Hiệu quả từ các mô hình “vườn tôi, nhà mình”

07/04/2019 - 12:20

Sau một thời gian triển khai đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp không chỉ quan tâm đến trồng cây gì, nuôi con gì,… mà còn chú trọng thay đổi tư duy sản xuất của nông dân.


Nông dân trồng xoài ở Cao Lãnh áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. (Ảnh minh họa: nongnghiep.vn)

Do đó, bước đầu, nông dân Đồng Tháp đã có sự chuyển biến từ nền nông nghiệp lấy sản lượng làm lợi nhuận sang hướng phát triển nông nghiệp chất lượng, hiện đại. Từng bước xây dựng được niềm tin với khách hàng từ các nông sản có chất lượng, minh bạch trong sản xuất thông qua các mô hình “vườn tôi, nhà mình”.

Xoài là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp trong đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hiện, địa phương có hơn 9.600 ha diện tích trồng mặt hàng nông sản. Trong quý I-2019, mặt hàng xoài mang về cho tỉnh 575 tỷ đồng.

Với khoảng 3.600 ha trồng xoài, huyện Cao Lãnh là địa phương sản xuất xoài lớn nhất tỉnh Đồng Tháp. Ngoài việc khẳng định thương hiệu xoài Cao Lãnh ở các thị trường lớn, địa phương còn xúc tiến tiếp thị, quảng bá nông sản địa phương thông qua mô hình “Cây xoài nhà tôi”. Bằng ý tưởng kinh doanh độc đáo này, đơn vị hợp tác xã xoài Mỹ Xương đã nhận được khá nhiều đơn hàng trồng xoài qua mạng từ Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội,…

Ông Huỳnh Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh cho biết, mô hình “cây xoài nhà tôi” được Hợp tác xã xoài Mỹ Xương triển khai vào tháng 9-2016. Bằng cách áp dụng mô hình kinh doanh mới – trồng xoài qua mạng. Từ một vài cây được bán ban đầu với doanh thu vài triệu, qua hơn 2 năm đi vào hoạt động, tính đến tháng 3-2019, nông dân huyện Cao Lãnh đã bán trên 230 cây xoài. Từ đó, mang về hơn 900 triệu đồng cho gần 30 thành viên và lợi nhuận đạt khoảng trên 10%.

Ông Sơn cho biết thêm, ba loại xoài được đưa vào danh mục lựa chọn là xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu, xoài tượng da xanh (còn gọi là xoài Đài Loan). Những cây xoài chọn rao bán được đảm bảo các tiêu chí cho trái đều, sinh trưởng tốt và đặc biệt được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Thông qua website https://xoaicaolanh.com.vn, khách hàng có thể nắm được thông tin và hình ảnh liên quan đến chiều cao, đường kính tán, năm tuổi, năng suất bình quân, chủng loại... Tùy vào chủng loại và năm tuổi mà từng cây xoài sẽ có giá bán khác nhau, mức giá trung bình vào khoảng từ 3 - 5 triệu đồng/cây/năm.

Theo thỏa thuận, khi mua, trong suốt 1 năm, với hai vụ thu hoạch, người mua được hưởng toàn bộ số trái trên cây. Theo ước lượng, khách hàng có thể thu từ 100kg - 150kg/cây (nếu trúng mùa) hoặc 70kg/cây (nếu mất mùa) và sẽ được đóng gói chuyển đến tận nhà người mua. Ngoài ra, người sở hữu “cây xoài nhà tôi” còn có thể đến thăm hoặc quan sát từ xa qua hình ảnh được cập nhật trên website. Người tiêu dùng sẽ được sử dụng những trái xoài có đầy đủ nguồn gốc, tường tận cách chăm sóc và không mua nhầm hàng kém chất lượng mà giá cao.

Sau xoài, sản phẩm cam xoàn của nhà vườn ở vùng cù lao Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh cũng được giới thiệu ra thị trường với mô hình “Cây cam vườn tôi”. Trồng 4.000 m2 cam xoàn theo hướng an toàn, anh Võ Văn Nang ngụ xã Tân Thuận Đông cho biết, sau hơn 6 năm gắn bó với cam xoàn, đến tháng 6-2018, anh Nang đã lựa chọn trồng theo hướng an toàn, xây dựng thương hiệu “Cây cam vườn tôi” phù hợp với xu thế thị trường và nâng cao giá trị nông sản.

