cũng tiếp tục mở rộng thị trường thông qua chương trình kích cầu du lịch với các công ty lữ hành, công ty tour trong và ngoài nước bằng những chính sách ưu đãi nhất có thể. Tập trung phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo hướng du lịch - giáo dục - học đường và du lịch - chăm sóc sức khỏe.

Theo HỮU NGHỊ (Báo Ấp Bắc)