Rợp cây trái giữa Đồng Tháp Mười

22/03/2020 - 09:42

Qua Đồng Tháp Mười từ Tiền Giang, Đồng Tháp tới Long An, chúng tôi không phải băng đồng dưới cái nắng tháng ba chói chang, mà chạy trên đường đan dưới những khu vườn rợp bóng cây ăn trái. Có người ví von vùng lúa Đồng Tháp Mười đang dần chuyển sang “miệt vườn”, đường giao thông- xe gắn máy đang bỏ mặc những dòng kinh ngang dọc từng tấp nập vỏ lãi, ghe xuồng cho lục bình xâm chiếm.

Những vườn mít xanh mát giữa Đồng Tháp Mười. Trong ảnh: Anh Chính mỗi ngày tiêu thụ khoảng 500kg mít cho nông dân

Mít Thái là đầu câu chuyện

Có thể nói, đường giao thông nông thôn đã làm thay đổi đời sống người dân vùng Đồng Tháp Mười rất nhiều. Nhà cửa, xóm làng ven đường sung túc, kiên cố hơn. Từ vùng thuần nông làm lúa nước, những vườn cây ăn trái đã mở lối chuyển dịch cho nông dân vùng lũ này. Nhiều nhất là mít Thái rợp bóng bên đường “lấn” dần ra ruộng lúa.

Theo chiếc xe máy “thồ” trái cây của anh Lê Văn Chính- thương lái mua trái cây, chúng tôi chạy dưới đường đan rợp bóng mít, chuối, dừa… thuộc xã Tân Thành (huyện Tân Thạnh- Long An). Khu vực này có hàng chục thương lái như anh Chính, chạy rảo khắp các vườn mua mít. Mỗi thương lái đều có “nhà vườn ruột” của mình, vào tận vườn thăm trái nào vừa thì đốn, nhưng mua theo giá thị trường.

Với kinh nghiệm, “tui nhìn là biết trái mít tới ngày đốn. Chắc ăn hơn thì vạt mặt, múi lên vàng là được”- anh Chính vừa nói vừa đốn trái mít to đùng, nhấc bổng lên vai nhóng chừng “trái này 15kg”.

Vườn mít Thái sai trái rợp bóng giữa Đồng Tháp Mười.

Chú Tư Phon- chủ vườn mít- chỉ có mặt khi anh Chính cân đống mít ở sân. Mấy ngày nay mít có giá tương đối, 32.000 đ/kg mít đẹp, mít “bị sâu” 7.000 đ/kg, tổng cộng gần 2 triệu đồng, chủ vườn đếm tiền vui vẻ. Chú Tư Phon bảo rằng: “Nếu không có cây mít, nông dân làm lúa chan chát… chắc chết”.

Hơn 5 công mít của chú “trồng chơi ăn thiệt, năm bảy bữa đốn vài trái mít cầm bạc triệu ngon lành”, trong khi làm lúa 3 tháng thu hoạch lúc giá thấp, chi phí cao thì “huề vốn là mừng”. Vậy nên theo chú Tư Phon, mít được coi là cây thoát nghèo, nhiều cánh đồng ở Tân Thành đã… lên vườn muốn hết!

Thật vậy, mít Thái luôn là đầu câu chuyện của người dân vùng Đồng Tháp Mười hiện nay. Thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Long An cho thấy toàn tỉnh có hơn 1.000ha trồng mít Thái, nhiều nhất ở các huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Thủ Thừa và TX Kiến Tường.

Chỉ tính trong năm 2019, diện tích trồng mít mới là trên 380ha. Theo tính toán, với giá bán bình quân từ 10.000- 35.000 đ/kg, có thời điểm 50.000- 65.000 đ/kg, trồng mít cho doanh thu 300- 600 triệu đồng/ha/năm. Với mức lợi nhuận cao gấp nhiều lần trồng lúa, nông dân hồ hởi người này chạy theo người kia lên vườn trồng mít.

Cùng với mít, một cán bộ Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vĩnh Hưng (Long An) bảo rằng: “Bưởi da xanh Khánh Hưng rất ngon. Toàn huyện hiện có 21,8ha mít Thái siêu sớm (diện tích trên 2 công trở lên), ngoài ra có 343ha trồng xoài, bưởi, sầu riêng, thanh long, mãng cầu… Trước đây người dân ngại nước phèn, nhưng nay đã biết cải tạo đất bằng cách lên luống, đào rãnh giữa những hàng cây vừa cung cấp nước tưới”.

