Xơ mướp cũng được tận dụng để tạo nên sản phẩm độc đáo.
Lục bình lên đời
Nếu như trước đây, lục bình được coi là đồ vô dụng và bị tiêu diệt bằng nhiều cách thì mấy năm gần đây, người ta đã bắt đầu chú ý và tạo cho loài cây dại này một vòng đời mới. Xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, là một trong những địa phương có đông bà con sống nương vào lục bình. Để có những cọng lục bình khô đan đát, bà con cắt lục bình, phơi khô, buộc thành bó lớn giao cho công ty. Thông thường nếu lục bình đẹp thì cứ 12kg tươi sẽ được 1kg khô thành phẩm. Còn lục bình non, xấu thì khoảng 13-14kg tươi được 1kg khô.
Nuôi lục bình để bán mấy năm nay, chị Dương Thúy Hằng cho hay: “Bãi nuôi lục bình mình thì mướn rồi mướn nhân công chặt. Thu nhập bình quân một người khoảng 4-5 triệu đồng/tháng”.
Vừa bán lục bình khô cho thương lái cách đây ít ngày, chị Nguyễn Thị Phượng, ở huyện Long Mỹ, kể: “Mấy bữa trước, tôi bán 20.000 đồng/kg lục bình khô. Thu nhập cũng khá. Bây giờ lục bình đang bị nước mặn lên, cắt không kịp là bị hư. Vựa vẫn mua để dành lại nhưng giá rẻ, khoảng 17.000-18.000 đồng/kg, vài tháng nữa, giá thị trường lên thì họ bán ra”.
Hậu Giang có một số tuyến sông chính như sông Cái Lớn, sông Nước Đục, sông Nước Trong đi qua địa bàn huyện Long Mỹ, Vị Thủy, thị xã Long Mỹ, thành phố Vị Thanh... Đây là những tuyến sông có lượng lục bình sinh sống khá nhiều, từ đó tạo nguồn nguyên liệu dây sợi từ cọng lục bình khá dồi dào, cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào phong phú cho các đơn vị sản xuất.
Anh Trần Quang Thoại, Giám đốc Hợp tác xã đan đát lục bình Quang Thoại, ở huyện Long Mỹ, cho biết vì có sông Cái Lớn nên bà con địa phương tận dụng diện tích mặt sông nuôi lục bình rồi phơi khô bán cung cấp cho công ty để sản xuất ra các sản phẩm đan đát. Sản phẩm của đơn vị ngoài tiêu thụ thị trường trong nước thì còn được xuất khẩu sang Trung Quốc từ năm 2022. Mỗi tháng từ 2.000-10.000 sản phẩm tùy theo lớn nhỏ.
Chinh phục thị trường khó tính
Khoác áo mới cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ để đưa ra các thị trường khó tính là mục tiêu của Công ty Cổ phần Ecoka, huyện Long Mỹ. Đơn vị hiện có hơn 300 mã sản phẩm làm từ nguyên, vật liệu thân thiện môi trường, liên kết với hơn 10 làng nghề, HTX trên cả nước. Sản phẩm của công ty được xuất sang thị trường châu Âu, châu Mỹ, Canada.
Ông Hà Anh Trường, Giám đốc Công ty Cổ phần Ecoka, cho hay: “Chúng tôi liên kết với các HTX và hộ dân trên địa bàn. Mình phối hợp nhiều hình thức khác nhau như bao tiêu sản phẩm, hoặc sản xuất tại công ty. Hiện tại trên cả nước thì công ty đã liên kết với 12 HTX, còn Hậu Giang thì 8 HTX”.
Theo ông Trường, với việc đan đát các sản phẩm thủ công từ lục bình, bà con nông dân tận dụng thời gian rảnh rỗi để làm. Tùy vào khả năng và số lượng sản phẩm làm ra, mà bà con sẽ có thu nhập từ 4-6 triệu đồng/tháng, mức tương đối so với khu vực nông thôn. Hiện, đơn vị đang tập trung các sản phẩm theo đơn đặt hàng của phía đối tác.
“Có nhiều khách hàng sẽ đặt mình gia công theo mẫu có sẵn và có khách hàng đặt làm mẫu riêng rồi họ đăng ký độc quyền. Bây giờ, sản phẩm phân hủy sinh học, thân thiện môi trường thì họ ưu tiên sử dụng. Đây cũng là xu hướng của thị trường thế giới thời gian tới”, ông Hà Anh Trường thông tin thêm.
Không riêng lục bình mà xơ mướp cũng được tận dụng để tạo nên sản phẩm độc đáo, chinh phục những khách hàng yêu môi trường. Là người gầy dựng thương hiệu Mr. Mướp, anh Đỗ Đăng Khoa, Giám đốc Thảo Minh cho biết, trung bình mỗi héc-ta đất trồng, đơn vị sản xuất được 80.000 sản phẩm. Mướp khô sau khi thu mua được công nhân vệ sinh sạch, tách vỏ, phơi khô, đưa vào máy cán để định hình trước khi đưa vào dập khuôn mẫu theo từng mẫu sản phẩm khác nhau như: sản phẩm dành cho thú cưng, sản phẩm chùi rửa nhà bếp, bộ sản phẩm bông... và được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ngoài ra, đơn vị còn kết hợp với nhiều loại vật liệu là phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm trang trí đẹp mắt như hoa, quả khô. Kế hoạch tiếp theo là mở rộng thêm thị trường, phát triển những thị trường hiện có, mở rộng thêm những thị trường tiềm năng.
Anh Đỗ Đăng Khoa kể: “Doanh nghiệp mình chuyên về các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tập trung làm ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, ứng dụng vào đời sống, được làm từ nguyên liệu xơ mướp, một loại nông sản rất gần gũi với bà con Việt Nam mình. Trái mướp già để xơ, sau đó xử lý qua các công đoạn, quy trình để tạo ra các bộ sản phẩm: bông tắm xơ mướp, miếng rửa chén và đồ chơi cho thú cưng để xuất khẩu”.
Tận dụng tài nguyên bản địa để tạo ra các sản phẩm với đa dạng mẫu mã, thân thiện với môi trường đang là xu hướng hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đây cũng là cách mà nhiều doanh nghiệp, HTX đang hướng tới, tạo ra giá trị bền vững cho hàng thủ công quê nhà, chinh phục và đứng vững trên thị trường thế giới.
Theo MỘNG TOÀN (Báo Hậu Giang)