Hiệu quả
Nông dân đi tham quan mô hình CĐL của Hợp tác xã Khiết Tâm ở huyện Vĩnh Thạnh.
Ông Mai Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa ở phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, cho biết: "Nhờ liên kết, hình thành mô hình CĐL gắn với hợp đồng bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp, thời gian qua tôi và nhiều hộ dân sản xuất lúa tại Tổ hợp tác đã có đầu ra ổn định, được doanh nghiệp cung cấp lúa giống và một số loại vật tư đầu vào đến cuối vụ mới thanh toán tiền. Từ khi tham gia CĐL cách nay khoảng 9 năm, tôi nâng cao được thu nhập từ 1,5-2 triệu đồng/công/vụ. Tổ hợp tác CĐL của tôi có 95 thành viên, với diện tích canh tác 166ha, chủ yếu sản xuất lúa giống theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp nên giá bán thường cao hơn ít nhất 500 đồng/kg so với lúa hàng hóa". Theo anh Lưu Văn Đình, ngụ ấp Thạnh Phước, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, nhờ tham gia CĐL và được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá từ bằng đến cao hơn thị trường 100-150 đồng/kg anh và nhiều hộ dân đã có thể an tâm sản xuất, không lo giá lúa bị giảm và khó tiêu thụ khi bước vào vụ thu hoạch rộ. Tham gia CĐL, nông dân còn có điều kiện đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện gieo cùng một giống lúa trên cánh đồng, áp dụng cùng một quy trình sản xuất… đã giúp giảm chi phí, tạo ra lượng lúa gạo hàng hóa lớn với chất lượng tốt, bán được giá cao.
Mô hình CĐL thực hiện tại TP Cần Thơ từ vụ hè thu 2011, với diện tích ban đầu chỉ 400ha, nhưng gần đây đã tăng lên ở mức trên 30.0000 ha/vụ. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, nông dân tham gia CĐL có điều kiện thuận lợi để áp dụng các quy trình sản xuất mới, 100% nông dân sử dụng giống xác nhận, gieo sạ cùng thời gian trong cùng cánh đồng, giữa các khu vực chênh lệch từ 5-10 ngày, nông dân còn ứng dụng sạ hàng, sạ thưa tiết kiệm từ 80-100kg lúa giống/ha so với trước đây, đồng thời cũng bón phân cân đối hơn, giúp giảm đáng kể lượng phân, nhất là phân đạm. Qua đó, chi phí sản xuất giảm từ 4-10% so với ngoài mô hình, năng suất tăng từ 0,07-0,4 tấn/ha, lợi nhuận của nông dân trong mô hình cao hơn so với lợi nhuận của nông dân ngoài mô hình.
Cần kịp thời tháo gỡ khó khăn
Để thúc đẩy phát triển CĐL và các mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại thành phố, Ban Quản lý Dự án VnSAT Cần Thơ vừa phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tọa đàm về giải pháp phát triển liên kết bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.
Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết, hiệu quả kinh tế của sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, việc liên kết giữa các bên liên quan để thực hiện tốt sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có tính quyết định rất lớn. Thời gian qua, Chính phủ, cùng các bộ ngành Trung ương và địa phương đã quan tâm ban hành nhiều văn bản và cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Song, do còn gặp nhiều khó khăn nên mức độ liên kết, hợp tác còn hạn chế. Để thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, tới đây ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện tốt việc quy hoạch sản xuất, hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển các cơ sở hạ tầng, thủy lợi đồng bộ. Đồng thời, tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tập huấn, nâng cao trình độ sản xuất của người dân và năng lực hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã để hướng đến sản xuất chất lượng và an toàn. Kêu gọi hợp tác trong và ngoài nước để tiếp tục triển khai được nhiều chương trình, dự án hỗ trợ cho nông dân trong sản xuất kinh doanh lúa gạo…
CĐL là mô hình rất hiệu quả trong liên kết giữa nông dân với nhau và giữa nông dân với doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đã được Bộ NN&PTNT triển khai từ năm 2011. Từ đó đến nay, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đã triển khai thực hiện mô hình tại nhiều địa phương ở Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL: Hậu Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau… Qua đó, không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và ổn định đầu ra sản phẩm cho nông dân mà còn giúp doanh nghiệp có được các vùng nguyên liệu lúa gạo chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chế biến và xuất khẩu. Mỗi năm doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 150.000 tấn gạo, tương đương khoảng 300.000 tấn lúa, trong đó lúa từ các mô hình CĐL đã chiếm khoảng 40%.
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, mô hình CĐL mang lại hiệu quả rất tốt nhưng còn chậm được nhân rộng và phát triển bởi còn vướng "nút thắt" về nguồn vốn, trong khi nguồn lực của các doanh nghiệp còn hạn chế. Muốn phát triển CĐL nguồn vốn là quan trọng bởi mô hình đã có rồi, sự liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp được Chính phủ, bộ ngành Trung ương và địa phương khuyến khích, nông dân tích cực đồng hành, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng rất cần nguyên liệu để ổn định xuất khẩu. Doanh nghiệp muốn liên kết với nông dân để xây dựng CĐL thành công, cần có vốn để xây nhà máy sấy lúa, sấy lúa rồi phải có nơi chứa, đặc biệt doanh nghiệp khi bao tiêu toàn bộ lúa cho nông dân phải thanh toán tiền lúa cho nông dân ngay sau thu hoạch, cần vốn rất lớn. Chính phủ và các cấp thẩm quyền Trung ương, địa phương cần quan tâm và có giải pháp để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển CĐL.
Theo KHÁNH TRUNG (Báo Cần Thơ)