TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang là địa phương có thế mạnh trong hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ với hàng trăm phương tiện. Nằm trong bức tranh chung, ngư dân tại TP. Mỹ Tho đang gặp nhiều khó khăn do tác động của giá xăng, dầu. Theo UBND phường Tân Long, hiện phường có 21 hộ khai thác hải sản với 40 tàu. Giá xăng, dầu tăng ảnh hưởng lớn đến hoạt động đánh bắt xa bờ của ngư dân. Chi phí tăng cao, trong khi nguồn lợi hải sản ở ngư trường giảm dẫn đến sản lượng đánh bắt thấp, người dân không có lãi như trước.
Nhiều tàu cá ở huyện Gò Công Đông gặp khó khăn do tác động của giá xăng, dầu.
Theo một ngư dân tại phường Tân Long, từ trước Tết Nguyên đán 2022 đến nay, giá dầu tăng cao khiến chi phí đánh bắt trong mỗi chuyến biển tăng rất cao, ước hơn 20%. Hiện nay, do nguồn vốn hạn chế nên mỗi chuyến ra khơi đội tàu gặp nhiều khó khăn.
Huyện Gò Công Đông là địa phương có số lượng tàu cá lớn nhất tỉnh Tiền Giang, với khoảng 890 phương tiện khai thác thủy, hải sản. Thời gian qua, giá xăng, dầu tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác hải sản của ngư dân. Theo UBND xã Tân Phước (huyện Gò Công Đông), toàn xã hiện có 112 ghe tàu, trong đó có 60 phương tiện đánh bắt hải sản xa bờ ở ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa.
Theo ông Văn Công Hưởng, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Thái Hòa 1 Tân Phước (xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông), nếu năm 2021, giá dầu chỉ khoảng 10.000 đồng/lít thì hiện đã tăng gấp hơn 2 lần, dẫn đến chi phí đánh bắt tăng rất cao. Theo ông Hưởng, hiện giá hải sản chỉ khoảng 25 - 30 triệu đồng/tấn, trong khi đó chi phí cho mỗi chuyến biển/tàu khoảng 400 triệu đồng, dẫn đến nhiều ngư dân thua lỗ.
Ngư dân Nguyễn Văn Định (ấp 4, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông) cho biết, giá dầu tăng còn kéo theo giá các dịch vụ khác như vận chuyển, nước đá… tăng theo. Trong khi đó, giá hải sản đánh bắt được lại không tăng, thậm chí thấp hơn. Hiện các chủ tàu đang rất đau đầu, ra khơi là lỗ. Tuy nhiên, nếu để tàu nằm bờ thì cũng hư hỏng.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí, theo tính toán, trung bình mỗi chuyến biển hiện nay, chi phí tăng thêm khoảng 20%. Chi phí tăng, nhưng giá bán hải sản không tăng ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngư dân, thậm chí là thua lỗ. Theo đồng chí Nguyễn Văn Quí, với tình hình khó khăn như hiện nay, hiện có hơn 30% phương tiện khai thác hải sản đang nằm bờ. Hiện địa phương đang vận động ngư dân khắc phục khó khăn để tiếp tục vươn khơi, bám biển.
Theo Báo Ấp Bắc