Cà Mau: Những bước tiến của ngành y

27/02/2023 - 09:33

Hàng trăm bệnh nhân dù đã ngưng tim, nguy kịch trước khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu, tưởng chừng như không thể qua khỏi, đã được cứu sống; hàng chục bệnh nhân ung thư được xạ trị tại địa phương, không còn nỗi lo chuyển viện lên tuyến trên xa xôi để điều trị… Ðó là những thành tựu nổi bật cũng như những kỹ thuật mới mà ngành y tế Cà Mau đã triển khai áp dụng hiệu quả trong thời gian qua.

Công nghệ mới

Còn nhớ như in khoảnh khắc mẹ mình trong cơn thập tử nhất sinh do nhồi máu cơ tim, đã ngưng tim, ngưng thở khi đến bệnh viện mấy ngày trước, chị Trang Thị Út kể lại: “Mẹ tôi năm nay đã 67 tuổi, quê ở ấp Mỹ Hưng, xã Trần Thới, huyện Cái Nước. Bình thường bà vẫn còn khoẻ lắm, không có tiền sử bệnh tim. Lúc ở nhà bà nghe tức ngực, mệt, đưa đến Bệnh viện huyện Cái Nước, bác sĩ kêu chuyển gấp lên Bệnh viện Ða khoa Cà Mau. Khi đi được một đoạn đường, bà đã không còn biết gì nữa. Khi chuyển lên đây đã ngưng tim, ai cũng nghĩ rằng bà đã tử vong, không thể nào sống, nhưng sau khi được các bác sĩ cấp cứu, đặt stent thì bà khoẻ lại và nói chuyện bình thường”.

Ðó là 1 trong số 1.200 trường hợp bệnh nhân trên địa bàn tỉnh được can thiệp tim mạch cứu sống kịp thời nhờ những kỹ thuật, công nghệ mới được ứng dụng tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh hơn 2 năm nay.

Đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa Cà Mau làm chủ được nhiều công nghệ mới và kỹ thuật tiên tiến trong điều trị cho bệnh nhân.

Bác sĩ Bùi Ðức Văn, Giám đốc Bệnh viện Ða khoa tỉnh, phấn khởi: “Cà Mau là đơn vị xa nhất trong khu vực so với các bệnh viện trung tâm TP Hồ Chí Minh. Do vậy, những trường hợp cấp cứu muốn chuyển viện sẽ mất rất nhiều thời gian, nguy cơ tử vong cao. Vì thế, chiến lược phát triển của tỉnh đã xác định xây dựng xứng tầm bệnh viện tuyến tỉnh, ngang tầm khu vực, thậm chí một số lĩnh vực có thể hơn các bệnh viện trong khu vực”.

Xuất phát từ yêu cầu đó, ngành y tế tỉnh tập trung xây dựng chiến lược một số mũi nhọn đối với những bệnh mang tính cấp cứu nguy hiểm không thể kéo dài thời gian được. Trong đó, điểm sáng là can thiệp mạch vành. Ðây là bệnh lý mang tính cấp thiết, thời gian diễn biến trong vòng 6-12 giờ đầu, nếu không can thiệp kịp thời thì tỷ lệ tử vong rất cao.

Ðể làm được điều này, ngay từ năm 2017, ê kíp thực hiện được cho đi đào tạo từ 2-3 năm, rồi chuẩn bị xây dựng kế hoạch mua sắm trang thiết bị. Và chính thức ngày 17/1/2020, ca can thiệp mạch vành đầu tiên của tỉnh được tiến hành dưới sự hướng dẫn và chuyển giao của Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay đã triển khai thực hiện cho trên 1.200 bệnh nhân, trong số đó có khoảng 1/3 ca (tương đương 400 bệnh nhân) mang tính cấp cứu - đây là những trường hợp nếu không được can thiệp, điều trị, đặt stent sớm tại Cà Mau thì khi chuyển viện lên TP Hồ Chí Minh tỷ lệ tử vong rất cao.

