Khởi công xây dựng từ tháng 1-2022, cầu Tây Ðô là niềm mong đợi của người dân tại huyện Phong Ðiền. Bởi vì cầu xây dựng hoàn thành không những giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, mà còn góp phần phát triển đô thị, thay đổi diện mạo huyện vùng ven của TP Cần Thơ.
Cầu Tây Ðô (đơn nguyên bên trái) đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Theo chân đoàn khảo sát, kiểm tra tiến độ thi công Dự án cầu Tây Ðô của TP Cần Thơ, chúng tôi chứng kiến lực lượng công nhân, phương tiện cơ giới hoạt động sôi nổi tại công trình. Một phần cầu (đơn nguyên bên trái) được xây dựng hoàn thành, phương tiện giao thông qua lại thuận lợi… Ông Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc Công ty CP Ðầu tư Xây lắp Trí Việt (đơn vị thi công), cho biết: "Ngay sau khi khởi công xây dựng, chúng tôi đã tập trung lực lượng, phương tiện cơ giới tiến hành thi công xây dựng cầu, thậm chí có khi thi công cả 3 ca (sáng, chiều, tối) theo hình thức cuốn chiếu. Ðến nay, công trình cơ bản hoàn thành khoảng 60% khối lượng. Tuy nhiên, phần thi công đường dẫn cầu còn gặp khó khăn do nhiều đoạn người dân chưa di dời, chưa bàn giao mặt bằng. Chúng tôi mong chủ đầu tư và chính quyền địa phương đẩy nhanh công tác bồi thường thiệt hại, bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công tập trung xây dựng, hoàn thành và đưa công trình vào sử dụng vào dịp Lễ 2-9 tới theo cam kết…".
Dự án cầu Tây Ðô được UBND TP Cần Thơ phê duyệt ngày 26-5-2021, giao cho Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư với tổng mức kinh phí xây dựng hơn 208 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước. Trong đó chi phí xây dựng hơn 118 tỉ đồng; thời gian thi công công trình là 630 ngày. Dự án có chiều dài toàn tuyến 700m, trong đó cầu Tây Ðô có chiều dài hơn 140m, với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 40km/h. Phần cầu có hai đơn nguyên với 5 nhịp, mặt cắt ngang rộng 22,5m với 4 làn xe. Cầu được thiết kế theo kiến trúc vòm thép kết hợp dây văng tạo cảnh quan bằng hệ thống chiếu sáng nghệ thuật. Nhà thầu thi công là Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 và Công ty Cổ phần Ðầu tư Xây lắp Trí Việt.
Qua quá trình triển khai dự án có tổng số 67 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó số hộ dân ảnh hưởng phải bố trí tái định cư là 20 nền. Vị trí bố trí tại khu tái định cư huyện Phong Ðiền - địa điểm gần nút giao đường Nguyễn Văn Cừ và cầu Vàm Xáng. Hiện nay, khu tái định cư này đã cơ bản hoàn thành cơ sở hạ tầng và đang chờ đấu nối điện, nước sinh hoạt... Ðối với công tác giải phóng mặt bằng, đến nay UBND huyện Phong Ðiền đã phê duyệt kinh phí bồi thường cho 40/67 trường hợp, với số tiền là 56,37 tỉ đồng. Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, gồm: hệ thống viễn thông đã được các nhà mạng di dời tạm tuyến cáp, giao mặt bằng thi công cho nhà thầu; hệ thống cấp nước (của Trung tâm Nước sạch nông thôn và Vệ sinh môi trường TP Cần Thơ) được Sở Xây dựng thành phố thẩm định hồ sơ thiết kế và dự toán di dời với giá trị trên 792 triệu đồng; hệ thống cấp nước (của Công ty cấp thoát nước Cần Thơ) cũng được Sở Xây dựng thẩm định xong hồ sơ phương án thiết kế và dự toán di dời với giá trị trên 308 triệu đồng và đang chờ Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Phong Ðiền xem xét pháp lý để bồi thường, hỗ trợ di dời; hệ thống điện trung hạ áp ảnh hưởng dự án được Sở Công Thương thẩm định phương án thiết kế - dự toán di dời với giá trị trên 3,34 tỉ đồng. Sở Giao thông vận tải thành phố đã gửi công văn yêu cầu Ðiện lực Cần Thơ cung cấp pháp lý về việc thi công lắp đặt các đường điện để làm cơ sở Hội đồng bồi thường xem xét bồi thường hoặc hỗ trợ di dời theo quy định...
Theo Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, khối lượng thực hiện Dự án cầu Tây Ðô đến nay đã thông xe (tạm) đơn nguyên bên trái vào ngày 13-1-2023; đồng thời, đơn vị thi công đang đắp cát nền đường dẫn, xây dựng hố ga hệ thống cống thoát nước, phá dỡ cầu cũ và chuẩn bị thi công đơn nguyên bên phải. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của công trình là chi phí giải phóng mặt bằng. Theo Quyết định phê duyệt dự án số 1125/QÐ-UBND ngày 26-5-2021, tổng chi phí giải phóng mặt bằng được phê duyệt là 59,27 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo khái toán của Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Phong Ðiền, tổng kinh phí giải phóng mặt bằng Dự án cầu Tây Ðô khoảng 98,26 tỉ đồng, tăng 38,98 tỉ đồng (theo thời giá hiện tại, giá đất trên địa bàn có nhiều biến động). Bên cạnh đó, hiện nay dự án còn có 27 hộ dân chưa được phê duyệt kinh phí bồi thường, do chi phí giải phóng mặt bằng của dự án vượt tổng mức đầu tư, đang chờ cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư để làm cơ sở bố trí vốn cho công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư. Việc chậm điều chỉnh tổng mức đầu tư đã làm ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng và ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công, hoàn thành dự án đúng theo thời gian trong hợp đồng mà đơn vị thi công đã ký kết. Mặt khác, việc di dời hạ tầng kỹ thuật (điện, nước) còn chậm, chờ Ðiện lực Cần Thơ, Ðiện lực Phong Ðiền cung cấp pháp lý để làm cơ sở Hội đồng bồi thường xem xét trình phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ...
Mới đây, trong buổi kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án cầu Tây Ðô, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chỉ đạo: "Ngay bây giờ, huyện Phong Ðiền tập trung giải phóng mặt bằng còn vướng mắc đối với một số hộ dân còn lại, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công; phối hợp chủ đầu tư, sở, ngành chức năng thực hiện kiểm tra, yêu cầu đơn vị quản lý di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật, điện, nước khẩn trương để công trình thuận lợi xây dựng. Sở Giao thông vận tải thành phố (chủ đầu tư dự án) nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, báo cáo UBND thành phố trình HÐND phê duyệt về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án phù hợp thời điểm hiện tại; đồng thời có trách nhiệm đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công đối với Dự án cầu Tây Ðô. Các sở, ngành chức năng thành phố theo dõi, bố trí vốn kịp thời để dự án thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình và hoàn thành đúng kế hoạch đề ra…".
Theo Báo Cần Thơ