Lập đình tri ân

10/10/2023 - 15:10

Nguyễn Trung Trực một tấm gương sáng và là ngọn cờ đầu trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở miền Nam. Sau khi mất, ông được người dân nhiều nơi lập đình thờ. Riêng Kiên Giang có 15 điểm di tích, cơ sở thờ tự tổ chức lễ giỗ Nguyễn Trung Trực.

A A

Tại Kiên Giang, ngoài ngôi đình Nguyễn Trung Trực tại TP. Rạch Giá, đình thờ Nguyễn Trung Trực còn có ở các địa phương Hòn Đất, Phú Quốc, Châu Thành, Tân Hiệp…

Các ngôi đình này giống nhau về kiến trúc, cách bài trí, đặc biệt đây là những địa chỉ đỏ và là điểm tham quan để người dân, du khách tìm đến với mong muốn được thắp nén hương bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc.

Theo ông Đặng Công Bình - Trưởng Ban bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực tại TP. Rạch Giá, đình thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực có ở nhiều nơi nhưng phần mộ của ông đang ở ngôi đình tại TP. Rạch Giá.

Đây cũng là ngôi đình lớn nhất trong 9 ngôi đình thờ Nguyễn Trung Trực trên địa bàn tỉnh. Ngôi đình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1988. Trong khuôn viên khu di tích còn có phần mộ, khu thờ tự, nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp của cụ Nguyễn. 

Vào các ngày 26, 27 và 28-8 âm lịch hàng năm, người dân từ khắp nơi đến đình Nguyễn Trung Trực tại TP. Rạch Giá tham gia lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày hy sinh của ông. Người dân còn mang những sản vật quê hương về đây, tổ chức dâng hương, tổ chức các bếp ăn miễn phí.

Nhiều người coi lễ hội như ngày giỗ của người ông trong gia đình. Sau lễ, hàng chục tấn gạo, rau, củ, nhu yếu phẩm… được quyên góp cho các trường học, trại trẻ mồ côi, bếp ăn tình thương.

Người dân viếng đình Nguyễn Trung Trực tại xã Gành Dầu, TP. Phú Quốc (Kiên Giang).

Tại TP. Phú Quốc, ngôi đình Nguyễn Trung Trực tại xã Gành Dầu được khách thập phương cho rằng không chỉ tạo thêm điểm nhấn du lịch tâm linh mà du khách còn thấy ý nghĩa khi tìm hiểu về lịch sử vùng đất bắc đảo.

Gành Dầu là một trong những địa điểm đóng quân của Nguyễn Trung Trực khi rút ra Phú Quốc lập căn cứ. Sau khi ông mất, với tấm lòng sùng kính vị anh hùng dân tộc, người dân cất căn nhà lá 3 gian để thờ phụng ông. Đến năm 2017, đình được xây dựng với quy mô lớn, phục vụ nhu cầu chiêm bái và tổ chức lễ giỗ Nguyễn Trung Trực của người dân TP. Phú Quốc.

Ông Nguyễn Văn Bé - Phó trưởng Ban Thường trực Ban bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa đình Nguyễn Trung Trực xã Gành Dầu cho biết, lễ hội Nguyễn Trung Trực tại đình diễn ra trong 2 ngày 27 và 28-8 âm lịch với các nghi lễ cổ truyền. Tại lễ hội, người dân nhiều nơi mang lễ vật với tấm lòng thành kính dâng lên người anh hùng và nghĩa quân hy sinh vì đất nước…

Theo Sở Văn hóa và Thể thao, trong số các ngôi đình thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, huyện Hòn Đất có nhiều đình thờ ông nhất.

Ngoài các ngôi đình mang tên Nguyễn Trung Trực, người dân nhiều nơi còn thờ Nguyễn Trung Trực tại nhiều ngôi đình như đình Vĩnh Hòa Hiệp (Châu Thành), đình thần Cây Dương (Tân Hiệp), đình thần Hòn Chông (Kiên Lương)…

Tại những nơi này, bài vị thờ ông Nguyễn được đặt chung với các bậc tiền nhân, hậu hiền; thậm chí có nơi bài vị ông Nguyễn còn được đặt làm chính thần. Theo Sở Văn hóa và Thể thao, ngoài Kiên Giang, nhiều địa phương có đình Nguyễn Trung Trực như Long An, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Định…

Song, dù là ở đâu, những ngôi đình Nguyễn Trung Trực luôn là địa chỉ đỏ, nơi giáo dục lịch sử, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về những người không tiếc máu xương bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc trước giặc ngoại xâm…

Theo TRUNG HIẾU (Báo Kiên Giang)