Một lớp học của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ba Tri. Ảnh CTV
Mạng lưới cơ sở
Trên địa bàn tỉnh hiện có 22 cơ sở GDNN, gồm: 15 cơ sở công lập và 7 cơ sở ngoài công lập và doanh nghiệp. Các cơ sở GDNN công lập có 2 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDTX) và 1 trung tâm GDNN thuộc tổ chức hội, 1 trung tâm dịch vụ việc làm. Cơ sở GDNN ngoài công lập, gồm: 2 cơ sở GDNN ngoài công lập, 6 doanh nghiệp có tham gia đào tạo nghề.
Trong số các cơ sở dạy nghề công lập, có 11 cơ sở tham gia dạy nghề cho LĐ nông thôn, gồm: 1 trung tâm dịch vụ việc làm, 9 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, thành phố và 1 trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật thuộc Hội Người mù tỉnh. Năm 2022, số giáo viên tham gia giảng dạy và làm công tác quản lý tại các cơ sở GDNN trong tỉnh 604 người. Trong đó, các trường cao đẳng 289 người, trường trung cấp 29 người, trung tâm GDNN-GDTX các huyện, thành phố 220 người (cán bộ quản lý 37 người, giáo viên giảng dạy là 183 người). Trong số 183 người giảng dạy ở trung tâm GDNN-GDTX các huyện, thành phố, thì số giáo viên GDNN chỉ có 13 người; giáo viên GDTX 170 người.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ ra những khó khăn hiện nay trong công tác GDNN: Công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề ở một số địa phương còn hạn chế, phương pháp tổ chức tuyên truyền chưa phong phú, hiệu quả tuyên truyền chưa cao, dẫn đến một số LĐ nông thôn chưa nắm bắt hết các chính sách trong công tác GDNN. Một số cơ sở GDNN còn thiếu giáo viên cơ hữu giáo dục nghề, nên ảnh hưởng đến tiến độ tuyển sinh, đào tạo. Các lớp đào tạo nghề cho LĐ nông thôn đa số là sử dụng giáo viên thỉnh giảng do các trung tâm GDNN-GDTX các huyện, thành phố số lượng giáo viên GDNN còn thấp.
Nguồn kinh phí thực hiện công tác đào tạo nghề cho LĐ hàng năm phân bổ chậm. Do đó, ảnh hướng đến tiến độ đào tạo và số lượng người học để mở lớp do người LĐ đăng ký tham gia học nghề chờ đợi lâu nên đã chuyển qua công tác khác. Giáo viên dạy nghề kỹ thuật vẫn còn thiếu về số lượng và chất lượng. Chương trình, giáo trình đào tạo trình độ sơ cấp một số ngành nghề được xây dựng và giảng dạy nhưng vẫn còn nặng về lý thuyết, thời gian thực hành còn ít, thời gian đào tạo ngắn, chất lượng đào tạo, tay nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Nguyên nhân khó khăn
Phó giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Ba Tri Bùi Quốc Phong cho biết: Sau khi sáp nhập cơ học (giữa GDNN và GDTX), đến giờ này chưa có quy định, chưa xếp hạng trung tâm, dẫn đến chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên tại trung tâm hiện nay còn rất hạn chế. Kế đó, tâm lý ngại học ở trung tâm còn phổ biến trong người dân. Do đó, vẫn còn các học sinh tốt nghiệp THCS chưa tham gia vào học ở trung tâm. Công tác tuyên truyền dạy và học ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức nên người dân đi học nghề LĐ nông thôn gần như giữ không được sỉ số, khó có lớp nào vào bao nhiêu, ra bấy nhiêu. Thời gian đào tạo nghề ngắn nên khi người LĐ xin việc chưa đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
“Bên cạnh đó, việc liên kết với các trường cao đẳng để đào tạo trung cấp tại địa phương còn hạn chế, nguyên nhân chủ yếu là các trường xin không được giấy phép của Tổng cục GDNN, xin giấy phép này rất gian nan. Từ hiệu quả công tác phân luồng, năm học 2022 - 2023, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Ba Tri có 13 lớp 10, tổng số lớp ở trung tâm hiện có 13 lớp 10, 9 lớp 11 và 8 lớp 12 cùng với 9 lớp trung cấp nghề. Tổng số học sinh gần 1.400 em, trong khi cơ sở vật chất hết sức khó khăn. Đội ngũ giáo viên hiện tại chỉ có 29 người (gồm cán bộ quản lý và giáo viên). 39 lớp, 29 người thì rất khó khăn nhưng luôn động viên nhau phấn đấu”, Phó giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Ba Tri Bùi Quốc Phong chia sẻ thực trạng.
Đánh giá nguyên nhân khó khăn chung ở các trung tâm GDNN - GDTX, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, công tác tư vấn học nghề và việc làm chưa được phối hợp đồng bộ, các doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến công tác tư vấn, đặt hàng, phối hợp đào tạo. Một số cơ sở GDNN chưa theo kịp sự đổi mới cách tổ chức dạy nghề. Các cơ sở GDNN khó thu hút đội ngũ giáo viên dạy nghề do mức lương và các chế độ phụ cấp chưa hài hòa.
Được biết, năm 2022, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đang đào tạo 10.898 người, đạt 99% (kế hoạch (KH) tuyển sinh 11.000 người). Cụ thể, tuyển sinh cao đẳng 838 người, đạt 105% KH chung của tỉnh; tuyển sinh trung cấp 1.399 người, đạt 117% KH; tuyển sinh sơ cấp và dạy nghề thường xuyên 8.661 người, đạt 96% KH. Trong đó, tuyển sinh đào tạo nghề cho LĐ nông thôn đạt 2.960 người thuộc các nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp, đạt 66% (dạy nghề cho LĐ nông thôn là 4.500 người). Tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 64,22% (KH 64%). Tỷ lệ LĐ qua đào tạo nghề (có văn bằng, chứng chỉ) đạt 34,57% (KH 33,50%).
Năm 2023, toàn tỉnh dự kiến tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghề cho 11 ngàn người, trong đó cao đẳng 700 người, trung cấp 1.500 người, sơ cấp và dạy nghề thường xuyên 8.800 người (đào tạo nghề cho lao động nông thôn 3.500 người).
Theo Báo Đồng Khởi