Thi công đường Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2, đoạn xã Sơn Đông, TP. Bến Tre. Ảnh: Thu Huyền
Còn vướng giải phóng mặt bằng
Đại diện Ban Quản lý dự án (BLDA) Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án) cho biết: Dự án cầu RM2 cách cầu Rạch Miễu hiện hữu khoảng 3,8km về phía thượng lưu sông Tiền, có điểm đầu tại ngã tư Đồng Tâm thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, điểm cuối cách mố phía bắc cầu Hàm Luông khoảng 0,71km thuộc TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Tổng chiều dài khoảng 17,6km, vận tốc thiết kế 80km/h. Trong đó, chiều dài phần cầu chính gần 2km, với thiết kế cầu dây văng, nhịp chính dài 270m, bề rộng mặt cầu 17,5m, quy mô 6 làn xe.
Diện tích bị ảnh hưởng của dự án cầu RM2 là 62,38ha. Trong đó, tỉnh Tiền Giang khoảng 26,5ha với 878 hộ bị ảnh hưởng; tỉnh Bến Tre, diện tích bị ảnh hưởng khoảng 35,8ha. Công trình cầu RM2 đã khởi công vào tháng 3-2022, nhưng sau gần 1 năm khởi công, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để bàn giao cho đơn vị thi công chậm.
Tại buổi làm việc với tỉnh Bến Tre vào ngày 16-2-2023, liên quan đến dự án cầu RM2, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện nay, Bến Tre đã bàn giao mặt bằng cơ bản khoảng 85%, còn Tiền Giang khoảng 30%. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ GTVT, lý do chậm bàn giao do hiện nay chi phí GPMB phát sinh quá lớn. Cụ thể, phía Tiền Giang phát sinh tăng thêm 1.257 tỷ đồng, Bến Tre phát sinh tăng thêm 356 tỷ đồng. Do đó, Bộ GTVT phải thực hiện trình Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cầu RM2.
Tổng mức đầu tư tăng
Theo Ban QLDA Mỹ Thuận, đã có kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh tổng mức đầu dự án cầu RM2 đến tháng 12-2022 là 6.358 tỷ đồng, tăng 1.183 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã phê duyệt vào tháng 11-2022 là 5.175 tỷ đồng. Lý do tổng mức đầu tư cầu RM2 tăng là chi phí bồi thường GPMB tăng khoảng 1.183 tỷ so với khung chính sách về bồi thường, tái định cư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8-2021. Trong đó, tỉnh Tiền Giang tăng hơn 827 tỷ đồng, Bến Tre tăng hơn 356 tỷ đồng do áp dụng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất tại thời điểm lập phương án bồi thường tăng từ 6 - 20 lần. Bên cạnh đó, qua kiểm tra thực tế về nhà ở, vật kiến trúc, cây trồng trên khu vực GPMB có thay đổi về khối lượng, loại kết cấu nhà ở, vật kiến trúc so với thời điểm tư vấn khảo sát để lập khung chính sách; tăng số lượng hộ gia đình, tổ chức phải thu hồi đất, tái định cư so với khi khảo sát.
Ngoài ra, chi phí xây dựng, thiết bị của dự án cầu RM2 tăng gần 542 tỷ đồng do biến động giá vật liệu xây dựng, cập nhật chính sách nhân công, ca máy thi công năm 2022 do địa phương đã ban hành; cập nhật, chuẩn xác khối lượng bước thiết kế kỹ thuật so với bước thiết kế cơ sở. Hiện Ban QLDA Mỹ Thuận đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, điều chỉnh bảo đảm tuân thủ quy định Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công và các tài liệu liên quan, trình Bộ GTVT để triển khai các thủ tục tiếp theo.
Tăng tốc để rút ngắn tiến độ
Để đảm bảo GPMB sớm bàn giao cho đơn vị thi công, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết: Tỉnh xác định công tác GPMB cầu RM2 là nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với đó, tỉnh đang thực hiện 5 dự án giao thông của Trung ương trên địa bàn tỉnh. Công trình cầu RM2 đã bàn giao mốc GPMB cho tỉnh Tiền Giang là ngày 31-12-2021. Như vậy trong 1 năm qua, Tiền Giang đã chủ động tất cả công tác đo đạc, kiểm đếm và lấy ý kiến của người dân theo quy định của pháp luật, đã hoàn chỉnh 100%. Việc tiến hành di dời, bồi thường và mồ mã đã xong. Đã chi bồi thường cho 3 xã của TP. Mỹ Tho với tổng kinh phí mà Ban QLDA Mỹ Thuận chuyển tổng cộng cho Tiền Giang là 822 tỷ đồng, chỉ còn lại 135 tỷ đồng của huyện Châu Thành. Hiện nay, chỉ còn 2 xã Bình Đức, Thạnh Phú, huyện Châu Thành chưa chi được do nhu cầu chi 2 xã này là 487 hộ, với kinh phí 958 tỷ đồng. Mặt khác, dự án phê duyệt ngày 29-9-2021, nhưng do thời điểm đó dịch Covid-19, sự phối hợp của đơn vị tư vấn, địa phương chưa chặt chẽ nên phát sinh chênh lệch hộ là khá lớn, tới 150 hộ. Thứ hai là giá đất, giá vật liệu xây dựng, cây lâu năm, vật kiến trúc tăng cao, chủ yếu là hộ dân đô thị chiếm 51%, 49% là đất nông nghiệp nhưng vùng cây ăn trái đặc sản là chính. Cho nên, đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho tăng tổng mức đầu tư như đã đề xuất.
“Trước mắt, để đảm bảo tiến độ, đề nghị Bộ GTVT cho ứng kinh phí để tỉnh chi trả bồi thường nhanh. Bởi vì cùng một con đường nhưng dân phía TP. Mỹ Tho đã nhận tiền bồi thường 100%, còn phía huyện Châu Thành chưa hộ nào được nhận, trong khi hồ sơ đã làm xong. Nếu trong tháng 2-2023 tạm ứng được vốn thì Tiền Giang xin cam kết trong vòng 20 ngày sẽ chi xong cho 468 hộ còn lại. Bởi trước đó, Ban QLDA Mỹ Thuận giao 822 tỷ đồng, chỉ trong vòng 3 ngày chúng tôi đã chi trên 500 tỷ đồng”, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý cho tỉnh Tiền Giang ứng kinh phí chi trả công tác GPMB theo đề nghị của tỉnh này và yêu cầu 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre huy động cả hệ thống chính trị để sớm hoàn thành GPMB, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm cuộc sống người dân nơi tái định cư phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Các nhà thầu tập trung nhân lực, phương tiện, áp dụng công nghệ, kỹ thuật, tăng ca, kíp, tổ chức thi công khoa học để rút ngắn tiến độ, phấn đấu hoàn thành công trình cầu RM2 vào tháng 10-2025 để chào mừng Đại hội XII Đảng bộ tỉnh, sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch đề ra (tháng 4-2026), bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, tránh đội vốn, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đồng thời, quan tâm đời sống công nhân. Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, cần nghiên cứu, bố trí các nút giao phù hợp để tăng tính kết nối, tạo không gian phát triển mới, khai thác tối đa, hiệu quả tuyến đường.
Theo Báo Đồng Khởi