Đất Sen hồng hưởng ứng thi đua mang lại nhiều hiệu quả thiết thực

27/02/2023 - 09:32

Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua do Trung ương phát động mang lại nhiều kết quả thiết thực. Đặc biệt, việc triển khai các phong trào thi đua trên địa bàn có nhiều đổi mới sáng tạo, thực hiện rộng khắp trên mọi lĩnh vực với nhiều hình thức phong phú, có tiêu chí, nội dung rõ ràng cụ thể... thu hút đông đảo người dân tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh (thứ 4 từ phải sang) cùng Đoàn công tác khảo sát công trình Nhà máy chế biến nông sản thực phẩm Thành Ngọc (thuộc Cụm Công nghiệp Cái Tàu Hạ - An Nhơn, huyện Châu Thành)

Hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng dịch Covid-19”, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành kế hoạch về việc thực hiện quyết liệt và hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Qua đó, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã vào cuộc mạnh mẽ, kiểm soát tốt dịch bệnh và thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội” của tỉnh mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2022 đạt 9,11%, trong đó khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 1,86%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 13,90% (công nghiệp tăng 13,77%; xây dựng tăng 14,55%); khu vực thương mại - dịch vụ (kể cả thuế) tăng 12,62%; quy mô kinh tế tiếp tục mở rộng, ước đạt 100.172 tỷ đồng (theo giá thực tế); GRDP bình quân đầu người ước đạt 62,6 triệu đồng (tương đương 2.675 USD).

Đồng Tháp cũng thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, qua đó diện mạo nông thôn ở vùng Đất Sen hồng có nhiều thay đổi, trong đó huy động được sức dân trong xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2022, công nhận thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số 107/115 xã đạt chuẩn (chiếm 93,04%, vượt mục tiêu 5 năm đạt 90%), trong đó có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong năm 2022, huyện Cao Lãnh là địa phương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, tỉnh đã tiến hành rà soát, đánh giá, hoàn thiện các tiêu chí với mục tiêu phấn đấu huyện Châu Thành, Lấp Vò và Lai Vung là các địa phương tiếp theo đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng mô hình Làng thông minh từ mô hình Hội quán nông dân ở TP Cao Lãnh. Cũng liên quan đến xây dựng nông thôn mới, năm 2022, toàn tỉnh có thêm 19 mô hình sản xuất tiên tiến được nhân rộng, trong đó, có 6 mô hình được đánh giá cao về mặt kỹ thuật và mang lại hiệu quả kinh tế. Tiêu biểu: mô hình thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP (Dự án xây dựng mô hình thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP) đang triển khai thực hiện tại xã Bình Hàng Tây (huyện Cao Lãnh) giúp tăng năng suất, giảm giá thành mang lại lợi nhuận cao hơn 30% so với ngoài mô hình. Hay, mô hình hoàn thiện và mở rộng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc với quy mô mô hình sản xuất lúa giống theo quy trình “1 phải, 5 giảm” tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười) với quy mô 100ha.

Thực hiện Quyết định số 666 ngày 2/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025, các cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh đều xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Năm qua, tỉnh triển khai tốt các chính sách hỗ trợ cải thiện đời sống thông qua việc cấp 121.079 thẻ bảo hiểm y tế; miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 33.769 học sinh; hỗ trợ xây mới 520 căn nhà ở cho hộ nghèo, hộ khó khăn... Qua kết quả sơ bộ rà soát đánh giá biến động hộ nghèo, cận nghèo cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,96% (tương đương 4.270 hộ) và tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vào cuối năm 2022 là 2,17% (tương đương 9.701 hộ). Tỷ lệ hộ cận nghèo từ 5,09% với 27.767 hộ, giảm còn 3,23% với 14.442 hộ, tỷ lệ giảm hộ cận nghèo 1,86%. Theo lộ trình đến năm 2023, tỉnh sẽ tổ chức sơ kết giữa kỳ và khen thưởng theo thẩm quyền, đến năm 2025 sẽ tổ chức tổng kết phong trào thi đua và khen thưởng cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong thực hiện tốt phong trào thi đua.

Năm 2023, tỉnh tiếp tục triển khai, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua – khen thưởng. Trong đó, chú trọng đề ra các giải pháp đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua và công tác khen thưởng nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân quyết tâm thực hiện hoàn thành tốt những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh đã đề ra.

Theo Báo Đồng Tháp