Đạt được kết quả tốt đẹp như thế, ngành nông nghiệp đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và sự phối hợp của các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, đoàn thể, sự quyết tâm của toàn ngành, sự nỗ lực của người dân.
Thực tế, năm 2019, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh trong chăn nuôi, dịch tả heo châu Phi, đã buộc tiêu hủy trên 4,3 triệu tấn heo; vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển và đường giao thông nông thôn tiếp tục diễn ra; thị trường tiêu thụ nông sản luôn biến động về giá thị trường, sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu tập trung...
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu đến tham quan ruộng tôm - lúa kết hợp tại huyện Mỹ Xuyên. Ảnh: Thúy Liễu
Dù có gặp những trở ngại nêu trên, ngành nông nghiệp vẫn vượt qua và đạt nhiều thành quả nổi bật; theo đó nhiều mô hình trong sản xuất được triển khai hiệu quả bằng việc tạo ra sản phẩm sạch, an toàn ngày càng được nhân rộng, tất cả các chỉ tiêu ngành đặt ra đều đạt và vượt kế hoạch, đời sống nông dân khởi sắc.
Nói đến nông nghiệp Sóc Trăng thì kinh tế mũi nhọn là con tôm và cây lúa. Đối với con tôm, nhiều năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh và giá bán trên thị trường đã ảnh hưởng đến thu nhập của người dân và nguồn thu ngoại tệ về cho tỉnh. Năm 2019, con tôm nuôi nước lợ đạt về năng suất, sản lượng bởi dịch bệnh trên tôm được đẩy lùi. Thống kê, ước diện tích thả nuôi thủy sản 78.968ha, đạt 108% kế hoạch, tăng 1,4% so với cùng kỳ, trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ 57.500ha, tăng 2,4% so cùng kỳ (tôm sú 19.100ha, tôm thẻ 38.400ha), số diện tích thiệt hại tôm nước lợ 5.077ha, chiếm 8,8% diện tích thả nuôi, giảm 15% so với cùng kỳ. Nguyên nhân gây thiệt hại tôm nuôi là do yếu tố môi trường, bệnh hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng và bệnh phân trắng, ước sản lượng tôm nước lợ 150.350 tấn, tăng gần 11% so với cùng kỳ.
Bên cạnh con tôm thì cây lúa được xem là nguồn thu nhập chính của hầu hết người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh và để đời sống người dân được nâng cao ngành nông nghiệp đã cơ cấu giống lúa chất lượng cao, cao sản, đặc sản nhằm thay thế những giống kém chất lượng để tiêu thụ trên thị trường tốt hơn (trong đó lúa đặc sản gần 50% diện tích, sản lượng trên 1,07 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ) và tổng sản lượng trên 2,17 triệu tấn. Đồng thời tiếp tục nâng cao giá trị hạt lúa, ngành nông nghiệp đã triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP, hữu cơ với diện tích 423,39ha tại một số hợp tác xã thuộc các huyện: Châu Thành, Trần Đề, Thạnh Trị, Long Phú, Mỹ Tú đã có 103ha được cấp chứng nhận VietGAP và có 196ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ tại các huyện: Mỹ Xuyên, Trần Đề, TX. Ngã Năm, Long Phú, Thạnh Trị, Kế Sách.
Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Nguyễn Minh Tiến trao đổi thông tin cùng lãnh đạo Sở NN-PTNT Sóc Trăng về việc sản xuất giống lúa ST24 tại đồng lúa HTX Dịch vụ và Sản xuất lúa Đại Thắng. Ảnh: Thúy Liễu
Đặc biệt về cây lúa, niềm vui lớn nhất của tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn ngành nông nghiệp cũng như bà con nông dân, khi gạo ST24 đã lọt vào top 3 gạo ngon nhất thế giới (năm 2017) và tháng 11-2019, gạo ST25 đã đạt giải gạo ngon nhất thế giới. Đây không chỉ riêng Sóc Trăng tự hào về ngành hàng lúa gạo mà cả Bộ NN-PTNT và cả nước rất vui mừng phấn khởi. Chính vì vậy, đích thân Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đến Sóc Trăng trao đổi thông tin, khích lệ tinh thần cho nhóm nghiên cứu giống lúa ST25 cũng như trực tiếp xuống thăm ruộng lúa ST của bà con nông dân sản xuất và trao tặng bằng khen của Bộ NN-PTNT cho nhóm nghiên cứu giống lúa ST25 vì đã đem về thành tích vẻ vang cho hạt gạo Việt Nam và biểu dương những kết quả về sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời, ST25 - gạo ngon nhất thế giới được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học công nghệ nổi bật năm 2019 và kỹ sư Hồ Quang Cua - “cha đẻ” giống lúa ST25 là 1 trong 62 nhà khoa học được vinh danh tại chương trình “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ II - năm 2019 tại thủ đô Hà Nội vào dịp cuối năm.
