Sơ chế, đóng gói trái dừa tươi xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở tỉnh Bến Tre.
Yêu cầu cấp thiết
Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đối với từng thị trường khác nhau thì các quy định liên quan đến cấp mã số vùng trồng có thể khác nhau. Song, tựu trung lại mục tiêu của việc cấp, quản lý và giám sát vùng trồng đã được cấp mã số là nhằm đảm bảo truy xuất được đến từng vườn trồng, cơ sở đóng gói về các loại sinh vật gây hại đã phát hiện trên vườn trồng, các biện pháp quản lý sinh vật gây hại đã được sử dụng trên vườn trồng, đặc biệt là ghi nhận các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng. Ðồng thời, mã số vùng trồng được cấp không phải là vô thời hạn mà theo định kỳ, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành giám sát để đảm bảo vùng trồng đó vẫn đang được quản lý tốt, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trường hợp không đạt yêu cầu theo quy định của nước nhập khẩu, mã số sẽ bị thu hồi.
Ðối với thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như: EU, Mỹ, New Zealand, Hàn Quốc... các quy định về vùng trồng, cơ sở đóng gói được thể hiện trong các bản điều kiện nhập khẩu hoặc kế hoạch thực hiện (workplan) đối với từng loại nông sản cụ thể, một số loại sản phẩm thì thực hiện theo một văn bản quy định chung của nước nhập khẩu. Riêng thị trường Trung Quốc yêu cầu trái cây xuất khẩu chính ngạch sang họ phải xuất phát từ vùng trồng, cơ sở đóng gói được Bộ NN&PTNT cấp mã số và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt được thông báo từ năm 2018 và chính thức áp dụng từ 2019.
Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, với các thị trường “khó tính”, chúng ta đã cấp được 998 mã số vùng trồng, trong đó, nhiều nhất là các mã số được cấp cho thị trường Hoa Kỳ với 471 mã, tiếp đó là Úc và New Zealand 393 mã... Ngoài ra, đã có 47 mã số cơ sở đóng gói được cấp cho nông sản xuất khẩu sang các thị trường này.
Ðối với thị trường Trung Quốc, tính đến tháng 8-2020 đã có 47 tỉnh, thành gửi văn bản đề nghị và đã cấp được 1.735 mã số vùng trồng với diện tích trên 180.000ha cho 9 loại trái cây tươi (thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, dưa hấu, chuối, mít và măng cụt) đã được xuất khẩu chính ngạch và 1.832 mã số cơ sở đóng gói. Trong số này, xoài, nhãn, thanh long là các sản phẩm có nhiều mã số vùng trồng được cấp nhất. Riêng đối với ÐBSCL hiện đã có 628 mã vùng trồng được cấp và 924 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Do lượng trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc rất lớn, lên tới 3-4 triệu tấn/năm, chủng loại đa dạng nên để không làm gián đoạn việc xuất khẩu, ảnh hưởng đến nông dân, ngay từ năm 2018, Bộ NN&PTNT đã có văn bản hướng dẫn các địa phương rà soát, đăng ký các vùng sản xuất và cơ sở đóng gói tại địa phương có nhu cầu được cấp mã số theo các yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Các địa phương đã tiến hành rà soát, lập hồ sơ gửi về Cục Bảo vệ thực vật để đề nghị cấp mã số. Trên cơ sở đề nghị của địa phương, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp mã số cho các vùng trồng, cơ sở đóng gói và gửi danh sách này để Tổng cục Hải quan Trung Quốc xác nhận và đồng ý.
Quản lý mã số vùng trồng
ÐBSCL có hơn 362.000ha cây ăn trái, chiếm hơn 34% tổng diện tích cây ăn trái cả nước, với khả năng cung cấp cho thị trường trên 4 triệu tấn trái cây các loại phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Ðể tăng cường công tác quản lý và thúc đẩy cấp mã số vùng cho cây ăn trái, nhiều địa phương vùng ÐBSCL kiến nghị Bộ NN&PTNT và các cấp thẩm quyền cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện hành lang pháp lý và tăng cường tập huấn, tuyên truyền về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, cũng như cập nhật các quy định từ các nước nhập khẩu, giúp các địa phương chủ động thực hiện. Thúc đẩy hình thành liên kết chuỗi sản phẩm từ vùng trồng, nhà đóng gói, nhà xuất khẩu, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước để ngăn chặn tình trạng đưa sản phẩm từ ngoài vùng trồng vào chuỗi sản phẩm, cũng như giúp kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Tỉnh Tiền Giang là địa phương có diện tích trồng cây ăn trái đứng đầu ÐBSCL, với hơn 80.000ha, sản lượng đạt khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Do yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu, đòi hỏi phải truy xuất nguồn gốc sản phẩm nên công tác xây dựng và cấp mã vùng được tỉnh Tiền Giang rất chú trọng. Tiền Giang đề ra mục tiêu đến năm 2025, quyết tâm xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo truy xuất nguồn gốc cho trên 50% diện tích các loại cây trồng trên địa bàn của tỉnh”.
Ông Huỳnh Tấn Ðạt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ðồng Tháp, kiến nghị: “Bộ NN&PTNT cần hỗ trợ và hướng dẫn đồng bộ, giúp các địa thực hiện tốt hơn việc cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và cần có các chế tài mạnh mẽ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tạo sự răn đe cao để phòng ngừa các vi phạm”. Theo ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, công tác quản lý và cấp mã vùng trồng cần được Trung ương phân cấp mạnh mẽ hơn về địa phương để chủ động thực hiện. Ðồng thời, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý khi có vấn đề xảy ra”.
Tại hội nghị triển khai giải pháp phòng chống hạn, mặn và công tác quản lý cấp mã số vùng trồng cây ăn trái tại ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, cấp và quản lý mã số vùng trồng rất quan trọng nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và xuất xứ sản phẩm, các cơ quan chuyên môn thuộc bộ và địa phương cần dành nhiều thời gian, nguồn lực cho công tác này. Cả nước có hơn 1 triệu héc-ta cây ăn trái nhưng diện tích được cấp mã số vùng trồng còn ít, cần đẩy mạnh lên. Cần chú ý nâng cao hiệu quả tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức và hành động của người dân. |
Theo KHÁNH TRUNG (Báo Cần Thơ)