Công nghệ giúp làng bột thích ứng với nhu cầu mới

10/09/2020 - 15:12

Làng nghề làm bột xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc từ lâu nổi tiếng với thương hiệu bột gạo Sa Đéc nhờ chất lượng vượt trội và hương vị mang đặc trưng riêng biệt. Trải qua nhiều thăng trầm, những người làm bột nơi đây luôn giữ gìn và phát huy nghề truyền thống bằng việc tận dụng lợi thế hiện có cùng với công nghệ hiện đại để tăng thêm nhiều giá trị...

Cơ sở sản xuất bột của ông Tư Nương được đầu tư khá hiện đại

Thăng trầm làng nghề...

Cũng như bao người ở làng bột Sa Đéc, gia đình ông Nguyễn Văn Nương (Tư Nương), chủ cơ sở sản xuất bột gạo Tư Nương (xã Tân Phú Đông), chủ nhiệm Hội quán Làng bột Sa Đéc cũng theo nghề làm bột truyền thống. Ông Tư Nương nói: “Tôi cũng không biết chính xác thời điểm làng bột ra đời là từ lúc nào, chỉ biết rằng từ thời ông nội tôi đã theo nghề này, rồi đến đời cha và bây giờ tôi tiếp nối truyền thống của gia đình. Nhưng hồi xưa làm bột cực lắm, các công đoạn đều làm thủ công từ xay, vắt, phơi rồi ra thành phẩm... nên sản lượng làm ra rất ít. Cả làng có hơn 1.000 hộ sản xuất, nhưng chỉ có vài hộ sản xuất giỏi, làm cật lực từ sáng đến tối mới được khoảng 100kg/ngày...”.

Thế rồi thời kỳ khó khăn ấy cũng qua, công nghệ đi vào cuộc sống, ông Tư cũng như những hộ làm bột nơi đây bắt nhịp với quy trình sản xuất mới, thay đổi dần các thiết bị hiện có để phù hợp với xu hướng mới. Theo ông Tư, máy li tâm được áp dụng đầu tiên, sau đến máy hút chân không rồi tiến tới các thiết bị inox thay cho các thiết bị bằng sắt. Nhờ việc cơ giới hóa vào sản xuất đã giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí, công lao động cho sản xuất, đặc biệt là nâng cao sản lượng và chất lượng của thương hiệu bột Sa Đéc.

“Hồi xưa, để làm được 10kg bột là cả nhà chừng chục người phải quay quần từ sớm đến tối, thế nhưng hiện tại với công suất sản xuất 4 tấn bột/ngày (thực hiện đơn đặt hàng bình quân 20 – 40 tấn/tháng) cơ sở tôi chỉ cần 4 – 5 lao động, giúp tiết kiệm nhân công và chi phí sản xuất. Hiện tại hơn 300 hộ sản xuất bột đều đã áp dụng cơ giới hóa, có gia đình đã thay đổi thiết bị hoàn toàn bằng inox hết, còn gia đình chưa thay thế thiết bị này thì vẫn sử dụng thiết bị bằng sắt nhưng vẫn đảm bảo máy móc hỗ trợ”- ông Tư Nương chia sẻ.

Giải quyết khó khăn cho làng bột

Công nghệ được xem là giải pháp “cứu cánh” cho làng nghề một cách hiệu quả. Đặc biệt, là thời điểm dịch tả heo châu Phi cộng với dịch Covid-19 hoành hành.

Ông Tư Nương cho biết, từ xưa đến nay nghề làm bột “sống được” là nhờ tận dụng nguồn phụ phẩm nuôi heo. Thế nhưng, đầu năm 2019, dịch tả heo châu Phi quét qua heo chết hết, người làm bột vừa lao đao vì mất nguồn thu nhập vừa “bế tắt” trong câu chuyện giải quyết nguồn bột cặn. Thế nhưng, “trong cái rủi có cái may”, trong lúc dịch tả heo châu Phi quét qua cùng với dịch Covid-19 hoành hành, các công ty sản xuất thức ăn trong tỉnh không nhập nguyên liệu từ nước ngoài được nên đã nghiên cứu loại bột cặn (bột ba) để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Cùng với đó được sự hỗ trợ 50% chi phí đầu tư máy sấy năng lượng mặt trời của Trung tâm Khuyến công tỉnh giúp các hộ sản xuất trong Hội quán Làng bột sấy bột bán cho công ty.

