Chính điện chùa Vàm Ray
Cũng như nghệ thuật điêu khắc ở các ngôi chùa, đình làng người Việt, nghệ thuật điêu khắc được các nghệ nhân Khmer đặc biệt quan tâm trong kiến trúc, xây dựng chùa Khmer ở Nam Bộ. Chính vì thế trong tổng thể kiến trúc xây dựng ở những ngôi chùa Khmer Nam Bộ, nghệ thuật điêu khắc được thể hiện rất công phu và phong phú về đề tài cũng như chất liệu thể hiện với nhiều hình dáng, hoa văn trang trí độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Khmer Nam Bộ truyền thống.
Những nghệ nhân Khmer đã vận dụng tất cả mọi phương tiện, chất liệu, như: Gỗ, đá, kim loại, xi măng… để điêu khắc trang trí cho ngôi chùa làm sao đẹp nhất, lộng lẫy nhất và trở thành biểu tượng của nghệ thuật truyền thống. Theo đó, chất liệu gỗ thường được dùng để điêu khắc tượng Phật. Ngoài ra gỗ còn được dùng để chạm, khắc những phù điêu, hoa văn khung cửa, cánh cửa… Về hoa văn có nhiều hình thức phối hợp lẫn nhau như hoa văn khắc chìm, khắc nổi bằng gỗ hay bằng đá, có loại được đổ khuôn đúc bằng xi măng, có loại đắp trực tiếp, cẩn, trám bằng nhiều chất liệu khác nhau.
Những nghệ nhân điêu khắc Khmer cho biết, cái làm nên sự khác biệt và tính độc đáo của nghệ thuật điêu khắc Khmer so với nghệ thuật điêu khắc của người Việt, người Hoa trong cùng khu vực cư trú là ở họa tiết, hoa văn trang trí và phong cách thể hiện mang đậm nét văn hóa Khmer truyền thông với những khung trang trí đủ hình đủ vẻ như: Vuông, bầu dục, tròn… thể hiện hình ảnh về các thiên thần, vũ nữ, rồng, rắn thần, chim thần, như các Tê-va-đa, Apsara, rắn Naga, Ha-nu-man, Pres Ram, thần Vi-sa-nus.
Cửa vào chính điện chùa Vàm Ray với những pho tượng được chạm khắc công phu, tinh xảo, sinh động
Tượng đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn ở chùa Vàm Ray
Ngoài hình ảnh về các nhân vật trong Phật tích, thần thoại, huyền thoại, các nghệ nhân điêu khắc cũng quan tâm đến cảnh vật xung quanh như cỏ cây hoa lá để thể hiện trong trang trí như: Hoa sen, hoa văn lửa, dây leo, hoa cúc, cây trúc, cây bồ đề... Trong đó hình ảnh hoa sen là một trong những mô típ được nhấn mạnh trong tất cả các ngôi chùa Khmer với những kiểu dáng cách điệu khác nhau, từ sen búp, sen nở hoa, đến sen dùng làm bệ tượng Phật. Bởi cũng như người Việt, người Khmer quan niệm hoa sen là biểu tượng cao quý của Phật giáo. Chính vì thế rất nhiều hình tượng hoa sen gắn với Đức Phật với những tư thế đứng, ngồi, nằm trên đài sen được các nghệ nhân điêu khắc Khmer công phu thể hiện.
Có thể nói, với óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo tài hoa, những nghệ nhân điêu khắc Khmer đã ứng dụng mọi phương diện, mọi chất liệu để trang trí cho mỗi ngôi chùa một dáng vẻ thật hoàn mỹ, thật hoành tráng và thật lộng lẫy. Công trình kiến trúc, điêu khắc chùa Vàm Ray, ở ấp Vàm Ray, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú (Trà Vinh) được cải tạo phục chế hoàn thành vào năm 2010 là một minh chứng như thế. Đây là một ngôi chùa mang dấu ấn đặc trưng của điêu khắc Ăngkor và hiện là ngôi chùa Khmer lớn nhất Việt Nam, với những họa tiết, hoa văn được chạm khắc công phu, tinh tế, sinh động.
Một tác phẩm điêu khắc trên tường chùa Vàm Ray
Đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc của chùa thể hiện ở những họa tiết, độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột, cầu thang với những tượng đầu vị thần bốn mặt Maraprum là tiền thân của Brahma (vị thần sáng tạo ra thế giới); nữ thần Kayno nửa người nửa chim và chim thần Mrakrit. Đặc biệt, tượng Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn có chiều dài 54 mét, được đặt trên bệ cao tương đương một ngôi nhà 2 tầng thật hoành tráng, là tượng Phật nằm ngoài trời có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Các nghệ nhân điêu khắc cho biết, làm nghề điêu khắc trước tiên đòi hỏi phải có năng khiếu và được đào tạo qua trường lớp một cách bài bản, nhuần nhuyễn. Phải có con mắt tinh tường, am hiểu sâu sắc, rành rọt về ý nghĩa, nguồn gốc xuất xứ của các loại hoa văn. Đặc biệt với tượng Phật vừa phải khắc cho thật đẹp, vừa phải khắc đúng theo hướng của “tam tạng kinh” chứ không chỉ khắc giống là được.
Theo LƯƠNG ĐỊNH (Báo Giáo dục & Thời đại)