Cà Mau: Tính toán phát triển khu vực Đầm Thị Tường

15/02/2023 - 09:05

Ngày 14/2, đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, dẫn đầu đoàn công tác tiến hành khảo sát toàn diện khu vực Đầm Thị Tường.

“Khảo sát tổng quan toàn bộ khu vực Đầm Thị Tường về phân bố dân cư, địa hình, đặc điểm cảnh quan, hiện trạng sử dụng đất đai và diện tích mặt nước; các dự án, công trình đã đầu tư, khai thác và sắp triển khai... Từ đó có cái nhìn toàn cục, chi tiết, để tính toán quy hoạch phù hợp, cập nhật sát với thực tiễn. Tập trung định hướng phát triển du lịch và đầu tư phát triển kinh tế, xã hội cho toàn vùng xung quanh Đầm Thị Tường. Có giải pháp tái tạo, bảo vệ hệ sinh thái Đầm Thị Tường. Tạo sức hút để mời các nhà đầu tư chiến lược, gợi ý tính toán phát triển du lịch Đầm Thị Tường cả trên mặt nước và xung quanh đầm, để người dân cùng làm du lịch, hưởng lợi từ du lịch”, Bí thư Tỉnh uỷ nêu rõ mục đích chuyến khảo sát.

Tại các điểm dừng để khảo sát, đồng chí Nguyễn Tiến Hải (bìa phải), Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh cho ý kiến chỉ đạo cụ thể về từng vấn đề. Bí thư Tỉnh uỷ lưu ý: “Việc quy hoạch, phân bố dân cư, phát triển du lịch ở Đầm Thị Tường phải tính toán chặt chẽ nhằm gìn giữ cảnh quan, hệ sinh thái và đảm bảo việc phát triển bền vững”.

Đoàn công tác khảo sát từ trục giao thông kết nối tuyến bờ Nam sông Đốc với Đầm Thị Tường dài gần 3 km (đã thông xe), từ đó di chuyển thành một vòng quanh đầm, xuyên qua địa bàn các xã: Phong Lạc (huyện Trần Văn Thời), Hoà Mỹ (huyện Cái Nước), Phú Thuận, Phú Mỹ (Phú Tân) và đến khu vực cửa biển Mỹ Bình (thuộc xã Phú Tân, huyện Phú Tân), tiếp tục theo đường thuỷ về xã Phong Điền (huyện Trần Văn Thời) và quay lại điểm khởi đầu hành trình tại xã Phong Lạc.

Tháp tùng đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Minh Luân, Tỉnh uỷ viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo sở, ban, ngành tỉnh và lãnh đạo UBND ba huyện: Trần Văn Thời, Cái Nước, Phú Tân. Chuyến khảo sát kết hợp nhiều phương tiện để di chuyển, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ dừng tại nhiều điểm để cho ý kiến chỉ đạo, trao đổi, thông tin cụ thể về từng vấn đề.

Bí thư Tỉnh uỷ cùng các thành viên đoàn thông tin, trao đổi nhiều vấn đề khi khảo sát thực tế khu vực Đầm Thị Tường.

Đầm Thị Tường là khu bảo tồn thiên nhiên thuộc không gian du lịch phía Tây của tỉnh, cách TP Cà Mau khoảng 40 km, giao thông đường bộ đến đầm tương đối thuận lợi. Đầm có cảnh quan thiên nhiên đặc biệt, là đầm có diện tích mặt nước nằm sâu trong đất liền lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long (hơn 700 ha), là nơi cư trú, sinh sản và phát triển của nhiều giống loài thuỷ hải sản nước lợ có giá trị kinh tế; gắn với di tích lịch sử Khu căn cứ Tỉnh uỷ Xẻo Đước, các tập quán, nét văn hoá của người dân vùng sông nước, có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, ẩm thực, với nhiều sản phẩm du lịch.

Đầm Thị Tường đã được xác định là một trong các dự án trọng điểm phát triển du lịch, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian qua, đã có nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực quan tâm, muốn thực hiện dự án đầu tư tại đây, tuy nhiên đến nay chưa đủ điều kiện mời gọi đầu tư do khu vực Đầm Thị Tường đang trong giai đoạn thực hiện các bước lập quy hoạch. Vì vậy, việc sớm hoàn thiện công tác lập, điều chỉnh các quy hoạch tại khu vực Đầm Thị Tường theo quy định là rất cần thiết nhằm tạo điều kiện mời gọi, triển khai các dự án đầu tư.

Hiện nay, các hoạt động phục vụ du lịch tại khu vực đầm còn nhỏ lẻ, chủ yếu là tự phát, tập trung tại bờ phía Nam của đầm; có hộ Ba Hùng và Hợp tác xã du lịch Đầm Thị Tường hoạt động phục vụ khách du lịch bằng phương tiện phà, vỏ máy chạy tham quan đầm và phục vụ ăn uống trên các nhà sàn được xây dựng tạm bằng cây lá địa phương trên đầm. Lượng khách đến tham quan đầm thời gian qua bình quân khoảng 10.000 người/năm và nhìn chung là tự phát, chưa có công ty du lịch, lữ hành… khai thác tour du lịch với điểm đến là Đầm Thị Tường.

Thực tế khảo sát cho thấy, huyện Phú Tân hiện có 112 hộ dân và 1 hợp tác xã dịch vụ ăn uống đang sinh sống, khai thác, sử dụng đất, mặt nước khu vực ven Đầm Thị Tường, thuộc xã Phú Thuận và xã Phú Mỹ; huyện Trần Văn Thời có 40 hộ dân đang sinh sống, khai thác, sử dụng đất, mặt nước khu vực ven Đầm Thị Tường, thuộc xã Phong Lạc và xã Phong Điền; riêng huyện Cái Nước theo mốc địa giới hành chính bàn giao thì khu vực Đầm Thị Tường trên địa bàn có diện tích khoảng 0,86 ha, không có hộ dân sinh sống.

Đoàn khảo sát kết hợp nhiều phương tiện để di chuyển, cả đường bộ lẫn đường thuỷ.

Trong chuyến khảo sát, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo tập trung một số vấn đề lớn đối với hiện trạng Đầm Thị Tường hiện tại: Đó là việc bảo vệ cảnh quan, hệ sinh thái của đầm, không để người dân khai thác theo kiểu tự phát, lấn chiếm diện tích mặt nước và đất đai xung quanh đầm; nghiên cứu khơi thông, nạo vét các luồng, lạch trong khu vực đầm, chú ý khơi thông cửa biển Mỹ Bình, tính toán khắc phục tình trạng bồi lắng để Đầm Thị Tường không trở thành “đầm nước chết”; làm thật tốt công tác quy hoạch, tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân làm du lịch, nhưng phải đảm bảo tính hiệu quả và bền vững.

Bí thư Tỉnh uỷ chỉ đạo, các địa phương cần sớm xử lý chấm dứt tình trạng cư dân lấn chiếm diện tích mặt nước, đất đai ven Đầm Thị Tường.

“Các địa phương tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng giao thông, kết nối toàn bộ khu vực trên bộ quanh Đầm Thị Tường, tạo điều kiện để phát triển du lịch, phục vụ dân sinh. Các dự án đã và đang triển khai cần phải khai thác tốt công năng, quyết liệt sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng. Việc kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược phải dựa trên cơ sở hài hoà lợi ích, bền vững, phù hợp với định hướng phát triển và quy hoạch của tỉnh, mục đích cao nhất là vì sự thụ hưởng và phát triển của người dân ở khu vực Đầm Thị Tường”, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh./.

Theo QUÓC RIN (Báo Cà Mau)