Chuyển đổi tư duy sản xuất và mạnh dạn ứng dụng các chế phẩm sinh học, bón phân vi sinh, hạn chế sử dụng phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu trên vườn, kết quả thu được từ sản phẩm sau thu hoạch, mẫu đất, mẫu nước được đưa đi kiểm nghiệm tại Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Cần Thơ) đều đạt yêu cầu.

Sản phẩm sạch, được kiểm chứng rõ ràng, 35 “Cây cam vườn tôi” của anh Nang được “chào sàn” qua trang website: nongsancaolanh.vn. Với giá 4 triệu đồng/năm/cây, mỗi vụ 1 cây cam có thể cho sản lượng từ 80kg đến 100kg trái sạch giao cho khách hàng. Khách hàng quản lý quá trình sinh trưởng cây cam của mình thông qua website hoặc hình cập nhật trên mạng xã hội hoặc tại vườn bất cứ khi nào. Nhờ vậy, trong năm 2018, cam ở vùng cù lao này đã được đóng gói, vận chuyển đến những khách hàng tận thành phố Hồ Chí Minh, Hội An, Hà Nội,…

Ông Phan Văn Thương, Chủ tịch UBND thành phố Cao Lãnh cho biết, với sự hỗ trợ của công nghệ, nông dân không còn phó mặc cho thị trường, thay vào đó, người sản xuất đã nghiên cứu, theo dõi thị trường nhiều hơn. Không chỉ ứng dụng công nghệ, người nông dân đã từng bước tạo lập kênh mua bán ngoài hình thức trao đổi truyền thống. Với cách làm này, chỉ cần một lần nhấp chuột, người tiêu dùng dù ở bất kỳ đâu cũng có thể sở hữu sản phẩm cam xoàn tận vườn, được giám sát quá trình chăm sóc, thu hoạch cam trên trang web.

Chủ tịch UBND thành phố Cao Lãnh còn cho biết thêm, theo xu hướng thị trường, người dân chú trọng hơn đến sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm sạch. Nắm bắt xu hướng này, người nông dân đã chuyển dịch tư duy theo hướng quan tâm hơn chất lượng nông sản. Đây là điều cốt lõi để tạo được chữ tín, lòng tin của khách hàng, hướng đến xây dựng thương hiệu địa phương.

Cùng với 2 thương hiệu nông sản danh tiếng kể trên, hạt gạo với thương hiệu "Ruộng nhà mình" cũng có hướng đi riêng.

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Cố vấn cao cấp của thương hiệu “Ruộng nhà mình”, ngoài xuất khẩu, thị trường nội địa là kênh tiêu thụ nông sản đầy tiềm năng. Với lợi thế, một trong những địa phương đứng đầu cả nước về sản lượng lúa gạo, Đồng Tháp hoàn toàn có khả năng cung ứng cho các tỉnh, thành lớn; trong đó có Hà Nội, nơi mỗi năm tiêu thụ hơn 1,4 triệu tấn gạo.

Nguyên tắc chính của việc tạo ra mối liên kết “Ruộng nhà mình” là phát huy cơ hội của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0; phát triển thị trường trong nước, đặc biệt là tập trung vào lợi ích người sản xuất và người tiêu dùng, bỏ bớt khâu trung gian; chia sẻ lợi ích, rủi ro và xây dựng niềm tin khách hàng. Muốn sợi dây liên kết giữa người tiêu dùng và người sản xuất được đảm bảo thì phải gắn kết như trong một nhà, cùng chia sẻ cả lợi nhuận, rủi ro và uy tín, thông tin truy xuất nguồn gốc được trung thực, minh bạch.

