Giá lúa cao, nông dân đẩy mạnh sản xuất

09/09/2020 - 14:43

Những ngày này, nông dân vùng ĐBSCL đang thu hoạch rộ vụ lúa Hè thu trong điều kiện thuận lợi bởi giá ở mức cao, đảm bảo có lãi khá. Lúa gạo được giá và hút hàng, trong khi mùa lũ năm 2020 dự báo ở mức thấp, đây là cơ hội tốt để nông dân gia tăng sản xuất lúa Thu đông.

Nông dân sản xuất lúa ở Hậu Giang đang có vụ mùa thắng lợi. Ảnh: H.THU

Tăng cường sản xuất

Theo Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, tính đến đầu tháng 9-2020, nông dân các huyện thu hoạch khoảng 227.000ha lúa Hè thu đạt 98% kế hoạch, năng suất bình quân 5,7-5,9 tấn/ha. Điều phấn khởi là lúa vừa thu hoạch xong thì thương lái đến thu mua giống IR 50404 tại ruộng từ 5.800-6.100 đồng/kg, lúa Đài thơm từ 6.100-6.300 đồng/kg, lúa Jasmine khoảng 6.300 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.000-7.500 đồng/kg… với giá này nông dân đạt lợi nhuận từ 20-25 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí. Được giá và dễ tiêu thụ nên sau khi thu hoạch lúa Hè thu, nông dân An Giang nhanh chóng làm đất để sản xuất vụ Thu đông. Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, cho hay: “Chúng tôi lên kế hoạch sản xuất hơn 161.500ha lúa Thu đông và đến nay xuống giống được 106.000ha, số diện tích còn lại đang tiếp tục gieo sạ…”.

Tại Kiên Giang, toàn tỉnh sản xuất hơn 283.000ha lúa Hè thu và nông dân thu hoạch được khoảng 50% diện tích. Do năm 2020 lũ ở ĐBSCL về muộn và dự báo không cao; vì vậy ngành chức năng tỉnh quyết định mở rộng diện tích lúa Thu đông lên gần 83.000ha, tăng hơn 14% kế hoạch. Ông Lâm Quốc Hùng, ở xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, bộc bạch: “Gia đình tôi thu hoạch gần 2ha lúa Hè thu, lợi nhuận tốt hơn các vụ trước. Với tình hình giá lúa đang hấp dẫn nên tôi và nhiều hộ khác mạnh dạn sản xuất lúa Thu đông hy vọng được mùa, được giá”.

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long gia tăng sản xuất lúa Thu đông 2020. Ảnh: H.TÂN

Ở tỉnh Đồng Tháp, nếu như vụ Thu đông năm 2019 toàn tỉnh sản xuất hơn 118.000ha, sản lượng thu về khoảng 674.000 tấn thì vụ Thu đông này nâng diện tích lúa lên 138.000ha, sản lượng ước đạt 800.000 tấn. Các huyện Tháp Mười, Tam Nông, Lấp Vò, Cao Lãnh, Thanh Bình… là những nơi sản xuất lúa Thu đông chủ lực của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Tuyển, ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, thừa nhận: “Vùng này có đê bao bảo vệ nên việc sản xuất lúa Thu đông vào mùa lũ rất an toàn. Chưa kể, năm 2020 dự báo lũ không cao nên không ảnh hưởng gì; cộng với lúa được giá thì việc gia tăng diện tích là hợp lý”.

Tại tỉnh Hậu Giang, vụ lúa Thu đông được nông dân xuống giống ước đạt khoảng 41.000ha, hiện lúa từ giai đoạn mạ cho đến trổ chín. Trên các trà lúa có đối tượng sinh vật xuất hiện gây hại như rầy nâu, sâu cuốn lá, chuột, đạo ôn, bạc lá, khô vằn và lem lép hạt... đều được nông dân chủ động quản lý phòng trừ, khống chế mật số và tỷ lệ gây hại bảo vệ cây lúa. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, dự báo thời tiết trong những ngày tới nắng mưa đan xen, buổi sáng trời nắng, buổi trưa và chiều tối có mưa vừa, mưa to trên diện rộng, trong cơn mưa kèm theo giông, gió giật mạnh do đó với điều kiện thời tiết như trên sẽ rất thuận lợi cho sinh vật gây hại, nhất là rầy nâu, do đó nông dân cần theo dõi kiểm tra mật số để phòng trừ kịp thời. Bệnh đạo ôn, bạc lá, khô vằn và lem lép hạt vẫn tiếp tục gây hại lúa giai đoạn làm đòng và trổ chín. Ngoài ra, chuột vẫn tiếp tục gây hại rải rác trên các trà lúa đẻ nhánh đến làm đòng. Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, khuyến cáo: Nông dân cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm sinh vật gây hại; các tổ kỹ thuật hướng dẫn tư vấn bà con nông dân các biện pháp quản lý và phòng trừ kịp thời, giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh. Bà con nông dân cần bón phân cân đối, không bón thừa phân đạm, cần thiết bổ sung thêm lượng kali, silic giúp cây lúa khỏe, cứng cây hạn chế đổ ngã. Đối với các trà lúa giai đoạn làm đòng, trổ cần phun trừ bệnh bạc lá khi mới xuất hiện; bên cạnh đó cần phun ngừa đạo ôn cổ bông, lem lép hạt trước và sau khi trổ để không làm ảnh hưởng đến năng suất.

