Thời gian qua, kết quả nổi bật trong cơ giới hóa nông nghiệp ở Vĩnh Long tập trung ở một số khâu sản xuất lúa.
CGH chưa đồng bộ
Theo Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp- PTNT), đến nay việc ứng dụng CGH trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Theo đó, cây lương thực được CGH cao ở các khâu làm đất, bơm tưới, vận chuyển, thu hoạch, dụng cụ sạ, máy phun thuốc. Nhưng CGH khâu phơi sấy, bảo quản hiện chỉ ở mức trung bình (50%), riêng tỷ lệ sử dụng máy cấy rất thấp, tỷ lệ này chỉ khoảng 20%.
Ông Đỗ Hoàng Trang- Chi cục phó Chi cục PTNT- cho biết tuy mức độ CGH sản xuất nông nghiệp của một số khâu đạt cao nhưng chưa toàn diện. Một số khâu có mức độ CGH thấp như cấy lúa, chăm sóc cây ăn trái, chế biến sau thu hoạch.
Các dây chuyền chế biến cũng chưa đồng bộ, có khâu được tự động hóa nhưng vẫn còn nhiều khâu thao tác thủ công như ngâm rửa, gọt vỏ, phân loại, đóng bao bì, khả năng truy xuất nguồn gốc thấp. Tương tự, Vĩnh Long có diện tích nuôi trồng thủy sản rất lớn nhưng trình độ, trang thiết bị sản xuất còn nhiều hạn chế cả về khâu nuôi, thu hoạch, chế biến và xử lý môi trường.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT), toàn tỉnh có 110 trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn, trong đó có 76 trang trại ứng dụng CGH với quy trình chăn nuôi tiên tiến. Nuôi trồng thủy sản cũng đạt được bước phát triển đáng kể.
Toàn tỉnh hiện có 21 công ty và 192 hộ gia đình nuôi cá tra với tổng diện tích mặt nước 454ha. Trong đó, đa số các công ty đều có đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Toàn tỉnh cũng có 2 hợp tác xã và 2 tổ hợp tác nuôi cá lồng bè được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, 134 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm với gần 260ha mặt nước được chứng nhận tiêu chuẩn Global GAP, ASC, VietGAP.
Tỉnh có 2 nhà máy chế biến thủy sản với công suất thiết kế 600 tấn nguyên liệu/ngày, vận hành công nghệ chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong năm 2019, cả 2 nhà máy đã sản xuất được 28.700 tấn cá tra, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng chăn nuôi quy mô nông hộ vẫn còn chiếm khoảng 70% tổng đàn. Người lao động phần lớn chưa qua đào tạo, thiếu vốn đầu tư chuồng trại, thiết bị phục vụ chăn nuôi, chưa có doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Thanh Giang- Trưởng Phòng Chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi và Thú y), sản phẩm từ ngành chăn nuôi chưa được đầu tư sơ chế, chế biến tương xứng với tiềm năng, trong khi dư địa cho phân khúc này còn rất lớn.
Hiện chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị liên kết sản xuất- chế biến- tiêu thụ sản phẩm từ ngành chăn nuôi. Nguyên nhân có thể do quy mô chăn nuôi còn manh mún, sản lượng chưa đủ lớn và đồng đều. Bên cạnh đó, do thói quen tiêu dùng còn sử dụng sản phẩm tươi sống nên chưa có cơ hội cho các sản phẩm đông lạnh, chưa kích thích đầu tư công nghệ tiên tiến vào khâu này.
Đẩy mạnh CGH hướng đến nền nông nghiệp hiện đại
Để phát triển CGH nông nghiệp đáp ứng nền nông nghiệp hiện đại, Vĩnh Long định hướng 10 năm tới, những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đều được CGH đồng bộ và tiến tới tự động hóa.
Trong lĩnh vực trồng trọt, tỷ lệ áp dụng máy ở khâu làm đất đạt 100%, chăm sóc 95%, thu hoạch 90%, chế biến 80% đối với các sản phẩm cây trồng chủ lực của tỉnh.
Vùng sản xuất quy mô lớn có áp dụng máy móc khâu làm đất đạt 75%, trồng cây 50%. Trong lĩnh vực thủy sản, đối với nuôi trồng thủy sản thì các ao nuôi quy mô công nghiệp đạt 90% diện tích nuôi có sử dụng máy móc.
Để làm được điều này, theo ông Đỗ Hoàng Trang, cần tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại, tập trung, sản xuất hàng hóa lớn, hình thành các loại hình dịch vụ hiệu quả ở nông thôn.
Có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực chế tạo máy móc, phục vụ nông nghiệp, kết hợp nhập khẩu máy móc thiết bị tiên tiến, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, giảm tổn thất trong và sau thu hoạch.
Bên cạnh, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ về bảo quản sau thu hoạch. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đặt hàng, hợp tác nghiên cứu để ứng dụng vào sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực cũng như đầu tư phát triển ngành cơ khí.
Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển CGH nông nghiệp từ sản xuất đến chế biến sau thu hoạch của tỉnh Vĩnh Long, PGS. TS Nguyễn Huy Bích- ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh- đánh giá cao Vĩnh Long có nguồn trang bị động lực cho các cây- con cao hơn mức bình quân cả nước, đặc biệt là mức độ CGH ở một số khâu sản xuất lúa.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra điểm hạn chế của tỉnh là mức độ CGH cây có múi, khoai lang, chăn nuôi heo, bò, cá còn khá thấp.
Trình độ phát triển chưa cao và chưa toàn diện, chưa đồng đều giữa các huyện- thị và trên các loại cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, mức độ CGH trong chế biến sau thu hoạch, sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao cũng cần được chú trọng.
PGS. TS Nguyễn Huy Bích cũng cho rằng, giải pháp đẩy mạnh CGH là tổ chức sản xuất hàng hóa lớn, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung gắn với các cụm ngành chế biến. Tăng đầu tư cho khoa học, công nghệ phục vụ cho phát triển cơ giới hóa và công nghiệp chế biến nông sản.
Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác khoa học công nghệ và lao động phục vụ phát triển ngành cơ điện nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản. Tỉnh cũng cần có chính sách thu hút đầu tư vào phát triển CGH nông nghiệp, chế tạo máy và chế biến nông sản trên cơ sở rà soát và hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển CGH nông nghiệp cùng các nhóm giải pháp về vốn tín dụng, thương mại và thị trường.
Theo THÀNH LONG (Báo Vĩnh Long)