ĐBSCL nỗ lực tái đàn heo, chăn nuôi an toàn sinh học

16/06/2020 - 13:54

Do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi (DTHCP) nên tổng đàn heo của cả nước giảm trên 22,2 triệu con (giảm 18,5%), trong đó đàn heo nái giảm 3,2 triệu con (giảm khoảng 20%) và tổng sản lượng heo hơi xuất chuồng giảm khoảng 2,1 triệu tấn (giảm 6,5%) so với cùng kỳ. Trước tình hình này, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đang nỗ lực tái đàn, gắn với chăn nuôi an toàn sinh học, tránh dịch bùng phát và đảm bảo môi trường trong chăn nuôi.

Giá heo cao kỷ lục

Có thể thấy, ảnh hưởng của đợt DTHCP làm cho tổng đàn heo cả nước giảm đáng kể. Riêng tại ĐBSCL, Tiền Giang là tỉnh có tổng đàn lớn nhất vùng nhưng cũng đã giảm còn khoảng 325.000 con, chỉ bằng 59% so với quý I-2019. Ông Nguyễn Quốc Hưng (ngụ huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), cho biết: Lúc chưa xảy ra dịch, gia đình có 200 con heo thịt và hơn 20 con heo nái. Nhưng hiện giờ là không còn con nào, giá heo ngoài thị trường (heo thịt, heo giống) rất cao nhưng không có bán. Theo ông Hưng, gia đình dự tính tái đàn, nhưng còn đắn đo vì không biết dịch có tái nhiễm hay không, cùng với đó là giá heo giống hậu bị giờ quá cao nên chưa chắc tái đàn.

Theo ghi nhận giá heo giống ngoài thị trường, loại heo giống nuôi thịt (thường gọi là heo cai sữa, heo xách tay) 28 ngày tuổi (6-7kg) là 2,7 triệu đồng/con; loại 60 ngày tuổi, trọng lượng khoảng 20kg/con, giá 180.000 đồng/kg, tương đương 3,6 triệu đồng/con. Heo hậu bị (để nuôi heo nái đẻ con) giá khoảng 11,5 triệu đồng/con. Ngoài ra, giá heo thịt được bán ngoài chợ cũng “cao ngút”. Tại các chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, giá thịt heo dao động từ 150.000-170.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với thời điểm này năm rồi.

Hiện nay những hộ chăn nuôi bị thiệt hại số lượng lớn do DTHCP thì chưa thể tái đàn để kịp thời cung ứng cho thị trường. Mặc dù ngành chức năng của mỗi tỉnh có hỗ trợ cho người dân heo giống nhưng chỉ tiêu mỗi huyện số lượng không đáng kể nên chỉ là giải pháp tạm thời.

Khuyến khích chăn nuôi an toàn sinh học

Mô hình chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học đạt hiệu quả cao.

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, kể từ ngày 21-4-2020, trên địa bàn tỉnh không còn xuất hiện DTHCP, nên lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn thực hiện giám sát chặt chẽ việc tái đàn. Dự kiến đến cuối năm nay, Tiền Giang sẽ khôi phục đàn heo trong tỉnh về tương đương với trước khi xảy ra dịch bệnh.Vừa qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phối hợp với Chi cục Thú y vùng VI và Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh tổ chức điều tra, thu thập và phân tích số liệu trên 2 đối tượng chăn nuôi là hộ có heo nhiễm virus DTHCP và hộ có heo không bị nhiễm DTHCP để từ đó rút ra một số kinh nghiệm chăn nuôi an toàn sinh học, khuyến cáo đến hộ chăn nuôi. Thứ nhất, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc khử trùng trước khi nuôi. Thứ hai, tăng cường sức đề kháng, thực hiện các chế phẩm sinh học, vitamin trong quá trình chăm sóc heo. Bên cạnh đó, các trang trại giăng mùng để tránh cho gia súc tiếp xúc với ruồi, muỗi...

Đồng Tháp là tỉnh có tổng đàn heo lớn thứ 2 ở ĐBSCL sau tỉnh Tiền Giang, tỉnh đang từng bước phục hồi tỷ trọng của ngành chăn nuôi heo, phấn đấu giá trị sản xuất năm 2020 đạt trên 2.300 tỉ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2019. Theo đó, kế hoạch tái đàn của tỉnh gắn với tái cơ cấu chăn nuôi heo giai đoạn 2020-2025, có ít nhất 30% số hộ chăn nuôi lớn (tối thiểu từ 50 con đối với heo sinh sản, 100 con đối với heo thịt) đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết:  Tỉnh đang nỗ lực tái đàn, dự kiến tổng đàn heo sau khi tái đàn trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2020 đạt trên 22.000 con. Tỉnh khuyến khích các trang trại, hộ dân thực hiện tái đàn heo một cách thận trọng, đặc biệt chú trọng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bảo vệ môi trường. Hiện ngành chức năng của tỉnh An Giang sẽ hỗ trợ người dân tái đàn heo theo định mức hỗ trợ 50% giá trị con giống nhưng không vượt quá 3,2 triệu đồng/con. Số lượng hỗ trợ cho một hộ chăn nuôi từ 5-40 con.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN, cho biết, do bị ảnh hưởng bởi DTHCP nên lượng thịt cung ứng có sự thiếu hụt, vì vậy không để tái diễn dịch tả, các ngành liên quan cần tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, sử dụng chế phẩm sinh học, đảm bảo số lượng thịt đủ cung ứng cho thị trường. Đây là giải pháp quan trọng nhất, cần tập trung quyết liệt; đồng thời yêu cầu Cục Chăn nuôi, Cục Thú y sớm tuyên truyền các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, mô hình phòng chống DTHCP hiệu quả đến các tỉnh, thành cả nước cùng thực hiện để thúc đẩy tái đàn.

Theo PHÁT TIẾN (Báo Cần Thơ)