Ở vụ lúa Hè thu, nông dân Hậu Giang cũng thu hoạch khoảng 95% trong tổng số 77.339ha xuống giống, năng suất bình quân đạt 6,36 tấn/ha. Ông Nguyễn Trung Kiên, ở ấp 8, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ có gần 3ha gieo sạ lúa OM 18 còn khoảng 20 ngày nữa là thu hoạch cho biết những ngày qua thương lái vào nơi ngỏ ý đưa tiền cọc với giá 6.000 đồng/kg cân tại ruộng, nhưng gia đình chưa đồng ý bán. Ông Kiên cho rằng thị trường xuất khẩu gạo đang khởi sắc nên giá lúa sẽ còn tăng, đợi đến khi lúa gần thu hoạch mới kết giá với thương lái. Còn ông Nguyễn Văn Dũng, ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, cũng gieo sạ giống OM 18 cho biết là thương lái đang săn lùng mua các giống lúa thơm để phục vụ xuất khẩu. Với khoảng 8 công lúa, nếu thời tiết thuận lợi thì dự tính vụ này năng suất cũng đạt chừng 800 kg/công, ước tính cho lợi nhuận khoảng 2,5 triệu đồng/công.

Điều chỉnh tăng diện tích lúa Thu đông

Bộ NN&PTNT cho rằng, tình hình tiêu thụ lúa gạo có nhiều triển vọng, giá lúa đang có lợi cho nông dân, bởi khả năng xuất khẩu tốt. Mùa nước lũ ở ĐBSCL năm 2020 được dự báo thấp hơn trung bình hàng năm nên áp lực bảo vệ lúa ở các vùng đê bao lửng không cao. Ngoài ra, mùa mưa đến muộn nhưng kết thúc sớm tạo khung thời gian sản xuất thuận lợi… Thống kê cho thấy, toàn vùng ĐBSCL có 4.130 ô bao kiểm soát lũ với diện tích 1 triệu héc-ta; trong đó kiểm soát lũ an toàn là 3.656 ô bao, diện tích 903.000ha. Việc sản xuất lúa Thu đông tập trung chủ yếu trong vùng đê bao kiểm soát lũ nên sẽ an toàn.

Từ những nhận định trên, Cục Trồng trọt cho biết phương án sản xuất 800.000ha lúa Thu đông năm 2020 tăng 75.800ha so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 4,4 triệu tấn, tăng 492.000 tấn là hợp lý với thực tế hiện nay. Phương án này vừa đảm bảo được lợi nhuận tốt do lúa thương phẩm bán được giá cao, đồng thời bù đắp một phần sản lượng lúa bị thiếu hụt trong vụ Đông xuân trước do ảnh hưởng hạn, mặn. Các địa phương cần ưu tiên sử dụng giống lúa thơm chiếm tỷ lệ 20-30%, giống lúa chủ lực xuất khẩu chiếm tỷ lệ 50-60%, hạn chế xuống giống lúa nếp và nhóm giống chất lượng trung bình chỉ khoảng 10-20%... Những ngày qua, nông dân ĐBSCL đã xuống giống khoảng 600.000ha và sẽ dứt điểm gieo sạ vào giữa tháng 9-2020.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, trong 5 năm gần đây diện tích sản xuất lúa Thu đông ở ĐBSCL bình quân đạt 750.000 ha/năm; riêng năm 2016 cao nhất là 825.000ha. Hiện tại, nếu điều kiện tốt thì toàn vùng ĐBSCL chỉ mở rộng diện tích lúa Thu đông khoảng 900.000ha. Nguyên nhân do nhiều địa phương đã chuyển đổi sang cơ cấu cây trồng khác; trong khi một số tỉnh như Kiên Giang, Long An… có thể tăng diện tích lúa Thu đông nhưng hệ thống đê bao chống lũ chưa đảm bảo. Giải pháp tới đây là nghiên cứu điều chỉnh theo hướng giảm quy mô diện tích vụ lúa Hè thu và tăng quy mô lúa Thu đông một cách hợp lý.

Cần thấy rằng, thời gian qua việc sản xuất lúa ở ĐBSCL vẫn bộc lộ một số hạn chế. Điển hình như mùa vụ sản xuất lúa ở Đồng Tháp luôn đi trước một số nơi ở Bán đảo Cà Mau gần 1 vụ. Có nơi ở Bán đảo Cà Mau chưa xuống giống xong vụ Hè thu thì lúa vụ Thu đông ở Đồng Tháp chuẩn bị thu hoạch. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn nước ở Đồng Tháp thuận lợi hơn, không bị ảnh hưởng mặn. Vấn đề này cũng khó khăn cho ngành nông nghiệp trong chỉ đạo sản xuất, bởi cùng thời gian nhưng 2 nơi sản xuất 2 vụ lúa khác nhau. Do đó, tới đây cần có sự trao đổi, thống nhất về mùa vụ ở ĐBSCL trong điều kiện sản xuất theo nguồn nước. Tiến hành điều chỉnh giảm nhiều diện tích lúa vụ Hè thu chuyển sang cho vụ lúa Thu đông. Từ đó, giảm mạnh quy mô vụ Hè thu để tăng quy mô sản xuất vụ lúa Thu đông lên. Bởi vụ Thu đông thường ít sâu bệnh, giảm chi phí đầu tư và năng suất cao hơn vụ Hè thu...

Theo Cục Trồng trọt, hàng năm ở ĐBSCL sản xuất khoảng 1,5-1,6 triệu héc-ta lúa Đông xuân; từ 1,5- 1,6 triệu héc-ta lúa Hè thu; khoảng 750.000ha lúa Thu đông. Dự kiến tới đây sẽ chuyển từ 200.000- 400.000ha lúa Hè thu trở lên ở những vùng gieo sạ muộn do ảnh hưởng nguồn nước, để chuyển sang cho vụ Thu đông nhằm thuận lợi trong chỉ đạo sản xuất, phòng trị bệnh… Về cơ bản, tổng diện tích sản xuất không thay đổi.

Theo H.TÂN - H.THU (Báo Hậu Giang)