Chất lượng dạy học ở ĐBSCL ngày càng nâng cao nhưng vẫn cần làm nhiều việc để theo kịp cả nước.
Từng bước tháo gỡ những “nút thắt”
Ở nhiều tỉnh, thành trong vùng, thực trạng thiếu giáo viên nhiều năm nay, nhất là thiếu giáo viên mầm non, tiểu học cho học 2 buổi/ngày nhưng lại thừa giáo viên THCS, THPT. Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, chia sẻ: “Giáo dục đào tạo của vùng có ba nút thắt: Một là thiếu trường, lớp, phương tiện; hai là thiếu nguồn nhân lực (giáo viên), ba là kinh phí. Tỉnh Cà Mau hiện có 1.500 vị trí việc làm trong ngành giáo dục nhưng chưa tuyển được. Năm 2022 thi tuyển ở cấp huyện, thành phố nhưng chưa tới 200 người. Việc khó tuyển giáo viên ở các môn học chuyên như tin học, tiếng Anh, âm nhạc, mỹ thuật… là bài toán khó. Vì thế, vùng cần có cơ chế chính sách đặc thù riêng để thu hút giáo viên trong tuyển dụng, nhất là những môn học mang tính đặc thù, không có nguồn; điều chuyển phù hợp giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; tăng cường chuyển đổi số trong toàn ngành theo hướng thực chất, mạnh mẽ để tạo động lực, tạo bứt phá chất lượng”.
Khan hiếm, không có nguồn tuyển giáo viên dẫn đến thực trạng thiếu, nhiều nhất hiện nay ở cấp học mầm non, tiểu học. Năm học 2022-2023, Hậu Giang thiếu 846 giáo viên ở các môn học, trong đó thiếu nhiều nhất là giáo viên giảng dạy mầm non, các môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc và mỹ thuật. Nhiều chính sách phát triển giáo dục mầm non đã được tỉnh ban hành, HĐND tỉnh cũng ban hành Nghị quyết 15 quy định định mức hỗ trợ kinh phí hợp đồng giáo viên, khoán định mức nhân viên các trường mầm non, mẫu giáo và phổ thông công lập năm học 2022-2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết Quy định chính sách thu hút giáo viên giảng dạy các môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hậu Giang, cho biết: “Ngành chủ động tham mưu kịp thời, tỉnh đã có sự quan tâm, kịp thời ban hành các nghị quyết, chính sách đặc thù riêng cho ngành giáo dục và đào tạo để thu hút nguồn nhân lực. Đây chính là những thuận lợi để ngành tích cực nỗ lực để vượt khó trong thời gian tới, nhất là từng bước giải bài toàn thiếu giáo viên hiện nay”.
Để đảm bảo đội ngũ nhà giáo, bà Nguyễn Thị Bạch Vân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trà Vinh, đề xuất: “Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét tham mưu Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116, quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, bổ sung quy định rõ sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp phải về địa phương đã chi trả chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt để được tuyển dụng đặc cách và phân công công tác; nếu không về địa phương đã chi trả chính sách thì phải bồi hoàn kinh phí đã chi trả”.
Đến nay, dù còn nhiều cố gắng, ĐBSCL vẫn còn 1.279 phòng học nhờ, mượn (tập trung chủ yếu tại cấp học mầm non và tiểu học); thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng nhu cầu dạy học chỉ đáp ứng khoảng 46,4% là điểm vướng lớn cần có lời giải sớm.
Cần cơ chế, chính sách gì ?
Lo ngại số người mù chữ trong độ tuổi 15-60 của khu vực cao, còn khoảng hơn 441.000 người, chiếm 38,26% số người mù chữ của toàn quốc, tỷ lệ học sinh bỏ học nhiều, chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cũng như chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước… Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, hiến kế: “Vùng cần có cơ chế chính sách riêng, đặc thù đối với người học như hỗ trợ chi phí học tập, tiền ăn trưa cho trẻ em diện hộ cận nghèo, khó khăn, hộ ven sông... để huy động trẻ đến trường, ngăn dòng bỏ học. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi riêng cho giáo viên mầm non, giáo viên phụ trách làm công tác phổ cập giáo dục ở các trường học vì học làm việc rất cực nhưng ít chế độ phụ cấp riêng; quan tâm chính sách đào tạo phát triển hệ thống trường nghề. Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu với Chính phủ có 1 đề án riêng xây dựng trường chuẩn quốc gia cho vùng. Nếu có đề án này, chắc chắn chất lượng giáo dục của vùng sẽ nâng lên, đáp ứng được yêu cầu đặt ra cả về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, huy động học sinh, đầu tư xã hội hóa”.
Còn ông Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Cần Thơ, kiến nghị cần chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ giảng viên cho các trường đại học. Đây là một nhu cầu cấp bách và quan trọng đối với phát triển giáo dục đại học của vùng, để nhanh bắt kịp với giáo dục đại học các vùng miền khác nhất là vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Hồng.
Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhìn lại kết quả 10 năm nỗ lực chăm lo cho giáo dục và đào tạo, khu vực ĐBSCL đã có đủ niềm tin, tự hào với những bước tiến đột phá, khẳng định thực lực của giáo dục và đào tạo vùng.
Tại hội nghị với các địa phương khu vực vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Từ nay trở đi không gọi đồng bằng sông Cửu Long là “vùng trũng” nữa. Đặc biệt, giáo dục và đào tạo của khu vực hiện vẫn duy trì “chất riêng” không màu mè, ít hình thức, học sinh ham học, có nền nếp. Vùng đã thể hiện “chất” rõ bằng chỉ số kết quả giáo dục vươn tầm, trong khi điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, thiếu phòng lớp, thiết bị dạy học chỉ cơ bản đáp ứng hơn 46%. Đây là điều rất đáng tự hào”.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị: “Thời gian tới các tỉnh, thành ĐBSCL cần rà soát quy hoạch lại quy mô mạng lưới trường lớp phù hợp theo tình hình thực tế từng địa phương. Đặt mục tiêu nâng cao mặt bằng dân trí là yêu cầu cấp thiết cho khu vực, ưu tiên phát triển giáo dục bậc đại học, đẩy mạnh tỷ lệ sinh viên/10.000 dân. Tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách con người là quan trọng nhất, xây dựng môi trường học tập chất lượng. Khó khăn rất nhiều nhưng chúng ta cần có cái nhìn lạc quan để tìm được niềm tự hào trong giáo dục để có động lực, khát vọng đào tạo những con người có nhân cách, đạo đức, học giỏi”.
Mục tiêu phát triển giáo dục ĐBSCL đến năm 2030: 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT, 10% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT hệ giáo dục thường xuyên; 20% học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề; nâng tỷ lệ cán bộ và giảng viên của các trường đại học trong khu vực có trình độ sau đại học bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cả nước…
Theo Báo Hậu Giang