Phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp, nông thôn - sản phẩm sen tỉnh Đồng Tháp

03/08/2020 - 08:47

Ngày 31-7, UBND huyện Tháp Mười phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm khoa học “Phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp – sản phẩm sen tỉnh Đồng Tháp”.

Tọa đàm có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Tháp Mười đã chọn cây sen, 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của huyện để thực hiện, gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị, từng bước ổn định đầu ra. Huyện đã phát triển nhiều sản phẩm được chế biến từ cây sen như: sen sấy bơ, sữa sen, rượu sen, các loại trà từ sen, bông sen, nước uống đóng chai tinh chất sen, kéo sợi tơ sen... Hiện tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp đặc biệt là cây sen còn rất lớn. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nông nghiệp và các sản phẩm từ sen hiện vẫn còn chưa vững chắc và thiếu tính liên kết tạo thành chuỗi giá trị.

Phân tích về nâng cấp chuỗi giá trị từ sen gắn với du lịch, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh cho rằng, chuỗi giá trị ngành hàng sen của Đồng Tháp nói chung và Tháp Mười nói riêng mặc dù đã có liên kết nhưng chỉ liên kết một cách cơ học, chưa liên kết theo hướng hữu cơ - tức là chưa có sự chia sẻ về giá trị, lợi ích trong chuỗi ngành hàng. Chính vì vậy, để khai thác và phát triển du lịch liên kết chặt chẽ với những giá trị từ sen tương xứng với tiềm năng và tránh được các xung đột giữa cơ quan quản lý, các đơn vị lữ hành và cộng đồng địa phương cần có những biện pháp nhằm dung hòa mối quan hệ lợi ích giữa các nhóm đối tượng sau: cộng đồng địa phương, các đơn vị kinh doanh lữ hành, các nhà sản xuất và chế biến thành phẩm từ sen và các cấp quản lý. Địa phương cần có những chính sách phát triển hợp lý để từ đó có sự hỗ trợ, ươm mầm đối với những cá nhân, doanh nghiệp tâm huyết với sen. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm một cách bài bản để người dân, du khách biết và muốn đến với Tháp Mười cũng như Đồng Tháp.

Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp cũng đề xuất thêm một số ý kiến cho việc phát triển chuỗi ngành hàng sen của huyện Tháp Mười như: huyện nên nghiên cứu xây dựng không gian văn hóa về sen; cửa hàng OCOP bao gồm sen và các sản phẩm khác để làm điểm thu hút du khách khi đến với Tháp Mười. Đặc biệt, tỉnh, huyện cần có chính sách cho người dân chuyển đổi từ đất lúa sang trồng sen kết hợp phát triển du lịch trong vòng 3 đến 5 năm để khuyến khích người dân chuyển đổi, nâng cao giá trị từ sen...

Theo Báo Đồng Tháp