Khách tham quan vườn sầu riêng của chị Thảo.
Nằm lọt thỏm giữa bốn bề ruộng lúa ở ấp Thạnh Phước 2, xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ nhưng khoảng 3 năm nay, gia đình chị Ngô Thị Thảo được rất nhiều du khách trong và ngoài thành phố biết đến.
Bước qua căn nhà khang trang phía trước và khoảng đất trồng các loại rau thơm là tới vườn sầu riêng đang mùa thu hoạch. Mùi thơm đặc trưng của sầu riêng chín cây làm nhiều du khách phải hít hà, ngước mắt tìm kiếm. Chị Thảo kể: “Trên tổng diện tích 10 công đất vườn, vợ chồng tôi trồng được trên 300 gốc sầu riêng, măng cụt và bòn bon. Trong đó, phần nhiều là sầu riêng Ri6 và sầu riêng sữa. Mùa sầu riêng năm nay, tôi bắt đầu đón khách tới tham quan và bán sầu riêng tại vườn từ đầu tháng 4 âm lịch. Có những ngày, tôi đón khoảng 300 lượt khách chủ yếu đến từ các tỉnh miền Tây và TP Hồ Chí Minh đến vườn nhà tham quan”. Với số lượng khách này, chỉ trong khoảng 2 tháng, vợ chồng chị Thảo đã có thu nhập trên 200 triệu đồng, bao gồm nguồn thu từ bán sầu riêng, vé vào vườn tham quan và dịch vụ ăn uống tại vườn. Không chỉ vậy, vợ chồng chị Thảo đang tạo việc làm cho 8 lao động tại địa phương với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Để có được thành quả này, vợ chồng chị Thảo trải qua không ít khó khăn. Chị cho biết: “Mảnh đất này trước đây chúng tôi trồng rẫy. Sau khi lên vườn trồng cây ăn trái đã có vài người bạn “bàn ra” vì nếu cho thuê 10 công đất đã kiếm được ít nhất là 50 triệu đồng/năm. Trong khi trồng cây ăn trái thì lâu cho thu hoạch. Chưa kể, những năm đầu vườn sầu riêng để trái, chúng tôi không biết cách thụ phấn cho hoa nên trái non rụng hết, không có thu nhập”. Tham khảo kiến thức từ những nhà vườn đi trước, vợ chồng chị dần tích lũy được kinh nghiệm, biết cách chăm sóc và sầu riêng ra trái đạt hiệu quả cao nhất. Năm 2017 là năm đầu tiên chị Thảo có trái sầu riêng đem bán trước nhà. Khách ghé mua ăn rồi xin vào tham quan vườn, chụp ảnh đăng mạng xã hội. Từ đó, khách đến vườn tham quan ngày càng đông.
Nhiều năm nay, một số hộ dân trồng cây ăn trái ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ chuyển hẳn từ mục tiêu trồng cây hái trái bán cho thương lái sang phục vụ khách du lịch tham quan. Ông Lâm Hồng Trọng, chủ vườn dâu 7 Trọng ở ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh là một trong số đó. Ông Trọng có mảnh vườn trồng khoảng 100 gốc dâu bòn bon 7 năm tuổi. Theo ông Trọng, trước đây, ông từng trồng cam nhưng lợi nhuận không cao. Thấy địa phương phát triển du lịch, đặc biệt là vườn nhà nằm ven trục đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, gần Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam nên ông quyết định trồng dâu làm du lịch. Thay vì hái trái bán cho thương lái, ông Trọng giữ nguyên những chùm dâu xum xuê trên cây, để dành cho khách đến tham quan, chụp ảnh. Ngoài nguồn thu từ vé tham quan 40.000 đồng/người, vợ chồng ông Trọng bán thêm nước mía, nước cam. Vào chính vụ, dâu chín rộ trĩu cành với màu vàng nổi bật trên nền lá xanh mướt thu hút khách tham quan có khi lên đến cả trăm lượt mỗi ngày. Nhờ đó đã giúp ông bà có thu nhập rất khá so với hái dâu cân bán cho thương lái chỉ vài ngàn đồng mỗi ký. Ông Trọng cho biết, hiện ông đang trồng thêm dâu xanh, còn gọi là dâu Gia Bảo, năm sau sẽ cho trái, góp phần giúp khu vườn càng đặc sắc hơn.
Từ bến đò Cồn Sơn (thuộc khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy) rẽ trái khoảng 300m là tới vườn chôm chôm của ông Nguyễn Văn Năm. Ông có 10 công đất trồng cây ăn trái. Trong đó, 70% diện tích trồng chôm chôm, còn lại trồng dâu và măng cụt. Những gốc chôm chôm xù xì trên 40 năm tuổi được ông Năm cắt tỉa, tạo tán thấp vừa đầu người. Mùa này, chôm chôm chín đỏ, trĩu cành, nhiều cây trái sà xuống gần sát mặt đất. Những gốc dâu Gia Bảo cũng chín rộ, khiến nhiều du khách thích thú. Ông Năm nói: “Cũng như phần lớn nông hộ ở Cồn Sơn, nhiều năm trước, gia đình tôi cũng kiếm thu nhập từ việc trồng vườn, bán trái cây. Mới mấy năm gần đây, du lịch phát triển khá mạnh mẽ, gia đình tôi cũng đi theo xu hướng này. Nhờ làm thêm dịch vụ du lịch, cho khách đến tham quan vườn, chúng tôi có thêm nguồn thu nhập khá bên cạnh cắt, bán trái cây. Ngoài tiền vé tham quan mỗi người 30.000 đồng, chúng tôi hái trái cân bán tại vườn cho du khách bằng giá bán ngoài thị trường nên nhiều khách du lịch rất hài lòng. Hiệu quả từ kinh doanh dịch vụ du lịch giúp nông dân thêm nguồn thu, giảm bớt nguy cơ lỗ lã vì mất mùa hoặc mất giá, tiêu biểu như mùa chôm chôm năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên giá bán chôm chôm xuống rất thấp”. Gần nhà ông Năm, gia đình bà Trần Thị Sa cũng tận dụng vườn bưởi của gia đình để kinh doanh dịch vụ du lịch. Gia đình bà là một trong những nông hộ tham gia kinh doanh du lịch ở Cồn Sơn sớm nhất, với khá nhiều dịch vụ: ăn uống, trải nghiệm làm bánh dân gian, tát mương bắt cá,… với 5 thành viên trong nhà tham gia phục vụ. Ông Năm ấp ủ dự định xây dựng mô hình du lịch vườn cây ăn trái chuyên nghiệp hơn. Vì thế ông khuyến khích con trai út đón ghi danh học nghiệp vụ hướng dẫn du lịch để phục vụ du khách chu đáo và chuyên nghiệp hơn.
Nhiều nông dân nhạy bén chuyển hướng mô hình kinh tế bằng cách kết hợp nông nghiệp với dịch vụ du lịch và cả lợi thế về tính cách hiếu khách, hào sảng của người dân Nam bộ để tạo nên thương hiệu du lịch miệt vườn rất riêng cho Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Tuy nhiên, để mô hình kinh tế này phát triển bền vững, mang lại hiệu quả giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập rõ nét hơn cho lao động, rất cần sự quan tâm quảng bá, quy hoạch phát triển và quản lý chất lượng nhiều hơn từ chính quyền địa phương.
Theo MỸ TÚ (Báo Cần Thơ)