Trồng chúc kiểng bán Tết

28/01/2019 - 08:36

 - Cây chúc là một trong những đặc sản của vùng Bảy Núi An Giang và được thị trường ưa chuộng bởi hương thơm độc đáo đặc trưng. Nắm bắt thị hiếu của người dân, những năm gần đây, nông dân xã Thới Sơn (Tịnh Biên) đã tìm tòi, nghiên cứu để đưa loại cây này vào chậu, đồng thời cắt tỉa, tạo hình, tạo dáng để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Những năm gần đây, ngoài các loại cây kiểng lá, kiểng hoa chưng vào dịp Tết, các loại cây ăn trái được trồng trong chậu được thị trường đón nhận nồng nhiệt. Nắm bắt nhu cầu đó, cộng với niềm đam mê nghệ thuật bon-sai, kiểng cổ, từ những cây chúc đầy gai góc, qua bàn tay khéo léo của người nông dân đã biến thành những cây kiểng với nhiều hình dáng lạ mắt để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

“Độc” và “lạ” là 2 từ để nhận định về mô hình trồng chúc kiểng trong chậu của nông dân xã Thới Sơn. Ông Lê Hồng Minh (một trong những người tiên phong trong việc nghiên cứu chiết cành, tạo dáng cho cây chúc) cho biết, những năm gần đây, cây chúc được nhiều người chọn mua để trồng. Cây chúc vốn có mùi thơm đặc trưng được yêu thích nên khi cắt tỉa thành những cây cảnh được khách hàng ưa chuộng, nhất là làm quà tặng cho bạn bè, người thân trong dịp Tết.

Cây chúc kiểng được thị trường ưa chuộng bởi kiểu dáng độc đáo

Cũng như ông Minh, anh Lâm Hoài Phong (ngụ ấp Sơn Tây, xã Thới Sơn, Tịnh Biên) dày công nghiên cứu, tạo dáng cho cây chúc để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán. Anh Phong cho biết, năm qua, gia đình anh bán được 2 cặp chúc kiểng với giá gần 10 triệu đồng. Năm nay, gia đình anh tiếp tục cho ra thị trường nhiều loại chúc kiểng với kiểu dáng mới lạ, bắt mắt. “Mấy năm trước, thấy nhiều người trồng cây chúc bán trái được giá cao nên gia đình tôi mua về trồng trước sân nhà, vừa để cung cấp trái, lá, vừa làm kiểng. Lúc rảnh rỗi, tôi thường cắt tỉa, tạo dáng cho cây. Khoảng 3 năm trước, có người ở TP. Long Xuyên đến địa phương tìm mua cây chúc. Thấy sân nhà tôi có nhiều cây đẹp họ hỏi mua. Từ đó, nhận thấy việc chơi chúc kiểng có tiềm năng nên tôi bắt đầu thử nghiệm, tạo dáng toàn bộ các cây chúc của gia đình. Năm qua, tôi bán được 2 cặp, khoảng 10 triệu đồng” - anh Phong cho biết.

Theo anh Phong, việc tạo dáng cho cây chúc khá đơn giản. Tuy nhiên, không giống như các loại cây kiểng khác, nhánh chúc khá giòn và có gai nên việc cắt tỉa, tạo dáng khó khăn hơn. Cây được tạo dáng phải trồng ít nhất 1 năm để đủ nhánh và đủ độ cứng. Bên cạnh đó, chúc trồng trong chậu phải được chiết từ cành của những cây lâu năm. Lý giải điều này, anh Phong chia sẻ: “Nếu trồng bằng hạt mất khoảng 5-8 năm cây chúc mới có trái. Trong khi đó, nếu trồng theo phương pháp chiết cành thời gian cho trái sớm hơn, khoảng 3 năm. Ngoài ra, trồng bằng phương pháp này mình có thể chủ động chọn những nhánh cây có nhiều cành, dễ dàng uốn, tạo dáng, cây sinh trưởng và phát triển tốt hơn. Đặc biệt, kỹ thuật khó nhất là kích thích cho cây kết trái theo từng chùm đẹp mắt bán mới có giá cao. Một chậu chúc cảnh bình quân giá 2-4 triệu đồng”.

Hiện nay, gia đình anh Phong sở hữu hơn 20 chậu chúc kiểng, sẵn sàng “ra lò” bán Tết. Giá mỗi cặp chúc kiểng từ 1-5 triệu đồng, tùy theo kích thước, số năm tuổi. Nhiều cây được anh Phong tạo hình chim, thú độc đáo để trang trí trong gia đình. Ngoài anh Phong, hiện xã Thới Sơn có nhiều hộ “tạo dáng” cho cây chúc. Đa số các hộ tham gia công việc này đều làm nông, tận dụng thời gian rảnh trồng thêm cây chúc để thỏa mãn thú chơi kiểng, tăng thu nhập cho gia đình. Mô hình trồng chúc kiểng đã giúp nhiều hộ dân có nguồn thu nhập khá, mua sắm vật dụng trong gia đình dịp Tết đến xuân về.

ĐÌNH ĐỨC