Anh Huỳnh Văn Cười - chủ cơ sở bột Mười Cười chia sẻ, trước đây, hộ của anh vừa sản xuất bột vừa kết hợp chăn nuôi heo để tận dụng nguồn phụ phẩm cặn bột. Tuy nhiên, sau đợt dịch tả heo châu Phi, heo chết hết, bột cặn dư thừa không biết bán đi đâu khiến anh lao đao. “Thời điểm đó bột cặn có khi xuống giá còn 400 đồng/kg cũng không có ai mua, đổ xuống sông thì gây ô nhiễm. Trước khó khăn này, tôi cùng với những anh em trong Hội quán Làng bột cùng ngồi lại tìm hướng giải quyết. Được sự góp ý của anh em cùng sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp trong việc xây dựng mô hình máy sấy bột dùng điện và năng lượng mặt trời, anh mạnh dạn đầu tư 613,5 triệu đồng, trong đó Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng. Nhờ việc đầu tư hệ thống máy này đã giải quyết được bài toán bột cặn cho Hội quán một cách hiệu quả. “Với công suất sấy 1,3 tấn/ngày (bột cặn khô), ngoài lượng cặn bột của cơ sở (600kg cặn bột mỗi ngày) tôi còn thu gom lượng cặn bột của những hộ sản xuất trong Hội quán Làng bột để sản xuất thêm. Nhờ đó, vừa giải quyết bài toán cặn bột tại làng bột, vừa góp phần giảm ô nhiễm môi trường” - anh Mười Cười cho biết.

​Từ hệ thống máy sấy điện mặt trời, Cơ sở Kim Hương đã đầu tư thêm quy trình sản xuất bột khép kín để cung cấp sản phẩm sạch cho các thị trường khó tính

Tạo sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu thị trường

Ông Nguyễn Quốc Chánh - Phó phòng Kinh tế TP.Sa Đéc cho biết, hiện Hội quán Làng bột có 63 thành viên, trong đó có 4 thành viên Hội quán được hỗ trợ đầu tư máy sấy bột. Chính từ việc hỗ trợ này, hiện nay đã có nhiều thành viên Hội quán chủ động đầu tư trang thiết bị sản xuất theo quy trình khép kín, tạo ra sản phẩm bột sạch để xuất khẩu và cung ứng cho khách du lịch khi đến với Làng bột và Làng hoa Sa Đéc.

Cơ sở sản xuất bột gạo Kim Hương ở ấp Phú Hòa, xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc là một trong những cơ sở chủ động đầu tư hệ thống sản xuất khép kín cho biết: “Năm 2019, cơ sở được hỗ trợ đầu tư hệ thống sấy điện năng lượng mặt trời từ Trung tâm Khuyến công tỉnh. Thấy việc sản xuất từ hệ thống này khá hiệu quả và doanh nghiệp cũng đang hướng tới việc sản xuất sạch để đáp ứng các thị trường khó tính nên cơ sở đã đầu tư thêm quy trình khép kín từ khâu làm bột đến thành phẩm để cung cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu với công suất 4 tấn/ngày. Theo chị Hương - chủ cơ sở, hiện tổng công suất sản xuất bột mỗi ngày của cơ sở là 10 tấn (6 tấn sản xuất quy trình cũ), chị cũng đang hướng đầu tư dần toàn bộ quy trình đến sản xuất khép kín.

Ông Tư Nương - Chủ nhiệm Hội quán Làng bột cho biết, hiện nay các cơ sở sản xuất bột trên địa bàn thành phố cũng đã bắt nhịp và áp dụng dần các quy trình sản xuất mới, tuy nhiên hiện sản lượng làm ra chưa nhiều, chủ yếu để phục vụ khách du lịch và một số đơn hàng khó tính. Nhận thấy được nhu cầu thị trường về việc ưu tiên sử dụng các sản phẩm sạch nên hiện nay, Hội quán cũng như thành phố vẫn đang tiếp tục khuyến khích các thành viên có điều kiện đầu tư trang thiết bị sản xuất theo quy trình khép kín để tạo ra sản phẩm sạch cung ứng cho thị trường xuất khẩu.

Hiện với các sản phẩm của làng bột như: bột ướt, bột khô đóng gói, chuyển đi bán cho các nhà máy, xí nghiệp làm bánh, nui, các loại sợi, sản phẩm ống hút gạo... đều đã chinh phục được thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, làng bột cũng vẫn tiếp tục ấp ủ “giấc mơ” chuyển giao công nghệ tiên tiến nữa, nhất là công nghệ sản xuất bột của Thái Lan để nâng cao giá trị hơn nữa của bột Sa Đéc.

Theo lãnh đạo TP.Sa Đéc, địa phương hiện có khoảng 346 hộ sản xuất bột, tập trung ở xã Tân Phú Đông, Phường 2 và xã Tân Quy Tây. Bình quân mỗi ngày, các hộ sản xuất bột sử dụng từ 100 tấn nguyên liệu (gạo, tấm gạo) cho ra khoảng 125 tấn bột tươi/ngày (tương đương 65 tấn bột khô/ngày) và 42 tấn bột cặn (bột ba). Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục chỉ đạo các ngành chuyên môn phổ biến, vận động, hướng dẫn các cơ sở, hộ sản xuất bột đăng ký nhu cầu hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất bột từ nguồn khuyến công địa phương và chương trình hỗ trợ khuyến công của tỉnh. Đồng thời nâng Hội quán Làng bột Sa Đéc lên thành hợp tác xã để giải quyết về thị trường tiêu thụ sản phẩm và nguyên liệu đầu vào, giúp các hộ sản xuất bột nâng cao giá trị cho sản phẩm, tăng lợi nhuận.

Theo MẪN NHY (Báo Đồng Tháp)