Rõ ràng là nhiều cánh đồng lúa vùng Đồng Tháp Mười đang chuyển đổi sang trồng cây ăn trái. Tuy nhiên, câu chuyện sâu hại, dịch bệnh cây trồng và “trồng mít nhiều để bán cho ai” đang là vấn đề còn… treo ngoài xóm ngõ!

Thấp thoáng nỗi lo hạn, mặn

Anh Chính bảo nhờ có đường sá mà chiếc xe “thồ” mỗi ngày 2 chuyến (chừng 250 kg/chuyến) chạy ra chạy vào mua mít, trái cây từ vườn chở ra vựa bán nhanh chóng. Đường giao thông làm thay đổi phương thức vận chuyển của thương lái, nên nhiều nhà nông cũng mạnh dạn chuyển đổi cây trồng.

Một trong nhiều dòng kinh không còn bóng vỏ lãi, ghe xuồng.

Đường từ ngã ba Cổ Cò (Cái Bè- Tiền Giang) đưa khách tới huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) thẳng hướng thị trấn Mỹ An hay rẽ qua mấy ngã mới tới bến đò qua chợ xã Đốc Binh Kiều. Khách cầm xe gắn máy chạy lần đầu thấy… phức tạp, nhưng người dân ở đây bảo “hồi đó chỉ có phà đưa đi các ngã, giờ hầu hết đều có đường đan, có cầu nối ngã năm qua ngã bảy…”.

Nói “lòng vòng” vậy để thấy rằng chạy song song những tuyến kinh ngang dọc ruộng đồng giờ đường đá tiếp đường đan nối đường nhựa từ Tháp Mười xuyên Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Mộc Hóa (Long An)…

Nhà của anh Phạm Thanh Đề nằm sâu trong nội đồng xã Tân Lập (Tân Thạnh), hồi trước phương tiện đi lại duy nhất là chiếc vỏ lãi: mùa nước thì băng đồng, mùa khô thì xẻ ngang, xẻ dọc mấy con kinh mới vô được tới nhà. Còn bây giờ, xe máy bon bon tận cửa. Những chiếc ghe hết “nhiệm vụ” lật úp trên sân, những chiếc xuồng thôi băng đồng chìm luôn tại bến, những dòng kinh xanh xanh dày đặc lục bình…

Sau thu hoạch vụ Đông Xuân, nhiều cánh đồng huyện Tân Thạnh đã nhanh chóng xuống giống Hè Thu, chú Tư Phon cho biết ở cánh đồng Tân Thành “giờ lúa đang ngậm đòng đòng”. Trong khi đó, cánh đồng Tân Lập không đồng loạt: ruộng mới sạ nằm cạnh ruộng lúa đã vàng bông, nhiều dãy ruộng còn nguyên gốc rạ…

“Năm nay, nhiều người sợ nước mặn, khô hạn nên chưa dám sạ lúa Hè Thu, thành thử đồng ruộng mới nham nhở vậy”- anh Đề giải thích. Tính tới tính lui, anh và một vài hộ quyết định sạ, ai e dè thì nhóng nhóng nghe thông tin “chắc nay mai cũng sạ chứ gì”. Mùa này nước cạn sâu dưới kinh, ruộng ai nấy đắp bờ bơm nước cho đồng lúa của mình.

Một hình ảnh phổ biến hiện nay ở Đồng Tháp Mười, đường giao thông đã thay thế những dòng kinh trong việc lưu thông, vận chuyển nông sản.

Thống kê sơ bộ của ngành chức năng tỉnh Long An, do ảnh hưởng của hạn, mặn, đến thời điểm này đã có hàng ngàn héc ta lúa bị thiệt hại.

Tình hình xâm nhập mặn đang xảy ra gay gắt và dự báo sẽ còn lấn sâu vào các sông trên địa bàn tỉnh như sông Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và sông Tra. Nhiều người dân cho biết, vùng nội đồng trước giờ chỉ sợ phèn, nhưng bây giờ câu chuyện sản xuất, tưới tiêu đã thấp thỏm lo thiếu nước, còn lo “nước mặn tới đâu rồi?”

Qua Đồng Tháp Mười hôm nay bỗng nghe khan khát…

Theo TRẦN PHƯỚC (Báo Vĩnh Long)