Do là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi với các vùng ngọt, mặn, lợ nên ngoài cây lúa, con tôm, Sóc Trăng còn có thế mạnh về phát triển cây ăn trái. Nó đã đem lại nguồn thu nhập khá cho nhà vườn bởi các loại cây có giá trị kinh tế cao, như: bưởi da xanh, bưởi năm roi, cam sành, cam xoàn, xoài, nhãn, mãng cầu, vú sữa... đã có 104ha cây ăn trái được cấp chứng nhận VietGAP và xây dựng được 9 vùng trồng được cấp 32 mã code với diện tích: 235,61ha/267 hộ trên cây vú sữa, xoài, nhãn, bưởi để liên kết xuất khẩu. Trong các loại trái cây trên, Sóc Trăng có vú sữa tím của các hợp tác xã trên địa bàn huyện Kế Sách được doanh nghiệp liên kết bao tiêu xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ với sản lượng lên đến vài trăm tấn/năm.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh tham quan vườn vú sữa tại HTX Nông nghiệp Trinh Phú (Kế Sách). Ảnh: Thúy Liễu
Giám đốc HTX Nông nghiệp Trinh Phú (Kế Sách) Hồ Văn Hội chia sẻ: Tính riêng năm 2019, HTX đã ký kết hợp đồng xuất khẩu vú sữa tím sang Hoa Kỳ với tổng sản lượng hơn 100 tấn, so với bên ngoài giá doanh nghiệp thu mua cao hơn giá thị trường 18.000 đồng - 20.000 đồng/kg. Nhờ đó thu nhập của thành viên tham gia HTX tăng lên đáng kể, 1ha vú sữa thu lợi nhuận 250 triệu/năm, tính ra lợi nhuận tăng cao hơn bên ngoài lên đến 90 triệu đồng/năm.
Quang cảnh lễ ký kết tiêu thụ trái vú sữa tím xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ giữa HTX Nông nghiệp Quyết Thắng và Công ty TNHH XNK Chánh Thu. Ảnh: Thúy Liễu
Về mối liên kết trái cây xuất khẩu, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu đánh giá cao sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân sản xuất, bởi sản phẩm xuất khẩu đòi hỏi chất lượng, hình thức thật tốt. Do vậy, nông dân liên kết cùng doanh nghiệp phải đảm bảo quy trình sản xuất do doanh nghiệp đưa ra để đạt chuẩn xuất khẩu, tạo mối liên kết bền vững lâu bền, đặc biệt phải giữ ổn định chất lượng sản phẩm, đảm bảo nguồn cung ứng thường xuyên cho doanh nghiệp để tăng thu nhập cho gia đình…
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chuyện nhấn mạnh, Sóc Trăng có thế mạnh về nông nghiệp và lúa được xác định là cây chủ lực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lúa đặc sản chiếm gần 50% diện tích gieo trồng. Qua đó, đồng chí Trần Văn Chuyện đề nghị ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục phát triển các mô hình sản xuất lúa theo hướng an toàn, bền vững. Đồng thời, quy hoạch vùng sản xuất lúa đặc sản, trong đó ưu tiên phát triển các vùng sản xuất lúa ST tập trung, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, vùng sản xuất theo chuỗi gắn kết từ đầu vào tới đầu ra của sản phẩm. Với con tôm, tiếp tục quản lý tốt dịch bệnh trên tôm, triển khai các mô hình nuôi tôm hiện đại nhằm tăng năng suất, chất lượng tôm nuôi nước lợ…
Theo Báo Sóc Trăng