Ở góc độ đơn vị thu mua sản phẩm, ông Trần Tấn Đức, Giám đốc Công ty Lương thực Đồng Tháp cho biết, Việt Nam được biết đến là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, nhưng rất "đau lòng" là vì sao người nông dân nghèo vẫn hoàn nghèo. Hơn thế nữa, điều đáng nói là hạt gạo lại thua trên chính sân nhà, khi một bộ phận người tiêu dùng “quay lưng” với gạo quê hương, chuộng gạo Campuchia, gạo Thái Lan.

Nhận thấy cần phải thay đổi để nâng cao giá trị cho hạt gạo và lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, tháng 9/2018, Công ty Lương thực Đồng Tháp bắt đầu triển khai chuỗi liên kết Gạo an toàn – tối ưu giá, với thương hiệu “Ruộng nhà mình”. Ông Trần Tấn Đức thông tin, mô hình được sản xuất tại vùng trồng lúa theo hướng VietGAP của các Hợp tác xã Tiến Cường ở huyện Tam Nông và Hợp tác xã Thuận Tiến ở huyện Cao Lãnh thuộc dự án VnSAT - Đồng Tháp.

Theo đó, giống sản xuất trong vùng nguyên liệu là giống xác nhận, vật tư nông nghiệp sẽ được cung ứng nhưng quá trình sản xuất phải được theo dõi, quản lý, lưu trữ bằng hình ảnh. Trước 10 ngày thu hoạch, toàn bộ sản phẩm sẽ được kiểm tra tại vùng nguyên liệu, xác định sản lượng và lấy mẫu ngẫu nhiên để phân tích chất lượng. Toàn bộ sản phẩm thu hoạch được bảo quản, chế biến, đóng gói tại nhà máy chế biến gạo cao cấp đạt chứng nhận ISO 9001:2015, HACCP, BRC và SA 8000 của Cty Lương thực Đồng Tháp.

Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Thuận Tiến, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh cho biết, trong vụ Đông – Xuân 2019, có 24 ha diện tích của 7 hộ dân tham gia mô hình "Ruộng nhà mình". Không chỉ áp dụng các biện pháp 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, đơn vị đã ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý đồng ruộng. Với các trụ cảm biến được lắp tại mỗi ô ruộng và được kết nối các thiết bị thông minh giúp việc kiểm tra sinh trưởng, sâu bọ, lượng nước trên cánh đồng trở nên dễ dàng hơn, khi ở bất cứ nơi đâu. Qua kiểm chứng sau vụ mùa, nông dân đã giảm hơn 15% chi phí sản xuất.

Ông Hùng cho biết, nước đủ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vừa phải,… chất lượng hạt gạo được cải thiện rõ rệt. Bằng chứng là, thông qua liên kết với Công ty lương thực Đồng Tháp, giá Gạo trong mô hình “Ruộng nhà mình” cao hơn bên ngoài 100 đồng/kg.

Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng, một thời gian dài, người Việt đã quen với nền nông nghiệp dễ dãi. Dễ dãi từ người sản xuất cho đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện tại, thực tế đã thay đổi, nhu cầu của khách hàng trở nên “khó tính hơn” khi lựa chọn thực phẩm. Điều này đỏi hỏi người cung ứng hàng hóa cũng phải có trách nhiệm: trách nhiệm với người tiêu dùng, trách nhiệm với môi trường, trách nhiệm với sức khỏe của chính mình. “Chính trách nhiệm tạo ra thương hiệu cho nông sản”.

Theo Bí thư Lê Minh Hoan, Đồng Tháp đã và đang hướng đến sản xuất nông sản sạch cho người tiêu dùng. Những câu chuyện “Ruộng nhà mình”, “Cây xoài nhà tôi”, “Cây cam vườn tôi” là những tín hiệu khởi phát cho thấy giá trị của nông sản khi được sản xuất sạch và minh bạch. Điều này không chỉ mang lại niềm tin cho người tiêu dùng mà còn góp phần giải quyết một trong những nút thắt của nền nông nghiệp “mua mù, bán mù” nghĩa là nông dân không biết sản phẩm bán đi đâu, người tiêu dùng không biết nguồn gốc sản xuất như thế nào...  vốn đã tồn tại trong nhiều năm qua.

Theo TTXVN