Dự án đã tiếp nhận và chuyển giao 3 quy trình công nghệ sản xuất trà mãng cầu cho nông hộ tham gia dự án.
Mãng cầu gai (hay còn gọi là mãng cầu xiêm) được xác định là một trong bốn loại nông sản đặc trưng, tiềm năng gắn với phát triển du lịch của tỉnh. Tại Hậu Giang, mãng cầu gai đã được trồng phổ biến ở nhiều địa phương với tổng diện tích khoảng 685ha. Trong đó, huyện Phụng Hiệp có diện tích lớn nhất tỉnh với khoảng 275ha, tập trung nhiều tại xã Hòa Mỹ. Những năm qua, việc trồng và mua, bán mãng cầu gai đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân nơi đây. Các sản phẩm chế biến từ trái mãng cầu gai, mà tiêu biểu là trà mãng cầu đã trở thành một loại đặc sản của Phụng Hiệp nói riêng và cả tỉnh nói chung.
Xác định được tiềm năng của mãng cầu gai, những năm qua, huyện Phụng Hiệp đã có nhiều sự quan tâm, hỗ trợ nhằm cải thiện, nâng cao năng suất, chất lượng cho loại trái cây này. Tiêu biểu là năm 2020, từ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, huyện đã triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật thực hành chuỗi giá trị mãng cầu gai (Annona muricata L.) đạt tiêu chuẩn GlobalGAP ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang”, do TS. Nguyễn Thị Kiều làm chủ nhiệm, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học công nghệ tỉnh là tổ chức chủ trì.
Triển khai dự án, ban chủ nhiệm đã cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn các hộ dân cách trồng và chăm sóc mãng cầu gai. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế sâu bệnh cho cây và cập nhật nhật ký sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá việc ghi chép nhật ký sản xuất của nông hộ tham gia dự án. Đến nay, sau 3 năm triển khai, dự án đã xây dựng thành công mô hình trồng mãng cầu gai được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP cho xã viên của Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, ở ấp Mỹ Phú A, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, với quy mô 23,7ha, năng suất trung bình 30 tấn/ha.
Ông Lê Hoàng Ba, Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ, chia sẻ: “Trong giai đoạn đầu áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP, bà con xã viên cũng có những sự bỡ ngỡ, nhưng dưới sự hỗ trợ và hướng dẫn của dự án, các xã viên đã tiếp cận được với khoa học và công nghệ, với quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn và được cấp giấy chứng nhận. Đây là một điều rất đáng mừng với bà con xã viên của hợp tác xã và địa phương. Dự kiến, năm 2023, xã Hòa Mỹ sẽ xây dựng sản phẩm OCOP từ trái mãng cầu của Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ. Do đó, hợp tác xã và bà con xã viên cần duy trì sản xuất theo chuỗi này để giữ vững chất lượng sản phẩm đã đạt được”.
Để mở đường cho việc xây dựng sản phẩm OCOP tại địa phương, dự án cũng đã tiếp nhận 3 quy trình công nghệ sản xuất trà mãng cầu (trà túi lọc, trà hòa tan, trà sợi) từ Trường Đại học Cần Thơ. Tiến hành chuyển giao quy trình, xây dựng mô hình liên kết tổ sản xuất, chế biến trà mãng cầu gai chất lượng cao theo tiêu chuẩn trà của Việt Nam cho hợp tác xã và các xã viên tham gia dự án. Qua đó, giúp địa phương hình thành thương hiệu trà mãng cầu đủ điều kiện để được công nhận sản phẩm OCOP cấp huyện, cấp tỉnh trong thời gian tới.
Ngoài ra, dự án còn thử nghiệm tem điện tử QR code truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm mãng cầu gai. Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa thông thường cho sản phẩm “Mãng cầu Hậu Giang’’, nhằm giúp sản phẩm dễ dàng tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước với giá cả cao hơn, ổn định hơn. Ông Phùng Văn Rở, Giám đốc Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, cho biết: “Sắp tới, hợp tác xã sẽ thực hiện kế hoạch xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, tạo ra lợi nhuận để hợp tác xã tiếp tục đăng ký tái công nhận tiêu chuẩn GlobalGAP và duy trì áp dụng chuẩn trong những năm tiếp theo”.
Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật thực hành chuỗi giá trị mãng cầu gai (Annona muricata L.) đạt tiêu chuẩn GlobalGAP ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang” triển khai thành công không chỉ mang lại hiệu quả cho riêng Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, mà đó còn là mô hình mẫu để nhân rộng cho trái mãng cầu xiêm và nhiều loại nông sản khác trên địa bàn tỉnh, giúp các sản phẩm này tự tin vươn xa.
Theo ĐANG THƯ (Báo Hậu Giang)