Tọa đàm về quản lý cát bền vững ở ĐBSCL dưới góc nhìn chuyên gia và truyền thông

19/12/2022 - 15:03

Ngày 19/12, tại Cần Thơ, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam - Văn phòng đại diện khu vực ĐBSCL tổ chức buổi tọa đàm chủ đề: “Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL và giải pháp nào cho tình trạng khan hiếm cát dưới góc nhìn chuyên gia và truyền thông” với sự tham gia nhà quản lý, chuyên gia và cơ quan báo, đài địa phương và Trung ương đóng tại khu vực ĐBSCL.

Theo báo cáo, ĐBSCL là một trong những khu vực kinh tế trọng điểm của Việt Nam, trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn, đóng góp 31,37% GDP ngành nông nghiệp, 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản...Tuy nhiên, khu vực này đang bị tác động mạnh mẽ do biến đổi khí hậu, và là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương trước hiện tượng mực nước biển dâng. Ngoài ra, tình trạng khai thác cát quá mức đã làm cho những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng trở nên trầm trọng, nhất là sạt lở bờ sông. Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, khu vực này có 621 điểm sạt lở, tổng chiều dài sạt 610km. Trong đó, đặc biệt nguy hiểm 147 điểm, dài 127km, nguy hiểm 137 điểm, dài 193km.

Các chuyên gia thảo luận giải pháp quản lý cát thời gian tới.

Các chuyên gia thảo luận giải pháp quản lý cát thời gian tới.

Nghiên cứu giới chuyên gia cũng cho thấy, lượng phù sa, bùn cát của sông Mekong đã giảm khoảng 50%, từ 160 triệu tấn vào năm 1992 xuống còn 75 triệu tấn năm 2014. Tổng lượng trầm tích (bao gồm cát) đổ về sông Tiền và sông Hậu đang ngày càng giảm dần và dự kiến chỉ còn khoảng 4,5 triệu tấn trầm tích vào năm 2040.

Đáng báo động là khoảng 66% đường bờ biển trên toàn vùng ĐBSCL đang có nguy cơ sạt lở; độ sâu của sông Tiền và sông Hậu diễn ra nhanh hơn, trung bình sâu thêm 3 - 7m…

Tại tọa đàm, các chuyên gia đưa ra nhận định cát sông ĐBSCL có vai trò quan trọng nhưng đang cạn kiệt nhanh chóng. Qua đó đưa ra khuyến nghị, cần có những chính sách và chương trình hành động khẩn để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển vật liệu thay thế. Trong bối cảnh 68% bờ biển đang đối mặt sạt lở thì việc khai thác cát biển thay thế cần được nghiên cứu và đánh giá một cách thận trọng phục vụ phát triển hạ tầng ĐBSCL. Đồng thời cần nhìn nhận cát sông là khoáng sản chiến lược trong các văn bản pháp luật liên quan và cơ chế quản lý phù hợp.

Theo Báo Vĩnh Long