“Thời gian gần đây, những bệnh lý này được điều trị thường xuyên hơn. Số ca đang can thiệp và điều trị trung bình 2-3 ca/ngày. Ngày can thiệp nhiều nhất là 8 ca. Phải nói đây là một bước ngoặt của ngành y tỉnh nói chung, Bệnh viện Ða khoa tỉnh nói riêng, đã đem lại lợi ích lớn cho người bệnh", Bác sĩ Bùi Ðức Văn tâm đắc.

Cùng với đó, nhiều thiết bị, kỹ thuật, công nghệ mới đưa vào chữa trị bệnh nhân cũng được triển khai như đặt máy tạo nhịp tạm thời cấp cứu cho những bệnh nhân tim mạch.

Nâng chất lượng điều trị

Trên lĩnh vực ngoại khoa, Bệnh viện Ða khoa tỉnh đã có thể thực hiện kỹ thuật thay chỏm xương đùi, trong khi trước đây các trường hợp này hầu hết phải đi tuyến trên; nối thành công bàn tay đứt lìa được 2 ca, hoạt động bình thường 70%. Ðối với ngoại thần kinh, có thể tiến hành mổ sọ não, mổ cột sống… giải quyết được một số trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, vấn đề bệnh lý mạch máu não. Ngoài ra, có thể cấp cứu đột quỵ não triển khai thuốc kháng đông, can thiệp một số trường hợp liên quan đến mạch máu não dưới sự chuyển giao của Bệnh viện Ða khoa quốc tế Cần Thơ. Ðây cũng là thành công rất đáng khích lệ của một bệnh viện thuộc địa bàn vùng xa như Cà Mau.

Hệ thống xạ trị gia tốc tuyến tính thứ hai ở ÐBSCL được đưa vào hoạt động tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Ða khoa tỉnh, giúp người bệnh ung thư điều trị tại địa phương.

Ðiều đáng mừng đối với bệnh nhân ung thư trong tỉnh, trong vòng 6 tháng qua, Bệnh viện Ða khoa Cà Mau đã triển khai phương pháp xạ trị. Bác sĩ  CKI Phan Văn Tam, Phó trưởng khoa Ung bướu, cho biết: “Ðây là kỹ thuật điều trị nằm trong Ðề án Bệnh viện vệ tinh của tỉnh Cà Mau và là hệ thống xạ trị gia tốc tuyến tính thứ hai ở ÐBSCL được đưa vào hoạt động. Với địa bàn còn khó khăn như tỉnh Cà Mau, hệ thống cơ sở y tế còn hạn hẹp thì việc tiếp cận, đầu tư và ứng dụng kỹ thuật mới này sẽ là một bước tiến quan trọng đối với ngành y tế tỉnh nhà, giúp bệnh nhân ung thư được điều trị tại địa phương, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian”. Như vậy, hiện nay bệnh viện đã trang bị đầy đủ 3 phương pháp điều trị bệnh nhân ung thư: hoá trị, phẫu trị và xạ trị. Ðây là kết quả cố gắng rất lớn của cả bệnh viện nói chung cũng như của Khoa Ung bướu nói riêng, dưới sự chuyển giao của Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh.

Ði cùng với những kỹ thuật cao được áp dụng, những thiết bị máy móc hiện đại không ngừng được tỉnh đầu tư với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Hệ thống xạ trị gần 70 tỷ đồng; hệ thống máy CT 128 lát cắt và hệ thống DSA (ứng dụng chụp mạch số hoá xoá nền trong tim mạch) đều trên 30 tỷ đồng. Ðặc biệt, Ðề án bệnh viện 1.200 giường đã được UBND tỉnh phê duyệt, đang tiến hành xây dựng, khi hoàn thành sẽ hứa hẹn góp phần rất lớn nâng cao hiệu quả chăm sóc điều trị bệnh nhân tại địa phương lên một tầm cao mới./.

Theo Báo Cà Mau