Điều khác biệt so với trước đây, nông dân không còn nuôi một loại con, trồng một loại cây mà theo hình thức đa cây, đa con, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời hạn chế được tình trạng mất vốn bỏ ra đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển. Điển hình như mô hình chăn nuôi đa con của ông Trần Hoàng Sơn, ngụ Khóm 5, Phường 2 (TP. Sóc Trăng) bước đầu mang lại hiệu quả, cho thu nhập ổn định.
Năm 1991, ông Sơn đưa gia đình từ huyện Thạnh Trị về sinh sống, lập nghiệp ở TP. Sóc Trăng. Với số vốn có trong tay, vợ chồng ông mua được trên 2.000m2 đất nông nghiệp. Bước đầu, gia đình ông Sơn xây dựng chuồng nuôi heo, trồng thêm ít dừa, chuối kiếm thêm thu nhập nhằm ổn định cuộc sống gia đình. Trong quá trình canh tác, ông Sơn nhận thấy được hạn chế của việc nuôi một con, trồng một loại cây nên ông xác định phát triển kinh tế gia đình theo hướng đa con để có nhiều nguồn thu, giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh, thời tiết thay đổi và quan trọng là giá cả thị trường.
Ông Trần Hoàng Sơn, ngụ Khóm 5, Phường 2 (TP. Sóc Trăng) chia sẻ cách thức nuôi ruồi lính đen. Ảnh: K.N
Ông Sơn tận dụng chuồng heo bỏ trống để nuôi ruồi lính đen, số tiền bỏ ra đầu tư ban đầu không bao nhiêu, chủ yếu tiền mua con giống. Chuồng nuôi ruồi lính đen của ông Sơn được thiết kế có thêm vải mùng luôn khép kín, rộng tầm khoảng 5m2. Theo ông Sơn, vòng đời của ruồi lính đen từ 40 - 45 ngày. Ruồi lính đen trưởng thành có kích thước dài 10 - 15mm, chúng chọn chỗ ẩm ướt để đẻ trứng nên thường xuyên phải phun nước tạo độ ẩm thích hợp. Từ trứng ruồi rồi sẽ trở thành ấu trùng, phát triển thành nhộng rồi lột xác thành ruồi. Hiện nay, ông Sơn chưa bán trứng hay nhộng để làm thức ăn cho cá, gà mà tiếp tục nuôi tăng đàn ruồi lính đen.
Ngoài nuôi ruồi lính đen, ông Sơn tận dụng khoảng 500m2 diện tích mặt nước hiện có thả nhiều loại cá nước ngọt khác nhau, như: cá tra, điêu hồng, trắm cỏ, trôi và cá chép… Việc sử dụng thức ăn có sẵn vườn nhà, thức ăn viên công nghiệp, ông Sơn lấy nhộng từ ruồi lính đen làm thức ăn cho cá hàng ngày nên các loại cá trong ao của gia đình lớn nhanh, đã thu hoạch nhiều đợt và cho lãi khá. Thấy xung quanh bờ ao nuôi cá đất còn trống nhiều, ông Sơn trồng thêm dừa, mít, mận, chuối. Không dừng lại ở đó, ông Sơn còn tận dụng mặt nước mương vườn để nuôi ếch thịt. Không chỉ nuôi ếch thịt, ông Sơn còn đang học hỏi kỹ thuật để cho ếch sinh sản. Thời gian gần đây, ông Sơn xây dựng thêm chuồng để nuôi thêm gà, vịt mong muốn tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Ông Sơn chia sẻ: “Trước năm 1988, tôi dạy học ở Thạnh Trị, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đồng lương giáo viên ít ỏi nên bỏ nghề về đây lập nghiệp. Năm 1991, mua được miếng đất nhưng toàn cây ráng mọc hoang, phải ra sức cải tạo nhiều năm mới được như ngày hôm nay. Đất ở đây trồng lúa bị chuột cắn phá dữ quá, không hiệu quả, gia đình thấy vậy lên vườn và xây dựng chuồng trại để chăn nuôi heo. Ban đầu, nuôi heo có lãi, đời sống kinh tế gia đình phát triển, con cái được học hành. Những năm gần đây, nuôi heo bị dịch bệnh đành phải bỏ chuồng trống. Hội Nông dân Phường 2 và Hội Nông dân thành phố thấy tôi chí thú làm ăn nhưng thiếu vốn sản xuất nên tạo điều kiện cho tôi vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân được 60 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, tôi đào ao nuôi cá, ếch, gà và ruồi lính đen. Hiện nay, mô hình kết hợp của tôi mỗi năm thu lãi trên 30 triệu đồng, kinh tế gia đình tạm ổn định và trả được 20 triệu đồng tiền vốn vay”.
Qua trao đổi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Sóc Trăng Phạm Hữu Thắng cho biết: “Để các mô hình phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế, thời gian qua, Hội Nông dân thành phố phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đến hộ gia đình, đồng thời vận động, tuyên truyền đẩy mạnh các phong trào thi đua sản xuất, phát triển kinh tế theo hướng đa cây, đa con. Riêng đối với mô hình đa con của ông Sơn bước đầu mang lại hiệu quả. Thấy ông Sơn biết tính toán, chịu khó làm ăn, hội tạo điều kiện cho ông vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình”.
Theo K.N (Báo Sóc Trăng)